Tiểu sử Lê Văn Miến ( Lê Huy Miến )
Vào cuối thế kỷ thứ 19, gần 30 mươi năm trước trường Cao-đẳng Mỹ-Thuật Đông-Dương, nước Việt-Nam đã có một họa sĩ dùng kỹ thuật sơn dầu để hình thành những họa phẩm mà đến nay vẫn còn tồn tại, đó là họa sĩ Lê Huy-Miến.
CHÂN DUNG HỌA SĨ LÊ VĂN MIẾN
Trường Cao-đẳng Mỹ-Thuật Đông-Dương ra đời vào năm 1925 đã mở ra một chân trời mới lạ đối với người yêu thích nghệ thuật nước nhà. Các họa sĩ Việt-Nam bắt đầu làm quen với những phong cách tân kỳ như phối cảnh, hình khối, màu sắc, ánh sáng… và nhất là làm quen với một chất liệu vô cùng kỳ diệu trong nghệ thuật vẽ tranh: Sơn dầu.
Dùng sơn dầu để vẽ tranh là một kỹ thuật hoàn toàn xa lạ đối với người Việt chúng ta. Thời ấy, sơn dầu chỉ chủ yếu dùng trong việc sản xuất sơn mài (thủ công trang trí đồ vật như tủ, hộp, tráp, bao gươm, tượng, hoành phi, câu đối, bình phong…)
Vào đầu tháng 11 năm 1963, người ta khám phá tại gia đình ông Nguyễn Cẩm, số 47 phố Hàng Bông thợ nhuộm, Hà-Nội, có lưu giữ một bức tranh đã rất cũ, được đặt trên bàn thờ tổ tiên, vẽ chân dung một cụ già qua nét sơn dầu.
Sau nhiều thăm dò và tìm hiểu, một kết luận đã được đưa ra: Bức tranh sơn dầu ấy được vẽ năm 1898, gần 30 năm trước khi trường Cao-đẳng Mỹ-Thuật Đông-Dương chào đời, tựa là Chân dung cụ Tú Mền, tác giả tên là Lê Huy-Miến.
Lê Huy-Miến là ai?
I. Lê Huy-Miến hay Lê văn Miến?
Riêng về cái tên, cũng có nhiều điểm cần xét lại. Theo quyển 100 họa sĩ và nhà điêu khắc Việt-Nam thế-kỷ XX, ghi rằng ông tên Lê văn Miến, nhưng không có gì để chứng minh. Các anh em của ông đều có chữ lót là “Huy,” như hai người anh tên Lê Huy-Sáng, Lê Huy-Thản, em tên Lê Huy-Bái… Hơn nữa, con trai ông tên Lê văn Chương cũng chấp nhận tên Lê Huy-Miến của cha mình . Chính vì vậy, chúng tôi xin gọi ông là họa sĩ Lê Huy-Miến.
Dù sao, Lê Huy-Miến hay Lê văn Miến cũng chỉ là một người.
Sĩ phu Bắc-kỳ thời Lê Huy-Miến
(ảnh của Docteur Charles-Édouard Hocquard, Lettrés chinois et annamites,
Tonkin 1883-1886, Bibliothèque Nationale de France)
II. Cuộc đời
Xuất thân từ một gia đình vọng tộc, dòng dõi thanh thế quan lại, Lê Huy-Miến chào đời năm 1873 tại xã Nghi-Thuần, làng Kim-Khê, huyện Nghi-Lộc, tỉnh Nghệ-An (nay là xóm Sào-Nam, xã Nghi-Long). Cha ông tên là Lê Năng-Nghiêm, dưới triều Nguyễn thăng trầm nhiều chức quan, lớn nhất là Án-sát tỉnh Hải-Dương (Sơn-Tây). Lúc mới làm quan, Lê Năng-Nghiêm giữ chức vụ Huấn-đạo tại huyện Quảng-Điền, có nhiều học trò nổi tiếng về sau như Hoàng Liên, Hoàng Thông, Nguyễn văn Mại… Sau khi Pháp chiếm Bắc-kỳ, Lê Năng-Nghiêm lấy lý do về quê để tang rồi ở lại nhà luôn, không muốn cộng tác với quân xâm lược.
Là con thứ ba trong gia đình gồm 6 trai, 5 gái, thuở nhỏ Lê Huy-Miến theo Hán học như các thiếu niên cùng trang lứa, đã nổi tiếng học đâu nhớ đó. Ngoài học chữ, ông còn học được nhân cách từ người cha ngang tàng đáng kính, đặc biệt là mở rộng tầm mắt để sớm hiểu được sự an nguy của nước nhà, cùng những khắc khoải của người nghĩa khí khi triều Nguyễn suy vong. Tuy học giỏi nhưng Lê Huy-Miến bỏ nhiều khoa không ra ứng thí, phải chăng vì đất nước sa vào vòng thực dân, ông chán cảnh khoa cử để thăng quan tiến chức, vinh thân phù gia?
Vào năm 1892, triều đình Huế (Đồng-Khánh) chọn 3 người con của 3 quan chức, gửi sang Pháp đi học trường Thuộc-Địa (École Coloniale) tại Paris. Gia đình quan Án-sát Lê Năng-Nghiêm lúc đầu định chọn một trong hai người con trai lớn là Lê Huy-Sáng hay Lê Huy-Thản để sang Tây du học nhưng hai người này không chấp thuận. Người con thứ ba là Lê Huy-Miến cũng không chịu đi, gia đình phải khuyên giải hết lời, cuối cùng ông đành chấp nhận. Cùng du học với ông là Hoàng Trọng-Phu , con trai Tổng-đốc Hải-Dương Hoàng Cao-Khải, và Thân Trọng-Huề, con trai Tổng-đốc Bình-Phú Thân văn Nhiếp.
