Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - vẻ vang bằng tài năng

share facebook

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có tên khai sinh là Huỳnh Công Nhãn, sinh ngày 22.4.1925 tại Bình Hòa - Gia Định, nguyên quán Kế An - Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Học tại Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia-Dinh - Tuyển vào năm 1941) và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1963). Ông là họa sĩ - chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Huỳnh Phương Đông không chỉ là tên gọi của con trai họa sĩ Huỳnh Công Nhãn, mà còn là bí danh của ông từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ, công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (B11). Sau Ngày Thống nhất đất nước 30.4.1975 đến 2015, ông vẫn dùng bí danh này làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật.

Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật thực hành Gia Định (1945), với tinh thần yêu nước, Huỳnh Phương Đông tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân khi quân Pháp trở lại toan xâm chiếm miền Nam. Khi cuộc Tổng khởi nghĩa ở Nam bộ nổ ra (1945), Huỳnh Phương Đông trở về Sóc Trăng. Vừa tham gia công tác cách mạng và tiếp tục hoạt động mỹ thuật.

Ông có biệt tài vẽ nên những cảnh tượng chiến trận ác liệt qua cái nhìn “nhè nhẹ”, với một bút pháp nhạy bén, linh động và lối cắt cảnh tự nhiên – kết quả của một quá trình sáng tác lâu dài ngoài mặt trận, nơi ông trải nghiệm hội họa bằng những phương tiện giải quyết nhanh như thuốc nước, phấn màu, chì than.
Ngay từ 1958, ông đã có một tranh sơn dầu đáng chú ý : Xưởng đóng tàu (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Các tác phẩm thực hiện sau hòa bình : Tổ chiến đấu (1980, sơn mài), Tình đồng chí (1981, sơn dầu), Trận Ấp Bắc (1982, sơn dầu), Trận đánh phía nam cầu chữ Y, Mậu Thân 1968 (1985, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Trận La Ngà (1994, sơn dầu), Trận Bình Giã, tiêu diệt chiến đoàn M113 (1999, sơn dầu, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) và một số tác phẩm điêu khắc”.

 Theo cuốn sách của Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường thì bí danh, bút danh “Huỳnh Phương Đông” cũng chính là tên người con trai duy nhất của họa sĩ, vốn được vợ chồng họa sĩ đặt theo tên gọi của con tàu vũ trụ Phương Đông. Riêng tôi thì nghĩ rằng, cái tên ấy có thể còn có ý nghĩa khác nữa : Phương Đông tức là “phía mặt trời mọc”, “hướng về phía mặt trời mọc”, và người họa sĩ của chúng ta muốn đi về phía mặt trời!

Đã có rất nhiều họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đi vào chiến trường miền Nam với những bí danh, bút danh khác nhau, và cũng phần nhiều trong số họ chỉ sử dụng chúng như một phương tiện tạm thời của thời chiến.

Làm cho bí danh, bút danh của mình trở nên rực rỡ, vẻ vang bằng tài năng, tâm hồn và nhân cách của mình, gìn giữ nó xứng đáng trong suốt sự nghiệp của mình, những nghệ sĩ như thế không nhiều lắm, và họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những nghệ sĩ như thế.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Vừa chiến đấu vừa sáng tác, họa sĩ sở hữu một sự nghiệp hội họa với nhiều tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại và có cũng biệt tài về ký họa chân dung. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007) với 3 họa phẩm nổi tiếng: Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giả, Trận La Ngà, ngoài 2 Huân chương Kháng chiến, 5 Huy chương về Hoạt động Mỹ thuật và 3 Giải thưởng cao quý trong các lần Triển lãm Hội họa.

Đất Sóc Trăng hiền hòa nơi miền duyên hải Tây Nam bộ, không chỉ được biết đến với gạo trắng thơm ngon và Chùa Dơi u huyền trầm mặc mà còn in đậm dấu ấn hoạt động của nhiều văn nghệ sĩ: nhà văn – liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa (1932-1957), nghệ sĩ Thành Được, nhạc sĩ Quách Tín,… Về mỹ thuật, có nhà danh họa Nguyễn Trung (sinh 1940), họa sĩ cách mạng Huỳnh Phương Đông… Trong đó, họa sĩ Huỳnh Phương Đông được coi là một nghệ sĩ hội hoạ nổi tiếng.

Tác phẩm bột màu “Chung một ngọn cờ” – năm 1976

 

Tác phẩm đầu tiên ông vẽ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một năm sau, họa sĩ trở lại Sài Gòn cùng 3 học sinh của trường vẽ Gia Định để hoạt động bí mật: vẽ biểu ngữ, viết truyền đơn cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân. Năm 1947, do hoàn cảnh chính trị, 4 anh em cùng vào khu ăn cứ Việt Minh ở Rừng Sác tham gia kháng chiến.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy với Hiệp định Genève được ký kết (1954), Huỳnh Phương Đông tập kết ra Bắc tiếp tục học Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1957-1963), chuyên ngành Điêu khắc. Nhiều tác phẩm của Huỳnh Phương Đông sau đó được gởi đi tham dự các cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Đông Âu, Cuba, Trung Quốc,… nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn.

