Họa sĩ Nguyến Huyến: Màu sắc kỳ lạ, cuốn hút
Họa sĩ Nguyễn Huyến tên đầy đủ là Nguyễn Đức Huyến (2/5/1915 - 12/7/1994), nguyên quán làng Tư Thế, xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhắc đến Nguyễn Huyến là nhắc đến tài hoa của ông khi tham gia vẽ tờ tiền 100 đồng "con trâu xanh". Lúc phát hành, 100 đồng "tiền cụ Hồ" bằng 100 đồng bạc Đông Dương, có giá trị 2700g bạc, tương đương 33 triệu VND hiện nay. Sự tinh xảo của hình ảnh con trâu trong tờ tiền này đến nay vẫn còn gây xúc động với người yêu nghệ thuật. Nếu lấy kính lúp soi kỹ, khán giả có thể thấy những vòng xoáy lông trâu hiện rõ ở đầu và mình con trâu vô cùng sống động.
Không chỉ là người tham gia tạo nên tờ tiền 100 đồng, Nguyễn Huyến còn là một trong những họa sĩ sáng lập nên Hội Mĩ thuật Việt Nam. Năm 1945, Nguyễn Huyến đã vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong những ngày đón mừng Cách Mạng thành công.
Trong số những cây đa, cây đề của làng mỹ thuật Việt, cái tên Nguyễn Huyến không quá nổi bật về mặt... truyền thông. Nhưng xem nhật ký ông để lại và những tư liệu lưu trữ của gia đình mà ông Trần Quốc Hùng cung cấp, có thể nói không nhắc đến ông kể như là một thiếu sót lớn.
Nguyễn Huyến là một trong 108 Hội viên đầu tiên của Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) từ năm 1957. Ông theo học hai năm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong khoảng thời gian 1932-1936, nhưng sau đó rời bỏ trường để tạo cho mình một lối đi riêng. Ông đã từng có các triển lãm tranh vào những năm 1939, 1941, 1942 tại Pháp. Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 259 nhà sưu tầm cá nhân trong nước và quốc tế sưu tập các sáng tác trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật của ông.
Họa sĩ Nguyễn Huyến đang vẽ tranh
Năm 1945, Nguyễn Huyến đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, trong những ngày đón mừng cách mạng thành công. Năm 1946, ông là một trong 20 họa sĩ (bao gồm cả nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như: Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Nguyễn Văn Khanh…) tham gia vẽ giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cụ thể, Nguyễn Huyến cùng với KTS Lương Văn Tuất, cán bộ ở Sở Địa đồ Đào Văn Trung thời bấy giờ được giao vẽ tờ tiền 100 đồng, trong đó Nguyễn Huyến vẽ mặt sau là hình "con trâu xanh" (mang ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông).
Đến nay, tờ 100 đồng vẫn "giữ kỷ lục" là đồng tiền giấy có kích thước lớn nhất và nếu quy đổi ra VNĐ bây giờ thì 100 đồng "con trâu xanh" bằng khoảng 33 triệu đồng.
Một số họa sĩ từng biết Nguyễn Huyến cho hay, vì muốn con trâu thật sống động, thanh thoát và có thần nên thay vì ngồi ở xưởng vẽ, ông quyết định chạy ra cánh đồng Láng (nay là Quận Cầu Giấy) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ và hí hoáy vẽ lại. Khi tờ 100 đồng được lưu hành, người dân lúc bấy giờ vẫn gọi đồng bạc là đồng "con trâu xanh". Nếu ai còn giữ được tờ bạc này có thể lấy kính lúp soi kỹ sẽ rất thích thú với những cái xoáy lông trâu hiện lên ở đầu và mình trâu rất sống động.
Ba ông họa sĩ ngày nào còn đưa ra một quyết định rất... ngây thơ nhưng lại được nhiều người khen, ấy là đánh dấu bằng một chấm nhỏ ở góc phải và cùng màu với tờ giấy bạc để phân biệt tiền thật, tiền giả dù người dân khi ấy... chẳng mấy ai để ý.