Thời gian học ở Paris, Lê Huy-Miến sớm bộc lộ bản lĩnh và nhân cách của mình, đã lãnh đạo nhiều nhóm học sinh các nước thuộc địa khác đứng lên đấu tranh, đình công bãi khóa, gửi đơn tố cáo đến bộ Thuộc-Địa, đòi quyền bình đẳng, chống Hiệu-trưởng Etienne Aymonier. Cuộc đấu tranh từng bị cảnh sát đàn áp, tên Lê Huy-Miến ghi đậm vào danh sách đen, ông gặp nhiều khó khăn trong bước đường học vấn, nhưng luôn được nhiều người kính nể, ngay cả học sinh Pháp, vì ông thường đứng hạng nhất trong lớp. Sau này, khi về nước Lê Huy-Miến đã nói: “Không học thì thôi, mà đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết. Dù trong lĩnh vực nào, nhất là về học vấn, nếu muốn, thì người Việt-Nam cũng không chịu thua kém một ai cả. Tôi không muốn học để làm quan, song học để dằn mặt người Pháp thì tôi sẵn lòng.”
Tốt nghiệp trường Thuộc địa tại Paris, Lê Huy-Miến không trở về làm quan như hai người bạn đồng học. Vì yêu thích hội họa, và có lẽ mượn cớ để tránh cảnh bổng trầm trên hoạn lộ, ông đã quyết định ở lại theo học trường Mỹ-Thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris), dưới sự hướng dẫn của Jean-Léon Gérôme, một họa sĩ có khuynh hướng đông phương (orientalisme, xuất hiện trong bước đi của chủ nghĩa lãng mạn Pháp nửa đầu thế kỷ thứ 19). Chính vì niềm đam mê hội họa này, Lê Huy-Miến đã làm quen với nghệ thuật vẽ sơn dầu rất phổ biến tại châu Âu, nhất là Paris, đưa ông lên làm người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu tại Đông-Dương.
Ngày tháng học tại trường Mỹ thuật Paris, tuy không ngừng bị mật vụ cảnh sát làm khó dễ, Lê Huy-Miến vẫn cố gắng theo bước đường hội họa, học hỏi cái đẹp của văn hóa Pháp, và trong những dịp nghỉ hè, ông có dịp mở rộng tầm mắt qua các cuộc thăm viếng các nước khác tại Châu Âu như Ý, Tây-Ban-Nha, Roumanie, Albanie… Vào năm 1894, tại Paris, Lê Huy-Miến đã thực hiện bức sơn dầu Chân dung cụ Nguyễn văn Mại, chúng tôi sẽ nói đến sau.
Những nỗ lực học hỏi của Lê Huy-Miến đã được đền bù, năm cuối, ông được Hội đồng Mỹ thuật trường Mỹ thuật Paris cử sang Rome để học hỏi và trang trí cho tòa thánh Vatican. Niềm vui của ông không được trọn vẹn vì cuối cùng tên ông đã bị xóa khỏi danh sách do sự bác bỏ của Tổng trưởng Thuộc địa!
Lê Huy-Miến du học 7 năm tại Pháp.
III. Hoạt động chính trị
Lên tàu trở về cố hương năm 1898, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, Lê Huy-Miến đặt chân trên bến cảng Sài-Gòn, trong cảnh chen lấn hỗn độn, một thanh niên thuộc hoàng phái nước Cao-Miên đã bị tát tai bởi một nhân viên cảnh sát Pháp. Trong tình hình căng thẳng, hai bên đã rút súng, Lê Huy-Miến là một trong những người lên tiếng can ngăn, nhưng ông nhận ngay ra nỗi niềm người dân nhược tiểu, sự bất lực trước uy quyền của thực dân. Chính vì vậy, sau đó, khi triều đình Huế mời Lê Huy-Miến ra làm quan tại bộ Công, ông từ chối, chỉ ngao du sơn thủy, vui thú yên hà.
Vào năm 1899, ông phụ trách một công việc khiêm tốn, vẽ minh họa cho nhà in Schneider, nhà in đầu-tiên tại Hà-Nội. Ông làm việc tại đây khoảng trên dưới một năm, cùng với một đồng nghiệp tên Bùi Huy-Tín.
Tiếp-theo đó, vào những năm đầu của thế kỷ thứ 20, do mối liên hệ mật thiết giữa hai họ Lê-Đào, Tổng-đốc An-Tĩnh (Nghệ-An/Hà-Tĩnh) Đào Tấn đã mời Lê Huy-Miến về Vinh làm việc với mình. Năm 1902, Thành-Thái triệu Đào Tấn về kinh nhậm chức Thượng-thư bộ Công, Lê Huy-Miến đã cùng theo, giữ chức vụ Hành-tẩu bộ Công dưới quyền Đào Tấn, phụ trách công việc vẽ bản đồ và kiến trúc cho cung đình Huế. Công việc này đã đưa đẩy ông nhiều dịp gặp Thành-Thái, cùng chí hướng chống Pháp, được vua tin dùng, bí mật giao cho ông nhiệm vụ vẽ mẫu súng bộ binh của phương Tây để đem thuê đúc, hòng trang bị cho đội nữ binh của vua trong nội phủ.
Sự thân cận của những người có đầu óc chống thực dân bị chính quyền bảo hộ Pháp nghi ngờ. Khi các bản vẽ vũ khí của Thành Thái bị phát hiện, vua giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, Khâm sứ Pháp là Lévêque và Hội đồng Thượng thư vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, hạ lệnh cho đại thần Nguyễn Thân bức Thượng-thư Đào Tấn về hưu và đẩy Hành-tẩu Lê Huy-Miến về Nghệ-An mở trường dạy học, đó là trường Pháp-Việt đầu tiên tại Vinh. Thành-Thái bị quản thúc tại điện Cần-Chánh rồi sau lưu đày sang đảo Réunion.
