NGHỆ NHÂN SƠN MÀI ĐINH VĂN DẦN VÀ TÁC PHẨM “VINH QUY BÁI TỔ”
Ngay từ khi còn trẻ, Đinh Văn Dần đã tham gia vào các kíp thợ sơn của làng Hạ Thái, rong ruổi khắp nơi thi công các công trình trang trí truyền thống. Sau khi xưởng sơn của gia đình tại Hà Nội giải thể, ông cùng anh em chuyển vào phường Nam Ngư để tiếp tục theo đuổi nghề tổ truyền.
Dưới sự ảnh hưởng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – nơi anh trai ông, cụ Bác Phó Thành, từng giảng dạy và có nhiều đóng góp trong sự ra đời của sơn mài Việt Nam cũng như đưa sơn mài Việt Nam đi đấu xảo Paris năm 1937 – Đinh Văn Dần không chỉ tiếp tục phát triển tay nghề mà còn góp phần lan tỏa nghệ thuật sơn mài trong cộng đồng thợ sơn đương thời. Cũng với sự giúp đỡ của Bác Phó Thành, Đinh Văn Dần có cơ hội tham gia cống hiến tại các xưởng sơn mài danh tiếng, làm việc với những họa sĩ tiên phong như Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí. Bằng sự bền bỉ và niềm đam mê với nghề, ông đã góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật sơn mài Việt Nam, giúp nghề thủ công truyền thống này đạt đến một tầm cao mới.
Bức tranh sơn mài “Vinh quy bái tổ” của Đinh Văn Dần tái hiện hoạt cảnh tôn vinh những người đỗ đạt trở về thăm làng. Trung tâm tác phẩm là đoàn rước trang trọng trên cây cầu gỗ bắc qua dòng sông, với quan trạng cưỡi ngựa, lọng vàng che nghiêm cẩn, cùng những người hộ tống bộ hành trong trang phục truyền thống. Đây là một tác phẩm vừa mang tính duy mỹ cao (vẻ đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình, xa xa thấp thoáng mái đình quê hương), vừa ghi dấu một nghi lễ quan trọng tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa dân tộc với bảng màu hiện đại.
Đinh Văn Dần (Việt Nam, thế kỷ 20)
Tác phẩm: Vinh quy bái tổ
Bình phong sơn mài bốn tấm
Kích thước: 100 x 200 cm
Lê Quang - Le Auctions
10.02.2025