Triển lãm bộ sưu tập sơn mài Hùng Khuynh: Cuộc đối thoại giữa các thời đại và ý niệm
Là tác giả được biết đến với nhiều bức sơn mài chứa đựng tính dân gian, họa sĩ Hùng Khuynh luôn quan niệm nghệ thuật là nhịp cầu nối liền thời gian, từ cội nguồn dân gian, ông tìm về với những giá trị văn hóa đã được khắc sâu trong tâm hồn của dân tộc qua bao thế hệ. Với ông, dân gian không chỉ là quá khứ, mà còn là dòng chảy sống động qua từng nét vẽ, từng lớp màu.
Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm sơn mài, một số là những sáng tác ông đặc biệt giữ lại cho riêng mình, một số là những tác phẩm mới chưa từng được công bố. Đây cũng là sự kiện để ông tri ân người bạn đời – người vợ thân yêu đã sát cánh cùng ông trên mọi nẻo đường cuộc sống, tri âm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam – nơi ông đã theo học, cũng như dành tặng cho “tất cả những người đã luôn yêu mến và đồng hành” cùng ông trong suốt chặng đường nghệ thuật.
Họa sĩ Hùng Khuynh.
Đánh dấu hành trình hơn 40 năm lao động nghệ thuật miệt mài của mình, họa sĩ Hùng Khuynh tổ chức triển lãm “Bộ sưu tập Sơn mài Hùng Khuynh: Từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại”.
Trong bối cảnh mà các chất liệu sáng tác hội họa ngày càng phong phú, họa sĩ Hùng Khuynh vẫn lựa chọn sơn mài truyền thống – chất liệu đã cùng người Việt Nam ghi dấu lịch sử trong văn hóa và nghệ thuật từ thủa xa xưa làm chất liệu để thể hiện sự sáng tạo và đam mê của mình. Có thể thấy rằng, sơn mài đã cho phép ông thể hiện được tài năng của mình cùng những ý tưởng nghệ thuật “từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại” mà ông theo đuổi.
Tác phẩm “Thăng hoa”, kích thước: 1.20m x 1.80m, chất liệu: sơn mài, sáng tác năm: 2023.
Sơn mài là nền tảng trong sáng tác của ông, là nơi ông có thể gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự mộc mạc của truyền thống và sự tinh tế của nghệ thuật hiện đại. Mỗi lớp sơn, mỗi đường nét, mỗi ánh sắc vàng, son, then đều mang trong mình câu chuyện của dân tộc, nhưng cũng phản chiếu sự phức tạp đa chiều của đời sống đương đại.
Họa sĩ chia sẻ: “Qua sơn mài, tôi không chỉ bảo tồn tinh hoa nghệ thuật dân gian, mà còn mở rộng giới hạn của nó, đưa nó vào đối thoại với ngôn ngữ hiện đại. Sơn mài không chỉ mang lại chiều sâu về thị giác mà còn chứa đựng tầng tầng ý nghĩa, tạo nên sự đối thoại giữa các thời đại và ý niệm”.
Tác phẩm “Xuân về trên rẻo cao”, khích thước: 1.80m x 2.84m, chất liệu: sơn mài, năm sáng tác: 2022.
Trong hành trình sáng tạo của mình, họa sĩ Hùng Khuynh nhận ra, con đường sáng tạo của ông không chỉ là sự quan sát thế giới, mà còn là hành trình đi sâu vào nội tâm của bản chất sự vật. Hiện thực là cái nhìn đầu tiên, là điểm khởi đầu, nhưng nghệ thuật không chỉ là việc mô tả mà là sự biến hóa.
Qua chất liệu sơn mài, ông tìm cách chuyển hóa cái hữu hình thành vô hình. Cái cụ thể thành cái trừu tượng. Nơi cảm xúc tư tưởng và triết lý được gợi mở bộc lộ qua từng lớp màu và kết cấu độc đáo.
Tác phẩm “Tĩnh vật”, chất liệu: sơn mài, sáng tác năm: 2014.
Nghệ thuật của ông cũng là hành trình không ngừng nghỉ. Nó không phải là cái gì đó cố định mà là sự tìm kiếm liên tục. Một cuộc khám phá sâu sắc về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa dân gian và hiện đại, giữa cái cụ thể và cái trừu tượng.
“Với chất liệu sơn mài truyền thống, tôi muốn tạo nên một không gian để sự hòa quyện đó diễn ra, nơi mà nghệ thuật dân gian không chỉ sống lại mà còn được tái sinh trong bối cảnh mới, mở ra những chân trời mới cho sự sáng tạo. Tôi, một người họa sĩ, tựa như kẻ lữ hành giữa những giá trị đó, vừa học hỏi, vừa tiếp thu, để hiểu sâu hơn về bản chất của con người và cuộc sống trong sáng tạo của mình”, họa sĩ Hùng Khuynh bày tỏ.
Tác phẩm “Rối nước”, khuôn khổ: 1.02m x 102m, chất liệu: sơn mài, năm sáng tác: 2015.
Tác phẩm “Tâm trạng”, khích thước: 0.60m x 0.80m, chất liệu: sơn mài, năm sáng tác: 2024.
Triển lãm “Bộ sưu tập Sơn mài Hùng Khuynh: Từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại” diễn ra từ ngày 22/9 đến 5/10 tại Phòng triển lãm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ khai mạc diễn ra lúc 10h00 ngày 22/9.
Hương Thảo