Vào thập niên 1910, các phong trào Đông-du, Đông-kinh Nghĩa-thục, Duy-tân… dâng lên mạnh mẽ và bùng nổ, cầm đầu bởi những chí sĩ ái quốc như Phan Bội-Châu (1867-1940), Phan Chu-Trinh (1872-1926). Tại Vinh, hưởng ứng các cuộc vận động văn hóa chống thực dân Pháp, Lê Huy-Miến tham gia tổ chức Hoan-Học hội của vùng Nghệ-An, dùng văn hóa tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong toàn thể dân chúng.
Tại Nghệ-An lúc ấy có quan Công-sứ người Pháp tên là Sestier, đồng môn với Lê Huy-Miến tại Pháp, vẫn có lòng mến mộ tài năng và tư cách của người bạn xứ An-Nam. Biết trước là không thể tránh được cuộc đàn áp đẫm máu giữa mật vụ Pháp và các phong trào yêu nước, năm 1907, Sestier đã dùng tình bạn mời ông đến tòa Công-sứ, đề nghị ông nên vào Huế nhậm chức giáo sư hội họa và Pháp văn tại trường Quốc-Học, để tránh nạn gia đình bị tàn sát. Nhà giáo Lê Huy-Miến tại trường Quốc-Học Huế trong thời gian này đã có người học trò tên Nguyễn Sinh-Cung.
Sau khi phong trào Đông-kinh Nghĩa-thục tại Hà-Nội bị chính quyền Pháp đàn áp và ngăn cấm, Hoan-Học hội giải tán, để tránh khỏi việc sa vào vòng lưới của nhà cầm quyền thực dân, năm 1913, người trí thức Lê Huy-Miến không tìm được con đường giải thoát nào khác hơn là chấp nhận lời mời của triều đình nhà Nguyễn, đảm nhận vai trò trợ giáo tại trường Hậu-Bổ (trường Sĩ-Hoạn, École des Mandarins) ở Huế, phụ trách dạy các môn toán pháp, địa dư… đồng thời được thăng hàm Hàn-lâm-viện thị-giảng. Đến cuối năm 1914 được thăng chức Phó Đốc-giáo và năm 1919 được làm Đốc-giáo. Tại đây, ông đã có những học trò như Lê Thước (1890-1975), Hà văn Đạt, Phan Phú-Tiết…
Năm 1923, Lê Huy-Miến chuyển sang phụ trách trường Quốc-tử-giám, trở thành Tế-tửu (Đốc-học), dạy cả Pháp văn. Thời gian này, nhân cách của Lê Huy-Miến còn được thể hiện ở trong một kỳ thi tốt nghiệp, ông đã không ngần ngại đánh hỏng người cháu của Thượng-thư bộ Lễ kiêm bộ Học, vì người này đem theo tài liệu vào phòng thi. Một lần khác ông không thiên vị tình riêng, đã đánh hỏng bài thi của người cháu ruột gọi mình bằng chú, làm cho quan trường và hội đồng thi rất kinh ngạc nhưng cũng rất kính phục.
Trong những năm Lê Huy-Miến làm Tế-tửu Quốc-tử-giám, triều đình Huế xảy ra rất nhiều biến loạn. Sau khi Thành-Thái bị đày sang đảo Réunion, Duy-Tân lên ngôi, mưu đồ chống Pháp, bí mật liên lạc với Thái Phiên, Trần Cao-Vân… công việc bại lộ, ngày 5/5/1916, Duy-Tân cũng theo bước vua cha, bị chính quyền thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Tình hình chính trị tại triều đình Huế rất căng thẳng, Lê Huy-Miến giữ thái-độ im lặng và dè dặt trước những biến chuyển của thời cuộc, không xu thời cầu lợi danh, chỉ khuyên học trò: “Các anh còn ở trường thì cố gắng học cho đến nơi đến chốn, sau này ra trường rồi thì tùy các anh lựa chọn.” Đối với con cái trong gia đình, ông cũng chỉ bảo: “Chúng mày thấy phải thì cứ theo, cứ làm.” Đến nỗi khi con trai thứ (Lê văn Chương) bị tù vào năm 1928, vì tham gia hội Thanh niên Tân Việt, ông tuyên-bố: “Nó không đi ăn cướp ăn trộm, thì tôi không xin ra, còn nó làm những việc gì khác, thì nhà nước biết, nhà nước cứ trị”.
Hoạt động của Lê Huy-Miến luôn luôn bị mật thám Pháp theo dõi, ông như một cái gai trước mắt, chờ chực cơ hội để nhổ đi. Năm 1928, nhân bị nhọt ở lòng bàn tay, Lê Huy-Miến vào bệnh viện Huế điều trị, bị tên bác sĩ thực dân tiêm cho mấy ống Acétylarsan, chữa được nhọt bàn tay nhưng gây hại đôi mắt. Ông về hưu vào tuổi 56, vì mắt bị mờ. Khi về hưu ông được thăng Lễ bộ thượng thư trị sự Thiện đại phu.
Hai bàn tay trắng và đôi mắt bệnh tật càng ngày càng nặng, Lê Huy-Miến đưa gia đình về ở trọ nhà một người học sinh cũ tại làng Thế-Chí-Đông (huyện Phong-Điền). Năm 1938, chuyển sang phường Thái-Trạch (thành nội Huế), trọ tại nhà học trò tên Lê Tứ. Thấy thầy mình đui mù già yếu mà cứ phải bấp bênh ở trọ, đầu năm 1940, một nhóm học trò quyên góp tiền mua cho thầy và gia đình một căn nhà cũ ba gian vách ván, cách Huế 30 km, tại phường Trạch-Tả, tổng Phò-Trạch.