Năm 1963, nặng tình với quê hương nhau rún, Huỳnh Phương Đông tình nguyện trở về Nam, để lại vợ là bác sĩ Lê Thị Thu và 2 con: Huỳnh Phương Đông (họa sĩ lấy tên con trai làm bút danh) và Huỳnh Phương Mai ở lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa – con gái út của họa sĩ là Huỳnh Phương Lan sau này sinh tại chiến khu (1974) ở miền Nam. Ở tư cách một họa sĩ – chiến sĩ, tính cách và cuộc đời Huỳnh Phương Đông được khắc họa đậm nét nhất.

Hoạ sĩ nhận công tác Trưởng phòng Hội họa Giải phóng, ủy viên phụ trách Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, họa sĩ là Đại úy phòng Tuyên huấn Cục Chính trị quân Giải phóng miền Nam (1969-1976), rồi là cán bộ phòng Mỹ thuật Giải phóng. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như: Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin rồi Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam (khóa I, II).

Ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG – Đánh vào Sài Gòn 30/4/1975. 1975. Thuốc nước, chì than. 19×29,5cm Ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2015). 

 

 

HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG – Trên trận địa. 1968. Thuốc nước. 15×30,5cm. Ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2015). 

 

Tác phẩm: Hương rừng tháng hai, sơn dầu trên vải, 70*70cm. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Tác phẩm: Nhà bên sông, chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 70*70cm. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông. 

Trong công tác, họa sĩ vừa giảng dạy cho họa sĩ trẻ để chuẩn bị thế hệ kế thừa, vừa cùng đồng đồng đội hăng hái tham gia những trận đánh và chống càn quyết liệt. Dấu chân của người nghệ sĩ yêu nước đã in khắp mặt trận nóng bỏng lúc bấy giờ: trận càn Junction City dữ dội tại căn cứ B2, Huỳnh Phương Đông cùng tiểu đoàn 14 Tây Ninh chiến đấu dũng cảm tại núi Bà Đen, Gò Dầu, Long An đến trận đánh giải phóng Lộc Ninh, Phước Long rồi tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vừa chiến đấu vừa sáng tác rồi triển lãm ngay tại chiến hào. Tranh sáng tác của Huỳnh Phương Đông mang hơi thở nồng ấm của người chiến sĩ yêu nước tại chiến trường máu lửa và phừng phực cháy bỏng tính thời sự ở phòng tranh mặt trận như cổ vũ bộ đội trước khi ra trận.

Ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Ký họa chiến trường là khối tác phẩm đồ sộ có một không hai của người họa sĩ-chiến sĩ. Đây là những sáng tác ghi lại nóng hổi những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng của đồng bào chiến sĩ miền Nam với phong cách nghệ thuật phóng khoáng mà đường nét khỏe khoắn mạnh mẽ dễ làm xúc động lòng người thưởng ngoạn.

Đứng trước những tấm tranh ký họa chiến sự của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, người xem không nghĩ đó là tranh ký họa vì ở tác phẩm họa sĩ đã sử dụng phong phú đường nét một cách chi li khá tinh tế cộng với sự đa dạng rực rỡ ở cách phối màu khác hẵn với tranh ký họa bình thường hạn chế về cách bố cục đường nét, màu sắc như ta thường thấy ở tranh thủy mặc.

Có thể ví dụ ở những hoạ phẩm: Trận Bình Giả (1965), Trận La Ngà (1948), cả hai bức tranh đều được Giải thưởng Nhà nước (2007) hoặc tác phẩm: Vượt cầu dây Đại Lộc, Quảng Nam (1963), Trận đánh phía Nam cầu Chữ Y (1968), Lộc Ninh giải phóng (1973)…

 

Tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Xem tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, đa phần khán giả nhận định là tác phẩm của nghệ sĩ chan hòa chất thơ, rạng rỡ tính lạc quan mà thể hiện đúng nghĩa tính anh hùng ca, và đậm màu sử thi, thích hợp với bản chất của người Nam bộ.

Ông David Thomas, họa sĩ Mỹ, tác giả cuốn sách Huỳnh Phương Đông – góc nhìn chiến tranh và hòa bình (Huynh Phuong Dong – Visions of War and Peace) đã có lần tâm sự khi trở lại Việt Nam: “Tôi đã thật sự say mê những bức tranh của ông. Những bức ký họa chiến tranh của ông mang ‘sức nóng’ của một người trong cuộc và được ‘khúc xạ’ dưới con mắt lãng mạn của một nghệ sĩ tài ba… Dù không nói ra, tôi vẫn coi ông như cha của mình từ lâu. Ông là đại diện của nền hội họa Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ. Ông Đông là kho báu của Việt Nam”.

Cũng nói về nghệ sĩ hội họa Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Huỳnh Phương Đông có bút pháp phóng khoáng, tranh của ông mang màu sắc trong sáng; trong cảnh tàn phá vẫn có những mảng trời xanh thân yêu của đất nước – màu của niềm tin và hy vọng. Tình cảm với quê hương, lòng quyết tâm chiến đấu, khả năng diễn đạt của ông đã tạo nên những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật”.

(Tổng Hợp)

 

 

 

share facebook