Đồng bạc “Con trâu xanh” do Nguyễn Huyến tham gia vẽ
Sở trường của Nguyễn Huyến là tranh sơn mài và ông bắt đầu nổi tiếng với chất liệu này từ những năm 40 của thế kỷ trước với rất nhiều tác phẩm mang đậm tính hiện thực, được giới chuyên môn nghiên cứu mỹ thuật cũng như các họa sĩ đồng nghiệp cùng thời đánh giá cao về cách tạo hình nhân vật, bối cảnh thiên nhiên trong các tác phẩm...
Năm 1950, bức tranh lụa 120x80cm Tình mẫu tử của Nguyễn Huyến đã được Thị trưởng thành phố Hà Nội khi ấy là Thẩm Hoàng Tín mua với giá 10.000 đồng Đông Dương (bằng 270 kg bạc, tương đương 143.000 USD bây giờ). Sau nửa thế kỉ nhiều biến động, cái tên Nguyễn Huyến lắng đi, không nhiều người biết đến tên ông ngoài những nhà sưu tầm quen thuộc. Các nhà sưu tầm đều mong tranh Nguyễn Huyến trở lại vị thế xưa.
Năm 2018 tại nhà đấu giá Chọn đã diễn ra thành công phiên đấu giá tác phẩm “Thác Bờ”. Với giá khởi điểm 120.000 đô la Mỹ, bức tranh sơn mài mang tên Thác Bờ - 1962 của hoạ sĩ Nguyễn Huyến (1915-1994) vừa được bán với giá 280.000 đô la, tương đương gần 6,4 tỷ đồng, tại một cuộc đấu giá ở Hà Nội. Đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một tác phẩm nghệ thuật tại thị trường nội địa.
Tác phẩm "Thác Bờ" vẽ năm 1962 của hoạ sĩ Nguyễn Huyến.
Hội họa Nguyễn Huyến mang tính chất hàn lâm châu Âu kết hợp với chất liệu Việt Nam truyền thống mang lại một trải nghiệm rất khác lạ đối với người xem. Trong các tác phẩm sơn mài của ông, sự kết hợp truyền thống và hiện đại được thể hiện rõ ở kĩ thuật và chủ đề sáng tác.
Kỹ thuật toát tranh điêu luyện: Đây là một kĩ thuật ít người làm được tốt như ông, thể hiện rõ nhất trong loạt tranh cá vàng. Tranh cá Nguyễn Huyến đưa người xem đến một thủy cung với những lớp nước bồng bềnh chân thực.
Nhà đấu giá Chọn’s tổ chức triển lãm tranh của Nguyễn Huyến. Phần nhiều trong số 52 bức này đều là chất liệu sơn mài sáng tác từ 1939 tới 1987. Toàn bộ số tranh này đều là tranh sưu tầm, không còn thuộc sở hữu của gia đình. Có những bức được đấu giá năm ngoái như Dáng ngọc cũng xuất hiện trong triển lãm do nhà sưu tập cho mượn lại để trưng bày. Triển lãm khá toàn diện về sáng tác của Nguyễn Huyến bởi chủ đề tranh phong phú từ cá, sen, phong cảnh và con người.
Tranh sơn mài chiếm đa số tranh triển lãm đợt này của Nguyễn Huyến.
Vừa qua, trong phiên đấu giá tại khách sạn Drouot Paris (thuộc tập đoàn nghệ thuật Drouot), bức tranh sơn mài “Bình minh trên Vịnh Hạ Long” (Sunrise in the Ha Long Bay) của cố họa sỹ Nguyễn Huyến đã được các nhà sưu tầm quốc tế đánh giá cao. Tại buổi đấu giá, chốt phiên, Nhà đấu giá stanislasmachoir đã gõ búa bán bức tranh với giá là 250.000 Euro (gần 6 tỷ 370 triệu đồng). Giá này chưa bao gồm phí thuế. (Thông thường, các nhà đấu giá tại Pháp thường thu 25%-30% trên giá trị tranh). Dù phiên đấu giá chưa đạt được mức giá kỳ vọng như nhà đầu giá mong muốn, nhưng “Bình minh trên Vịnh Hạ Long” nói riêng và nhiều bức tranh khác của các họa sỹ Việt Nam trên thị trường quốc tế được đánh giá cao, là tín hiệu tích cực khích lệ thế hệ các họa sỹ trẻ noi gương thế hệ họa sỹ đi trước hết mình cho sự nghiệp hội họa.