Cuối đời, đôi mắt người họa sĩ đầu tiên vẽ tranh sơn dầu tại Việt-Nam hoàn toàn bị mù, phải bỏ quên giấc mộng về già sẽ dành hẳn cuộc sống còn lại cho hội họa. Ông sống lặng lẽ và tăm tối bên cạnh giòng sông Ô-Lâu, với ba người con trai, Lê văn Điệp, Lê văn Chương và Lê văn Yên.
Lê Huy-Miến mất ngày 6/6/1943, hưởng thọ 71 tuổi. Chủ lễ chôn cất người thầy xưa là Nguyễn Tất-Đạt (Cả Khiêm), học sinh trường Quốc-Học, và Nguyễn Trác, học sinh trường Quốc-Tử-Giám. Mộ Lê Huy-Miến chôn tại xứ Trường-An, làng Phước-Tích, cách ga Phò-Trạch khoảng 3km. Triều đình Huế truy tặng Lê Huy-Miến hàm Tế-tửu Quốc-Tử-Giám, Hiệp tá đại học sĩ, Vinh lộc đại phu. Hiện nay, ở Huế, tại phường Tây Lộc, có con đường mang tên ông.
IV. Tác-phẩm
Cuộc đời họa sĩ Lê Huy-Miến trải qua trong sóng gió nô lệ thực dân, tuy có được kiến thức quý báu học từ trường Mỹ-Thuật Paris, tiếp thu thuần thục các nguyên lý tạo hình châu Âu, vẽ những tranh sơn dầu đầu tiên trong các gam nâu đen mạnh mẽ và trầm tĩnh, với tính cách hàn lâm, nhưng bản thân con người trí thức có tình thần yêu nước như ông chưa tìm ra lối thoát cho mình, có nhiều thắc mắc không tìm ra đáp án, vì vậy con đường nghệ thuật không nở được kỳ hoa dị thảo. Vẽ gì? Vẽ cho ai?
Gom lại, tác phẩm của Lê Huy-Miến chỉ là được một số chân dung và rất ít tranh diễn tả sinh hoạt cuộc sống, theo khuynh hướng tả thực, dùng phương pháp Tây phương để trình bày phong cảnh và con người An-Nam.
1. Chân dung cụ Nguyễn văn Mại
Tác phẩm sơn dầu đầu tiên của Lê Huy-Miến người ta biết tới là Chân dung cụ Nguyễn văn Mại, được hình thành tại Paris vào năm 1894.
Nguyễn văn Mại (1853-1945) là học trò cũ của cụ Lê Năng-Nghiêm, phụ thân Lê Huy-Miến. Do thân tình quen biết, khi Nguyễn văn Mại đi sứ sang Pháp có tìm gặp Lê Huy-Miến và bức tranh được hình thành trong thời gian này. Trong niên kỷ của Nguyễn văn Mại, chúng ta đọc được: “… Lúc ta đi Ba-Lê, ông Lê Văn-Miến là con thứ tư của thầy ta là Lê Kim-Khê, người Nghệ-An, cùng hai ông Thân Trọng-Huề và Hoàng Trọng-Phu, du học tại Pháp. Ông Lê Văn-Miến tinh về nghề vẽ, gặp nhau mừng lắm. Ta có xin ông họa chân dung ta. Ông dùng một tấm vải tây và dầu vẽ họa cho ta một bức bán thân. Mỗi buổi sáng đến vẽ một giờ, ba buổi thì xong. Khi về nhà trình cho mẹ ta xem, mẹ ta nói rằng mặt mũi đều giống hệt ta…” (Lô-giang tiểu sử, trang 88).
Bức tranh này không biết hiện ở đâu.
2. Chân dung cụ Tú Mền
Khi từ Paris trở về Việt-Nam vào năm 1898, Lê Huy-Miến đã mang theo rất nhiều dụng cụ và vật liệu hội họa, những thứ mà thời ấy rất còn xa lạ đối với người Việt chúng ta, như sơn dầu trong ống, màu nước… mà theo lời người nhà của ông: “bày chật cả một bàn”!!! Hẳn ông muốn truyền bá những kiến thức mới mẻ, những ý niệm vừa học được về cái gọi là thẩm mỹ, nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật trong xã hội lúc ấy chỉ biết hội họa Trung Hoa và nghệ thuật cổ truyền dân gian? Nhưng nghệ thuật Tây-Âu “kỳ lạ” ấy không hợp với cái nhìn của người An-Nam, và kiến thức tân tiến của Lê Huy-Miến như một vì sao chói ngời nhưng lạc lỏng giữa bầu trời đêm, đến nỗi ông vẫn thường tuyên-bố “Dân ta chưa hiểu biết Mỹ thuật.” Chính vào năm 1898 ấy, Lê Huy-Miến đã hoàn thành bức họa Chân dung cụ Tú Mền mà chúng tôi đã nói ở đầu bài.
Chân dung cụ Tú Mền là một bức họa khổ 54×63 cm, chất-liệu sơn dầu trên vải thô dầy, căng trên khung gỗ.
Thật ra, trong năm đầu tiên từ Pháp trở về, nhiều gia đình phú hào trong vùng cũng muốn Lê Huy-Miến vẽ chân dung, nhưng ông không nhận, dù được trả một số tiền rất lớn vào thời đó, mà theo lời người nhà là “đến 200 đồng”! Ông chỉ nhận vẽ cho bạn bè và người quen biết.
