Trang sức triều Nguyễn được mua với giá cao bất ngờ
(CLO) Hàng loạt trang sức triều Nguyễn tại phiên “Nghệ thuật châu Á” của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) vừa được bán thành công với giá cao bất ngờ.
Phiên đấu giá Nghệ thuật châu Á của nhà đấu giá Aguttes vừa kết, một số kim khánh (loại trang sức triều Nguyễn) được trả giá cao gấp nhiều lần so với giá ước tính.
Hiện vật được trả giá cao nhất trong phiên Nghệ thuật châu Á là một giá đỡ bày biện trong thư phòng, làm bằng vàng 18K. Một nhà sưu tập mua lại hiện vật này với giá 63.000 euro (hơn 1,7 tỷ đồng). Giá về tay sau khi cộng thêm các chi phí liên quan ước tính lên đến 2,3 tỷ đồng.
Theo nhà đấu giá Aguttes, chiếc giá có tạo hình cổng vòm, trang trí lưỡng long chầu nhật. “Các chi tiết tinh xảo mang phong cách thời vua Khải Định, Bảo Đại. Mặt sau in chữ dập nổi. Hiện vật có tổng trọng lượng 172g”, hãng đấu giá mô tả.
Kim khánh thời vua Thành Thái (1889-1907) được mua với giá 12.070 euro (hơn 330 triệu đồng), cao gấp nhiều lần giá ước tính của nhà đấu giá là 2-3.000 euro. Khánh được làm bằng vàng 18K, mặt dây đeo khảm đá. Tổng trọng lượng là 22g.
Kim khánh dưới triều vua Bảo Đại được gõ búa ở mức 6.560 euro (hơn 180 triệu đồng). Ban đầu, hiện vật được nhà đấu giá ước tính trị giá khoảng 3.000 euro (hơn 80 triệu đồng).
Kim khánh còn lại trong phiên đấu giá có trọng lượng nhỏ hơn (19g), điểm nhấn nằm ở dây treo, nút thắt dây có đính các dải hạt thủy tinh nhiều màu. Hiện vật được mua thành công với giá 5.248 euro (hơn 144 triệu đồng) – cao gấp khoảng 6 lần so với giá ước tính.
Phiên Nghệ thuật châu Á cũng đấu giá thành công nhiều hiện vật khác như đồng tiền xu thời vua Thiệu Trị, tượng Phật kích cỡ nhỏ, bát, đĩa sứ thế kỷ 19 và một số đồ gốm thời nhà Thanh.
Kim khánh được vua ban cho các tướng lĩnh, quan lại cao cấp vì những công lao của họ đối với triều đại và đất nước. Dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, kim khánh chỉ được thưởng cho các thành viên hoàng gia và các quan lại có điện hàm đại học sĩ. Từ năm 1873 trở đi, vua Tự Đức ban thưởng kim khánh cho các quan chức cao cấp người Pháp ở Đông Dương để tỏ tình giao hảo.
Ba chiếc kim khánh xuất hiện trong phiên đấu giá đều từng thuộc bộ sưu tập của bác sĩ người Pháp Laurent Joseph Gaide (1870-1960), Giám đốc Sở Y tế Đông Dương.
Thủy Tiên