“Bình minh trên Vịnh Hạ Long”; Kích thước: 152x398cm; Tác giả: Nguyễn Huyến (1915-1994)
Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Huyến
Vịnh Hạ Long, sơn mài, họa sĩ Nguyễn Huyến
Hòn trống mái Vịnh Hạ Long, sơn mài, họa sĩ Nguyễn Huyến
Thiếu nữ, sơn mài, họa sĩ Nguyến Huyến
Chân dung, bút chì, sáp màu, họa sĩ Nguyến Huyến
Kỹ thuật vẽ tranh của họa sĩ Nguyễn Huyến:
Kỹ thuật đắp nổi sơn sống: thực sự là một sự thể nghiệm đột phá so với sơn mài truyền thống.
Kỹ thuật pha màu: Màu cam mặt trời hay màu xanh lục bảo của ông rất hiếm xuất hiện trên tranh của các họa sỹ đương thời khác.
Để tạo ra màu xanh, ông sử dụng các đá màu lạnh trộn với sơn ta, màu sơn sẽ chuyển sang đen. Sau đó, ông mài trong nước (mài ướt) để các lớp ở dưới xuất hiện lên, tạo ra một màu xanh đẹp mắt.
Phương pháp này gọi là “pha màu theo phép trừ”. Phương pháp này cũng áp dụng cho việc tạo ra màu cam. Một lớp sơn đỏ cộng một lớp sơn vàng sau đó mài lớp màu vàng đi sẽ tạo ra một màu cam lạ mà “pha màu theo phép cộng” không thể tạo ra được. Nhiều nhà sưu tập đều cùng chung một nhận xét rằng, tranh của Nguyễn Huyến rất dễ phát hiện ra khi nhìn vào màu sắc, Ông sử dụng màu sắc tài ba, khi xem tranh của Ông nhận ra ngay một điều rằng ngay cả khi để đèn rất tối nhưng màu sơn ông sử dụng nó như phát ra một ánh sáng rất đẹp và thu hút.
Kỹ thuật tạo hình: Tranh Nguyễn Huyến sử dụng phương pháp mảng khối của mỹ thuật hiện thực châu Âu. Sơn mài là một chất liệu khó để vẽ hiện thực nhưng Nguyễn Huyến đã chuẩn bị kĩ về hình trước khi phá bỏ các ranh giới giữa các mảng khối, tức là các nét. Để làm được điều này, ông luôn có rất nhiều phác thảo, khảo họa trước khi làm nên một tác phẩm sơn mài.
Nội dung sáng tác của Nguyễn Huyến bình dị chân thực. Bên cạnh những chủ đề quen thuộc của họa sỹ đương thời như tĩnh vật, phong cảnh, phụ nữ, Nguyễn Huyến – một người con của Hà Nội lại tìm đến những chủ đề giàu tính nhân văn như những người nông dân, những người dân chài, những người lao động phố thị, những người dân tộc miền núi…
Người phương Tây luôn cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài, còn người phương Đông tập trung vào thay đổi thế giới bên trong. Điều này thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có hội họa. Sơn dầu xuất phát từ châu Âu, tri phối thế giới nghệ thuật. Chất liệu sơn dầu giúp những bức tranh được hoàn thiện nhanh chóng đáp ứng nhu cầu diễn tả chân thực thế giới khách quan trước mắt người họa sỹ. Còn đối với sơn mài, quá trình hoàn thiện một bức tranh cần nhiều thời gian hơn thế, những cảm xúc nhất thời của người họa sỹ do đó bị trì hoãn, cảm xúc bị trì hoãn ấy không mất đi, nó chỉ chuyển sang một trạng thái khác khi người họa sỹ sống cùng những tưởng tượng của bản thân. Chắc chắn đây không chỉ là tài sản của Việt Nam mà còn là tinh hoa nhân loại về chất liệu.
Trải qua thời gian, có những bức hơn 50 năm, tranh phong cảnh Nguyễn Huyến có nét hoài cổ nhưng mà vẫn gần gũi đến lạ lùng, một sự gần gũi rung động con tim.
(Tổng hợp)