Riêng về cụ Tú Mền, trước kia cụ là thầy dạy chữ nho của Lê Huy-Miến, và cũng là một đông y sĩ đã từng giúp gia đình ông. Cụ Tú Mền tên thật là Nguyễn Vĩnh-Mậu, sinh năm 1834, người xã Nam-Xuân, huyện Nam-Đàn, tỉnh Nghệ-An, đỗ tú tài khoa Đinh-Mão, năm 1867.
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ LÊ VĂN MIẾN
Chân dung cụ Tú Mền
Tại đây, chúng tôi xin dừng lại giây lát, mở một dấu ngoặc, lưu ý quí vị dịch giả, vì cụ Tú không phải tên Mền, như trong quyển 100 peintres et sculpteurs vietnamiens du XX ème siècle, đã dịch là “Portrait du vieux lettré Mền” . Chúng tôi xin mạn phép đề nghị dịch là “Portrait du bachelier.” Nói thêm, “Tú Kép” hay “Tú Mền” là những danh gọi một cách thân ái và bình dân, dành cho các nho sĩ đã đậu tú tài, bước qua thi Hương nhưng vẫn chỉ đậu… tú tài. Người đậu tú tài hai lần (có nghĩa là lần thứ hai trượt thi Hương), được gọi là “Tú Kép,” nếu trượt thi Hương một lần nữa (ba lần), được gọi là “Tú Mền.” Dân ta theo Khổng giáo, vẫn trọng các các nho sĩ, đều gọi chung là “cụ Tú.” Nếu đặt cho cụ Nguyễn Vĩnh-Mậu tên Mền như trong sách kia, sửa đổi tên do cha mẹ đặt ra, thì tội cho cụ quá!
Theo ông Nguyễn Cẩm, cháu nội cụ Tú Mền, để hình thành bức chân dung ấy, thỉnh thoảng ông Miến sang nhà để quan sát và ghi nhớ hình ảnh cụ Tú, nhưng không vẽ tại đấy, mà chỉ làm việc tại nhà riêng của mình. Sau ba tháng, bức tranh được mang đến tặng, cả gia đình đều trầm trồ ngạc nhiên, vì rõ ràng là cụ Tú ở trong tranh, gương mặt phương phi với chòm râu trắng, cái nhìn tinh anh, đầu đội khăn đen, mặc áo dài thâm, quần trắng, đi giày Gia-Định màu đen, tay cầm quạt giấy, ngồi trên một ghế dựa. Nền tranh vẽ màu nâu, ngả sang ánh hồng, có ghi hai hàng chữ nho màu đỏ:
Hàng bên trái: 成 泰 戊 戌 年 寫 真 , 視 年 六 十 四 歲 , Thành-Thái Mậu-Tuất niên tả chân, thị niên lục thập tứ tuế, (Năm Mậu-Tuất niên hiệu Thành-Thái , chân dung vẽ năm 64 tuổi).
Hàng bên phải, 嗣 德 丁 卯 科 秀 才, 年 更 乙 未 弎 十 弎 歲 , Tự-Đức Đinh-Mão khoa Tú-tài, niên canh Ất-vị tam thập tam tuế, (Tú tài khoa Đinh-Mão năm Tự-Đức, 33 tuổi, sinh năm Ất-Vị).
Vì có chữ viết, người đời sau biết chắc chắn rằng tranh được vẽ năm 1898.
Cụ Tú muốn đền công bằng 30 đồng bạc trắng, nhưng dĩ nhiên họa sĩ không nhận. Sau khi cụ Tú Mền qua đời, bức tranh ấy được đưa lên thờ. Khoảng đầu thập niên 70, Chân dung cụ Tú Mền đã được viện Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc gia (Hà-Nội) mua lại, tuy tình trạng tranh không còn nguyên vẹn, vì thời gian đã đi qua, để lại những vết chân hoen ố. Một bản sao, thay thế bản chính, đặt trên bàn thờ tổ tiên nhà ông Nguyễn Cẩm, số 47 phố Hàng Bông thợ nhuộm, Hà-Nội.
Nguyễn Phi-Hoanh phê bình bức tranh này như sau: “Bức chân dung nhà nho Nguyễn Vinh-Mậu cho thấy nghề nghiệp của ông Miến khá vững vàng. Họa sĩ đã biết kết hợp kỹ thuật Tây-Âu với tình thần dân tộc”.
3. Bình văn
Đó là một bức tranh sơn dầu có nhiều điều đáng lưu ý, lớn hơn tranh cụ Tú, khổ 68×97cm, được cho là của Lê Huy-Miến.
“Lịch sử” bức tranh như sau: Một buổi chiều đầu năm 1971, người ta khám phá ra tại gia đình cụ Nguyễn Đình-Chữ, ngõ Thổ-Quan, phố Khâm-Thiên, Hà-Nội, một bức tranh cổ còn giữ được trong tình trạng tương đối tốt đẹp, diễn tả một lớp học chữ nho trong bầu không khí Khổng Mạnh. Toàn thể bức tranh toát ra màu sắc sáng tối trang nghiêm, trầm lặng, giới hạn trong gam nâu, đen, đỏ và trắng. Bố cục hàn lâm vững vàng hình kim-tự-tháp (pyramidale) mà đỉnh cao là một thầy đồ, râu tóc bạc phơ, tay cầm quyển văn, đại diện cho trí thức, được họa sĩ đặt trên tám người học trò ngồi chung quanh, quần áo chỉnh tề, đầu vấn khăn hay để chỏm, chăm chú nghe lời thầy giảng, làm nền cho bố cục hình tháp.
Bức tranh không tên họ, không tác giả, không khai sinh!
