Họa sĩ Lê Quốc Lộc thay đổi diện mạo Nghệ thuật Sơn mài cho nền Mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Lê Quốc Lộc thay đổi diện mạo Nghệ thuật Sơn mài cho nền Mỹ thuật Việt Nam
Lê Quốc Lộc là một họa sĩ được đánh giá cao về chuyên môn, khả năng sáng tạo và luôn mang lại cho người xem tranh một sự thu hút lớn. Những tác phẩm của ông luôn chứa đựng nét truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng mang được hơi thở thời đại trong từng tác phẩm. Ông sở hữu nhiều tác phẩm giành được các giải thưởng lớn về nghệ thuật ở trong và ngoài nước.
Chân dung họa sĩ Lê Quốc Lộc
Họa sĩ Lê Quốc Lộc sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918, mất ngày 8 tháng 5 năm 1987, quê ở Phùng Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên. Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1937 - 1942. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lê Quốc Lộc bắt đầu hoạt động cách mạng và gia nhập Việt Minh. Sau cách mạng, từ năm 1945 đến năm 1946 ông công tác tại Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Từ năm 1947 đến năm 1954, ông được giao phụ trách ngành Họa ở Sở Tuyên truyền Liên khu III. Vào năm 1959, ông được giao chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ngoài ra, từ năm 1966, ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ I.
Chủ đề trong các tác phẩm của Lê Quốc Lộc chủ yếu là kháng chiến và cách mạng. Họa sĩ Lê Quốc Lộc đặc biệt có hứng thú với chất liệu sơn mài. Ông đặc biệt coi trọng nội dung trong từng tác phẩm và hướng đến tính thẩm mỹ cao. Do đó, các tác phẩm của ông luôn có một góc nhìn mới mẻ, ghi dấu ấn về sáng tạo cả nội dung và hình thức thể hiện. Rất nhiều những giải thưởng, huân chương được trao tặng trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của ông đã chứng minh phần nào tài năng của ông.