Họa sĩ – Nghệ sĩ Trần Trọng Vũ và khao khát nghệ thuật luôn phát triển
Trần Trọng Vũ (1964) là một trong những nghệ sĩ - họa sĩ đương đại đi đầu trong thời kì đổi mới nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn thế giới đồng thời cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Pollock-Krasner (2011-2012) thuộc quỹ nghệ thuật quốc tế uy tín hỗ trợ các nghệ sĩ tài năng đã được công nhận. Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam và tham gia giảng dạy tại đây (1982-1989), sau nhận học bổng trường Ecole Nationale des Beaux-Art tại Paris và bắt đầu phát triển sự nghiệp mỹ thuật song song trên xứ lạ và cả quê nhà Việt Nam (1989).
Ông là con út của nhà thơ Trần Dần. Tác phẩm của ông độc đáo, chia làm hai giai đoạn với phong cách riêng biệt mà người không theo dõi có lẽ sẽ bất ngờ khi biết nó đến từ cùng một người. Ông đã mở vô số triển lãm từ các thành phố bên Pháp đến Việt Nam – điều mà nhiều họa sĩ ít nhất một lần ao ước.
Họa sĩ Trần Trọng Vũ (Ảnh từ nguồn báo Thể Thao và Văn Hóa)
Tác phẩm của Trần Trọng Vũ không giới hạn ở hội họa, ông tiếp cận công chúng qua những tác phẩm thị giác sắp đặt (Triển lãm chuyện của Vũ, Triển lãm Điểm gặp,..), tiểu thuyết (Thành phố bị kết án biến mất), nhiếp ảnh,... Tâm hồn nghệ sĩ luôn kháo khát tìm những điều mới, hướng đến sự giao thoa đưa nghệ thuật lên chung một điểm hội tụ, bởi vậy tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất” sử dụng rất nhiều hình ảnh, còn những tác phẩm sắp đặt (Triển lãm Điểm gặp,..) lại ngập tràn ngôn từ. Ông mong muốn những tác phẩm của mình gây nên sự hoài nghi, thắc mắc cho người xem, phần nào cũng mong muốn dùng hội họa đưa mình đến gần hơn với thế hệ họa sĩ trẻ.
Triển lãm của Trần Trọng Vũ.
Một số triển lãm cá nhân tại nước ngoài:
- 2022: “Tôi và Moi” tại Paris.
- 2021: “Ces années-là” tại Halle des Chartrons, Bordeaux.
- 2017: “The Sonnet In Blue” tại Phòng trưng bày Quốc gia Singapore.
- 2014: “Les Mots Qui N’étaient Pas Dits” tại Fondation Dapper.
- 2011: “18 proposals of the impossible” tại Espace Ecureuil,Tổ chức sáng lập Nghệ thật đương đại, Toulouse.
- 2006: “We don’t know how water is blue ?” tại phòng triển lãm Plum Blossoms, Hong Kong.
- 2004: “ l’îe de Gorée” và “Blue Memory” tại Bảo tàng Nghệ thuật ASU, Arizona (Mỹ).
- 2000: “Journal der Orte” tại Künstlerhäuser, Worpswede, Đức.
- 1999: “Creation of The Rain Room for "Gap Vietnam" tại Haus der Kulturen der Welt, Berlin, Đức.
- 1998: “The Market in Hell” tại Maea, Paris...
- …
Ông cũng có nhiều triển lãm tại quê nhà: “Chuyện của Vũ” (2023) tại Hà Nội, “The already seen never seen” (2019) Tp HCM, “Trantrongvu” (1995) tại Mai Gallery ,Hà Nội,... và rất nhiều triển lãm chung cùng các nhóm họa sĩ đương thời.
Trần Trọng Vũ có một phong cách sáng tác riêng biệt, trong ông như tồn tại 2 cá thể với góc nhìn nghệ thuật riêng biệt. Trước năm 1998, tác phẩm của ông đề tên Vũ, nhưng sau thời điểm đó tác phẩm của ông đề nguyên danh Trần Trọng Vũ. Thời điểm bước ngoặt này cũng là thời điểm thân phụ Trần Dần của ông ra đi (1997). Với hai bút danh, phong cách nghệ thuật như đối lập hoàn toàn. Dưới bút danh Vũ, tác phẩm của ông đề cao cái đẹp, theo đuổi hội họa thuần túy trong khi Trần Trọng Vũ lại đem đến những tác phẩm với nhiều hướng đi luôn tịnh tiến phát triển tìm hiểu bản ngã của chính mình.
Tác phẩm sắp đặt tại triển lãm Chuyện của Vũ, tại Ánh Dương Art Space, Hà Nội.
Trần Trọng Vũ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau khi nhận học bổng bên Pháp ông chuyển sang sinh sống và làm việc tại Pháp. Trong thời gian hoạt động bên Pháp, ông cũng nhiều lần về Việt Nam không chỉ để mở triển lãm, ra mắt sách mà còn để nuôi trồng lớp họa sĩ trẻ. Bằng tâm huyết với nghề và thực lực, ông nhận giải Pollock - Krasner mùa 2011-2012 - giải thưởng do quỹ nghệ thuật Jackson Pollock – Le Krasner tại New York (Quỹ quốc tế uy tín hỗ trợ các nghệ sĩ có tài năng đã được công nhận) đảm nhận.
Tác phẩm sắp đặt tại triển lãm Good Morning Viet Nam
Triển lãm với những gương mặt có chiếc miệng cười lớn trên màu nền rực rỡ đỏ và vàng. Hình ảnh và những ẩn dụ này lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuyên truyền, tranh cổ động của Liên bang Xô Viết từ đầu thế kỷ 20.