Sau nhiều tìm hiểu, cuộc “phiêu lưu” của bức tranh cổ bắt đầu từ nhà cụ Nguyễn Phúc-Đoan ở làng Kim-Liên đến nhà cụ Hội (cha cụ Nguyễn Đình-Chữ). Năm 1945, cụ Hội giao lại cho con trai Nguyễn Quý Tịch. Năm 1954, từ nhà cụ Tịch chuyển sang nhà người em Nguyễn Đình Phượng. Sau đó cụ Phượng đi Nam, giao lại cho em trai mình Nguyễn Đình-Chữ… Từ thuở nhỏ, cụ Chữ (sinh năm 1901) vẫn nhớ bức tranh đã treo ở nhà.
“Bình văn” - tranh của họa sĩ Lê Văn Miến.
Viện Bảo-tàng Mỹ thuật ngỏ ý muốn mua lại bức tranh, gia đình ra giá 700 đồng VN, viện Bảo-tàng mặc cả 600, kỳ kèo đến ngày 19/8/1972 gia đình túng thiếu nên chấp nhận bán. Bốn tháng sau, ngày 26/12/1972, phố Khâm-Thiên bị hoàn toàn phá hủy bởi B.52 của Mỹ, nhà cụ Chữ tan tành, nhưng bức tranh đã về yên phận tại Viện Bảo-tàng Mỹ thuật Quốc-gia Hà-Nội.
Ban chấp-hành Viện Bảo-tàng (Nguyễn Đỗ-Cung làm Viện-trưởng) đã đặt tên cho tranh: “Bình văn,” khai năm sinh 1896, gán cho tác giả Lê Huy-Miến!!!
Thái Bá-Vân đánh giá bức Bình văn: “…họa sĩ Lê Văn Miến với bức tranh Bình văn là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời và thêm một học vấn vững chãi không lặp lại một lần thứ hai nào nữa” [24].
Ngày 02/11/2005, viện Bảo-tàng Mỹ thuật Hà-Nội đã đem bức Bình văn, có tuổi gần một thế kỷ, sang nước Đức để đưa vào trường Đại-học Công-nghệ Kỹ-năng Dresden (Technische Universität Dresden) xin được phục chế. Bức tranh có số phận long đong, sáu tuần đi về mỏi mệt mà chỉ được “tân trang sắc đẹp” bằng cách căng lại trên khung mới và bồi thêm phía sau cho chắc chắn mà thôi, phần hư hỏng loang lổ và vết màu tróc còn lại… “miu vẫn hoàn miu”! Lời giải đáp là khi chụp ảnh bằng tia hồng ngoại, người ta phát hiện ra trên bề mặt của bức Bình văn có phủ một lớp dầu trong suốt (vernis) không phải dùng trong việc bảo quản tranh sơn dầu mà là cho tranh… sơn mài! Trước biến chuyển đột ngột, các chuyên gia Đức không tìm ra loại hóa chất nào có thể tẩy rửa lớp dầu này để có thể tiến hành việc phục chế. Lớp dầu trong suốt này có màu vàng ngà, thường nổi lên trên cùng bát sơn mài khi để lắng. Các hoạ sĩ chuyên về sơn mài hay trải một lớp dầu (gọi là “dầu mặt sơn”) lên tranh để tranh sơn mài được “thoát” (phủ lên trên, vừa bảo vệ và tăng độ bóng cho bề mặt tranh). Thời xưa, các thợ làm tượng truyền thống cũng dùng lớp dầu này phủ lên “da” tượng Phật.
Điều khám phá trên đưa ra một câu hỏi: bức Bình văn có phải là của Lê Huy-Miến?
Bình văn không có chữ ký, không ghi năm vẽ, có lẽ vì là một bức tranh cổ nên các nhà chuyên môn tại Việt-Nam đánh giá rằng đó là tranh của Lê Huy-Miến, vì ngoài ông ra không còn ai có thể hoàn thành bức tranh cổ như thế (?). Sau Lê Huy-Miến, họa sĩ Nam-Sơn (1890-1973) cũng du học tại trường Mỹ-thuật Paris, nhưng nét vẽ và bố cục của Nam-Sơn hoàn toàn khác. Ngoài ra, còn có họa sĩ Trần Phềnh (1895-?) cũng vẽ tranh sơn dầu vào đầu thế kỷ, nhưng Trần Phềnh là người tự học, không thể hoàn thành bức tranh có tính hàn lâm cổ điển như bức Bình văn.
Câu hỏi trên không có lời giải đáp. Xin nhường lại cho các nhà chuyên môn.
4. Hai bức Chân dung ông bà Lê Năng-Nghiêm, phụ mẫu của tác giả, sơn dầu, vẽ khoảng đầu thế-kỷ (?), còn lưu giữ tại gia tộc ở Nghi-Lộc (Nghệ-An), nhà ông Lê văn Điệp, con trai trưởng của Lê Huy-Miến.
5. Chân dung cụ Lê văn Hy, sơn dầu
Cụ Lê văn Hy, tổ phụ ông Hồ Liệu, là người đã cho gia đình họa sĩ mượn một số tiền lớn mà lâu ngày không hoàn trả lại được, họa sĩ thực hiện bức tranh này để trả nợ. Cụ Lê văn Hy được vẽ theo bố cục thông thường trong tranh của Lê Huy-Miến, chính diện, gương mặt nghiêm trang với chòm râu trắng, ngồi trên ghế, đầu đội khăn đống màu đen, mặc áo dài nâu đỏ, ngã sang đen, quần trắng, chân đi hài đen, hai tay đặt trên thành ghế, nét cọ của sơn dầu còn hiện rõ lên tranh.
Chân dung cụ Lê văn Hy đã loang lổ, rạn nứt và nhiều sứt mẻ, hiện còn giữ trên bàn thờ con cháu gia đình ông Hồ Liệu ở Nghi-Long (Nghệ-An).
