Thưởng lãm hơn 100 tác phẩm Điêu khắc – Đồ hoạ và Mỹ thuật ứng dụng
Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I Hà Nội chuyên ngành Điêu khắc – Đồ hoạ và Mỹ thuật ứng dụng lần thứ 29 do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã chính thức được khai mạc vào chiều 9/8 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền.
Triển lãm là hoạt động thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được tổ chức theo từng khu vực, nhằm quảng bá các tác phẩm mỹ thuật nổi bật của nghệ sĩ trong các tỉnh, thành phố.
Không gian triển lãm.
Phát biểu khai mạc triển lãm, nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 29 Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực, trong đó triển lãm của ba chuyên ngành Điêu khắc – Đồ hoạ và Mỹ thuật ứng dụng của khu vực I trưng bày hơn 100 tác phẩm mỹ thuật, được lựa chọn từ hơn 200 tác phẩm của các tác giả hiện đang sinh sống tại thành phố Hà Nội.
Theo nhà phê bình Mai Thị Ngọc Oanh, bên cạnh việc chọn lựa tác phẩm trưng bày của các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình, nhà điêu khắc, nghệ nhân làng nghề… thì Ban Tổ chức cũng chọn trưng bày các tác phẩm nổi bật của các nghệ sĩ trẻ và của các sinh viên đang theo học tại một số trường đào tạo các chuyên ngành này tại Hà Nội.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Họa sĩ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng nhận định, đến với triển lãm lần này, các nghệ sĩ đã mang đến những tác phẩm hòa quyện giữa bản sắc văn hóa truyền thống và dấu ấn cá nhân. Đồng thời, thể hiện quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, hướng tới tính ứng dụng cao.
Các tác phẩm tham gia triển lãm cho thấy những nỗ lực sáng tạo mới của các tác giả cho sự đa dạng về quan niệm, chất liệu và khuynh hướng sáng tác của mỹ thuật đương đại. Được lấy cảm hứng sáng tác từ nhiều hình tượng khác nhau trong đời sống, các tác phẩm phần lớn tập trung vào các mảng đề tài: trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lịch sử, cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,… Chất liệu được các nghệ sĩ sử dụng cũng vô cùng đa dạng với gốm, gỗ, thép, mây tre đan, composite,…
Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm thuộc ba chuyên ngành Điêu khắc – Đồ hoạ và Mỹ thuật ứng dụng.
Mỗi tác phẩm đều có hình thức, ngôn ngữ, sắc thái mang đậm dấu phong cách của từng nghệ sĩ, vừa chứa phát huy được những giá trị của mỹ thuật dân tộc vừa mang tính hiện đại qua sự tiếp thu các giá trị của thời đại. Trong đó, xuất hiện một số tác phẩm ấn tượng của các nghệ sĩ trẻ với những tư duy sáng tạo mới và nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa.
Từ các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này, Hội đồng nghệ thuật của cả 3 chuyên ngành sẽ lựa chọn những tác phẩm xuất sắc, có giá trị về nội dung và nghệ thuật của các hội viên để xét tặng Giải thưởng Triển lãm mỹ thuật khu vực cho từng chuyên ngành. Những tác phẩm được giải cao tại Giải thưởng Triển lãm mỹ thuật khu vực sẽ được giới thiệu dự Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng tham quan ngày trong ngày đầu tiên trưng bày.
Triển lãm là dịp để Hội Mỹ thuật Việt Nam tạo sân chơi cho các nghệ sĩ và người yêu thích mỹ thuật trong khu vực được thỏa sức sáng tạo, giao lưu và giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật chất lượng đến với công chúng. Đồng thời, cho thấy những hy vọng vào sự phát triển hơn nữa của nền mỹ thuật Việt Nam với nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật ấn tượng, chất lượng cao trong những năm tiếp theo.
Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I Hà Nội chuyên ngành Điêu khắc – Đồ hoạ và Mỹ thuật ứng dụng lần thứ 29 sẽ diễn ra đến hết ngày 13/8 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Tác phẩm “Nữ du kích”, chất liệu gốm của tác giả Mai Thị Ngọc Oanh.
Tác phẩm “Hoa Đồng Lộc”, chất liệu gốm của tác giả Nguyễn Thị Hải Yến.
Tác phẩm “Chọi gà”, chất liệu sơn mài của tác giả Phạm Văn Tiến.
Tác phẩm “Mầm xuân” (1, 2, 3, 4), chất liệu gỗ nhâm của tác giả Đoàn Văn Bằng.
Tác phẩm “Thồ hàng lên Biên giới”, chất liệu khắc gỗ của tác giả Trịnh Bá Quát.
Tác phẩm “Luân hồi”, chất liệu gốm gỗ của tác giả Nguyễn Thu Thuỷ.
Tác phẩm “Núi rừng”, chất liệu thép của tác giả Trần Văn An.
Tác phẩm “Sóng”, chất liệu composite của tác giả Đặng Thị Huyền.
Tác phẩm “Hải”, chất liệu composite của tác giả Đào Thị Vân Kiều.
Mỗi tác phẩm đều có hình thức, ngôn ngữ, sắc thái mang đậm dấu phong cách của từng nghệ sĩ.
Đồng thời, chứa phát huy được những giá trị của mỹ thuật dân tộc vừa mang tính hiện đại qua sự tiếp thu các giá trị của thời đại.
Huyền Thương