Tác phẩm sắp đặt tại triển lãm Blue Memory, tại Bảo tàng Nghệ thuật ASU, Arizona, Mỹ.
Trong các tác phẩm, ta thấy phần lớn ông mượn hình ảnh chính mình để thể hiện. Bằng bút pháp châm biếm của Vũ, tranh ông bao hàm những cái nhìn về xã hội và cả những câu chuyện xoay quanh chính ông và ký ức về gia đình. Với nhiều chất liệu độc đáo, tranh của Vũ xuất hiện trên các bộ sưu tập của bảo tàng quốc gia Singapore, bảo tàng quốc gia Việt Nam và bộ sưu tập của các tư nhân có tiếng trên thế giới.
Những tác phẩm vẽ tay của họa sĩ cũng mang những góc nhìn vô cùng độc đáo, trừu tượng, độc lạ đến với người thưởng thức chúng. Với lối vẽ châm biếm rất đặc trưng, Vũ ghi lại những trải nghiệm của mình bằng hàng loạt các biểu tượng đối lập và phép ẩn dụ lẫn hài hước.
Tác phẩm “Subject and Object (2012) kích thước 130x200cm, chất liệu sơn dầu trên vải, đã đấu giá 87.500 HKD, tại sàn Christie’s Hong Kong.
Các tác phẩm sắp đặt của Vũ nói chung được lấy ý tưởng chủ yếu từ nilong, chúng thường được sắp xếp tạo thành một không gian mở, không có cửa ra vào. Nilong vốn ít được thấy dùng trong vật liệu làm mỹ thuật thế nhưng họa sĩ đã sử dụng rất tài tình từ màu sắc cho đến vị trí để tạo nên một không gian choáng ngợp, rất đậm chất riêng. Với chất liệu nilon, người xem có thể nhìn tác phẩm trong nhiều chiều không gian, khi ánh sáng thay đổi, tác phẩm cũng đem đến góc nhìn và màu sắc mới. Màu trong suốt của nilong được dùng triệt để, người xem có thể nhìn xuyên suốt các tác phẩm như chúng vốn chẳng hề có nền. Tác phẩm của Vũ dường như đem đến cho người xem một nỗi sợ vô hình khi lạc vào mê cung ảo ảnh.
Tác phẩm “ Censored Men” (2008), kích thước 53x40.5cm, chất liệu sơn dầu và Acrylic, đã đấu giá 68.750 HKD tại sàn Christie’s Hong Kong
Tác phẩm đề Vũ tuy nằm trong khuôn khổ tiêu chuẩn cái đẹp hội họa nhưng vẫn luôn khám phá, đề thử trên mọi chất liệu sáng tác, từ thể loại đến bút pháp,.. cái đẹp của Vũ cũng luôn tự nó phát triển. Đối lập trái ngược với Vũ là Trần Trọng Vũ với những tác phẩm tông đỏ và vàng chịu ảnh hưởng từ màu tranh cổ động thời Việt Nam Đổi Mới, hội họa mà Trần Trọng Vũ khai thác chính là thứ hội họa mà Vũ vứt bỏ, không coi nó là nghệ thuật. Trần Trọng Vũ đem những thứ không đồng nhất xếp lại cạnh nhau, những thứ tưởng chừng không thể nào cùng tồn tại trên bức tranh lại được hợp nhất. Tranh của ông vẽ lên là cuộc sống, góc nhìn của mình, là sự châm biếm, chế giễu cũng là sự thấu hiểu đối với chính trị và con người.
Tác phẩm “Chân dung người bên bồn rửa” (2005), kích thước 126x80cm, chất liệu acrylic trên màng nhựa gương, đấu giá tại sàn bên Pháp.
Bức tranh "Chân dung người bên bồn rửa" của hoạ sĩ Trần Trọng Vũ là một tác phẩm nghệ thuật đầy tinh tế và bí ẩn. Với chất liệu acrylic trên màng nhựa gương, họa sĩ đã tạo nên một bức tranh với màu sắc sáng tạo và đầy tinh thần nghệ thuật. Trong bức tranh này, họa sĩ Trần Trọng Vũ đã tập trung vào chân dung của một người phụ nữ đang bên bồn rửa. Tuy nhiên, hình ảnh này không phải là một bức chân dung thông thường, mà là một bức tranh đầy bí ẩn và mơ hồ. Họa sĩ đã tạo ra một không gian riêng, một không gian mộng mơ và lãng mạn, khiến người xem như đang nhìn vào một bức tranh trừu tượng.
Với phong cách vẽ mơ hồ và bí ẩn của mình, Trần Trọng Vũ đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đầy tinh tế và sức hút. Ông luôn muốn người xem có thể cảm nhận chúng theo những cách khác nhau, và mong tác phẩm của mình gây nên một vài băn khoăn, thắc mắc, hoặc những hoài nghi nào đấy cho họ. Bức tranh "Chân dung người bên bồn rửa" là một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng và tinh tế, tạo nên sự sâu lắng và hút hồn người xem.
Dù Trần Trọng Vũ cũng là người con đi xa xứ từ sớm nhưng khi ta nhìn vào tác phẩm của ông lại thấy một Vũ rất đậm nét Việt Nam theo cách của riêng mình. Tranh của ông đưa những hiện thực phức tạp trở thành những nét vẽ vô tri vừa kỳ quặc vừa đáng yêu cũng như vừa phê phán lại vừa thấu hiểu. Nghệ thuật của ông khác người nhưng độc đáo, thứ nghệ thuật đặc biệt ấy không chỉ ảnh hưởng nhiều đến các họa sĩ Việt cùng thời mà còn cả những thế hệ họa sĩ trẻ sau này.
Khánh Linh