6. Hai bức Chân dung ông bà Nguyễn-Khoa Luận, vẽ bằng phấn màu, khổ 60×80cm, hoàn thành khoảng 1900.
Cụ ông Nguyễn-Khoa Luận ngồi xếp bằng trên ghế đặt trên thảm, để râu trắng nhưng mặt mũi phương phi tươi trẻ, đầu chít khăn đỏ, mặc áo sòng màu xám, quần trắng, cổ đeo tràng hạt dài phủ gối, tay trái cầm quyển kinh, tay phải cầm quạt lông. Sau khi thi đỗ cử nhân và học Trường Quốc Tử Giám, cụ được cử giữ chức Bố Chánh tỉnh Thanh-Hoá. Khi vua Hàm-Nghi xuống chiếu Cần-vương và giặc Pháp đưa Đồng-Khánh lên ngôi, cụ treo ấn từ quan, bỏ đi tu, chính vì vậy hình ảnh cụ được diễn tả trong bộ áo sòng. Cụ qua đời năm 1900, có lẽ sau khi hoàn thành bức tranh nói trên một thời gian ngắn.
Cụ bà Nguyễn-Khoa Luận ngồi trên ghế gỗ chạm đặt trên thảm dệt màu xám lợt, mặt mũi tinh anh nghiêm chỉnh, trán cao, tóc búi rẽ giữa, mặc áo dài đen, quần trắng, chân đi hài đen, tay trái cầm quạt lông (có lẽ cùng quạt lông trong tranh vẽ cụ ông), tay phải đặt trên thành ghế. Chân dung cụ nổi lên trên nền một tấm thảm dệt hoa văn rất đẹp, phía sau là một bức tường vôi đỏ.
Cụ Nguyễn-Khoa Luận sau này là nhạc gia của Lê Huy-Miến, hai bức chân dung hiện vẫn còn giữ được nguyên vẹn tại chùa Ba-La (Vỹ-Dạ, Huế).
7. Chân dung cụ Đào Tấn
Sau khi kết bạn vong niên với Đào Tấn do lòng mến trọng tài năng và tư cách, thêm nữa, cả hai cùng theo một con đường yêu nước chống thực dân ngoại xâm, Lê Huy-Miến đã vẽ cho họ Đào mấy bức chân dung.
Bức thứ nhất vẽ bán thân, Đào Tấn đội khăn xếp, mặc áo sa mỏng. Bức tranh này được in lại ở đầu tập Kỷ yếu về Đào Tấn do ty Văn-hóa Nghĩa-Bình xuất bản.
Bức thứ hai vẽ toàn thân, Đào Tấn chít khăn vành, đầu tóc búi, mặc áo sa mỏng màu đen, quần trắng, chân đi giày hạ, nét mặt vui tươi. Bức tranh này có lẽ được chụp lại và in trong quyển Souvenir d’Annam (1886-1890) của Baille.
8. Chân dung cụ Hoàng Cao-Khải , sơn dầu, phải chăng hình thành trong lúc Lê Huy-Miến làm việc tại Hà-Nội (khoảng 1899-1900?), khi đến thăm bạn học cũ là Hoàng Trọng-Phu. Đây là một chân dung khổ tương đối lớn, theo lời ông Lê văn Chương, con trai của họa sĩ, thì “lớn hơn mặt bàn,” vẽ Hoàng Cao-Khải đang ngồi, mặc triều phục. Vào năm 1955-1956, bức tranh này vẫn còn thấy xuất hiện trong cuộc triển lãm cải cách ruộng đất tại Hà-Nội.
9. Chân dung vua Thành-Thái
Trong khi Lê Huy-Miến giữ chức vụ Hành-tẩu bộ Công tại Huế, Đào Tấn đã tiến cử họa sĩ vào cung để vẽ chân dung cho Thành-Thái, đồng thời kể chuyện văn minh phương Tây cho vua nghe. Bức Chân dung vua Thành-Thái được hoàn thành trong khoảng thời gian này, không biết chất liệu, có lẽ sơn dầu, trình bày cảnh Thành-Thái ngồi hóng mát ở nhà Lương-Tạ, trước Phú-Văn-Lâu, bên sông Hương. Nhà vua xem tranh rất thích, ban thưởng họa sĩ được ngồi ăn cơm với mình. Đây là một cử chỉ vô tiền khoáng hậu tại chốn cung đình.
10. Hai bức Chân dung ông bà Hồ Đắc-Trung , sơn dầu, khổ nhỏ vừa phải, vẽ hai vợ chồng đang ngồi. Theo Hồ Đắc-Điềm, tranh này còn giữ tại Huế vào thập niên 70.
11. Chân dung ông Menderès, sơn dầu. Menderès là bác-sĩ tại Huế, bạn của Lê Huy-Miến hồi còn ở Paris.
12. Điện Ngọc-trai, thuốc nước, và Cầu Trường-tiền, bột màu, là hai bức phong cảnh, thuộc bộ sưu tập Menderès.
13. Chân dung con trai ông Carlotty, sơn dầu.
. . .
Trên đây chỉ là sơ lược một số tác phẩm của Lê Huy-Miến. Nghe nói họa sĩ vẽ rất nhiều tranh, nhưng không còn tìm ra được vết tích. Cụ Hạp, học trò Lê Huy-Miến, cũng là người được họa sĩ chỉ bảo đôi chút về hội họa, cho biết lúc rảnh rỗi họa sĩ còn trau giồi khả năng bằng cách vẽ phong cảnh và tĩnh vật, vẽ rất nhiều, và dạy học trò rằng “phong cảnh Việt-Nam rất khó vẽ vì màu sắc Việt-Nam không cố định.”
Thời ấy, người biết vẽ tranh theo “kiểu Tây” trên đất Việt không nhiều, hay nói đúng hơn là không có ai, Lê Huy-Miến có thể làm giàu và leo lên bức thang danh vọng không phải là khó, nhưng ông chỉ vẽ tranh để làm vui, vì lòng mến phục, đôi khi vì ân tình, chứ không vẽ thuê.
Khi còn dạy tại trường Quốc-Học, nghe danh tiếng họa sĩ vẽ chân dung như thật, thần sắc không sai, lời ca ngợi đồn đến tai viên Công-sứ (Calotty?) nên ông ta đem vợ con đến thiết tha xin được vẽ chân dung. Không thể từ chối, và cũng muốn cho người Pháp biết tài năng của dân xứ An-Nam, bức chân dung đã được hoàn thành, nghe nói đặt tên “Mẹ con người đàn bà Pháp và con mèo nhỏ.” Công-sứ và họa sĩ nhìn nhau, Công-sứ hỏi bao nhiêu tiền, họa sĩ trả lời tiền công là 30 đồng, cả một gia tài thời ấy. Công-sứ tái mặt móc tiền ra đưa, họa sĩ dùng tiền trả ngay cho người thợ mộc đóng khung trước mặt Công-sứ, ông ta mới hiểu được bức chân dung là vô giá.
Sau này, khi Lê Huy-Miến giữ chức Đốc-học Quốc-tử-giám, Khải-Định muốn vời ông vào nội để vẽ chân dung cho mình, nhưng họa sĩ từ chối, với lý do tuổi già mắt kém. Vua bù nhìn Khải-Định than rằng “Ông Tế Miến rất kiêu, vẽ chân dung cho đức Thành Thái mà lại từ chối vẽ chân dung cho trẫm.” Có người không hiểu ý, trách họa sĩ, được ông trả lời “Ông Khải-Định thích mấy người thợ mã tô son tô hồng chớ có thích chi nghệ thuật mà mình vẽ.”
V. Gia đình
Không biết Lê Huy-Miến lập gia đình ở tuổi bao nhiêu, nhưng biết ông có năm bà vợ và một tình duyên dang dở.
Một trong hiền thê của ông thuộc gia đình Nguyễn-Khoa Luận.
Thuở ông còn nhỏ tuổi, trước khi du học Paris, thân phụ ông là Lê Huy-Nghiêm đã dự định kết nghĩa thông gia với gia đình Cao Xuân-Dục, cùng là người xứ Nghệ, lại cùng đỗ đồng khoa cử nhân (năm Mậu-Dần, 1878), gả ái nữ Cao Ngọc-Anh cho ông. Khi Lê Huy-Miến du học Paris, không biết vì lý do riêng tư nào, ông đã viết thư về cho gia đình, viện cớ đôi bên không “môn đăng hộ đối,” (gia đình cụ Cao giàu có, thế gia vọng tộc, bên họ Lê thì nhà nghèo, quan nhỏ), bản thân thì đang du học ở xa, chưa biết lúc nào về, chẳng nên bắt Cao tiểu thư chờ đợi lâu… Sau này, cụ Cao Xuân-Dục gả bà Cao Ngọc-Anh cho ông Nguyễn Huy-Nhiếp, án sát tỉnh Sơn-Tây, nhưng số phận éo le, bà sinh được 3 người con thì ông Nguyễn Huy-Nhiếp qua đời, khi bà chưa đầy 30 tuổi. Cao Ngọc-Anh sau này là một nữ sĩ nổi danh một thời đất Hồng-Lam. Riêng về Lê Huy-Miến, phải chăng khi rời bỏ kinh đô ánh sáng Paris, đã để lại một mối tình với người mắt xanh?…
Không biết Lê Huy-Miến có bao nhiêu người con, nhưng gia đình họ Lê ở làng Kim-Khê rất yêu thích hội họa, hẳn nhiên có sự giáo dục truyền từ Lê Huy-Miến. Những con trai ông tuy không được học nhưng cũng biết vẽ. Anh trai của Lê Huy-Miến là Lê Huy-Thản có người cháu đích tôn hiện theo sự nghiệp dở dang của ông cha, đó là Lê Huy-Trấp, và một người cháu theo hội họa, tên Lê Huy-Tiếp.
VI. Kết luận
Cuộc đời của Lê Huy-Miến là cuộc đời một nhà giáo yêu nước khẳng khái, quan trọng hơn là đời một họa sĩ. Các tác phẩm của ông chỉ có giá trị thời gian, không hẳn là những viên ngọc quý trong nền Mỹ thuật Việt-Nam, nếu xét theo giá trị nghệ thuật tinh túy. Tác phẩm của ông, phần lớn là chân dung sơn dầu, có tính cách hàn lâm, chịu ảnh hưởng những nét nghiêm chỉnh, khô cứng, với bút pháp minh bạch, cẩn trọng, trầm lặng. Tuy nhiên, những bức tranh sơn dầu đầu tiên vẽ tại Đông-Dương của Lê Huy-Miến chứng tỏ vào cuối thế kỷ thứ 19, đã có người Việt-Nam đi theo giòng nghệ thuật bác học tây phương, nhưng những tác phẩm ấy lẻ loi, đơn độc, chứng nhân duy nhất, sáng lên một lần, rồi chìm hẳn đi, cho đến khi trường Cao-đẳng Mỹ thuật Đông-Dương chào đời vào năm 1925, mở ra một nền Mỹ thuật độc đáo, góp tiếng nói riêng biệt vào kho tàng nghệ thuật thế giới.
Theo: Ngô Kim-Khôi
Paris