TRANH VẼ MÈO CỦA DANH HỌA NGUYỄN SÁNG
Nguyễn Sáng (1923 - 1988) là một họa sĩ gốc Định Tường, miền Nam Việt Nam (tỉnh Tiền Giang ngày nay) ra Bắc để cống hiến cho cách mạng cũng như đóng góp thêm cho nghệ thuật nước nhà. Hà Nội là nơi ông có nhiều gắn bó với những khát vọng sục sôi trong lòng người thanh niên trẻ. Tại đây, ông từng tỉ mỉ góp thêm một tiếng nói nghệ thuật của mình sau khi thừa hưởng cả hai nền giáo dục của Trường Mỹ thuật Gia Định và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông để lại di sản đồ sộ các tác phẩm và được biết tới không chỉ là nhà triết học tự nghiệm mà còn là một gương mặt đại diện của chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật.
Hình 1: Danh họa Nguyễn Sáng (1923 - 1988)
Nghiêm cẩn với hội họa, Nguyễn Sáng nghiên cứu vẽ nhiều trên đủ loại chất liệu, nổi bật hơn cả là sơn dầu và sơn mài. Trong mỗi tác phẩm, hiện thực về đời sống hằng ngày, bao hàm cả thời cách mạng thường được ông tập trung khắc họa. Đôi lúc lấy điểm tựa cũng vẫn là hiện thực, ông vẽ có phần cổ động tinh thần lạc quan xây dựng đời sống của người dân. Có một đặc điểm mà Nguyễn Sáng ung dung biến nó trở thành một hình thái hội họa rất “Sáng” là sử dụng hầu hết là những đường nét khỏe khoắn, toát ra thần thái hừng hực, khí phách ghi lại cảm xúc bùng phát bất kể dạng thức của một bức phác thảo hay tác phẩm đã thành hình. Lối thực hành với ý thức tập trung cao và riêng biệt ấy, cộng hưởng với nhiều yếu tố đã để lại cho hậu thế hai tác phẩm bố cục chính luận, phản ánh hiện thực lịch sử được công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia kể tới như “Thanh niên thành đồng” và “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ”.
Tác phẩm: Mèo, 1977
Chất liệu: Bột màu trên giấy
Ký, đề năm dưới trái
Kích thước: 33 x 38 cm
Nguồn gốc:
- Bộ sưu tập của nghệ sĩ
- Bộ sưu tập tư nhân, được mua lại trực tiếp từ nghệ sĩ tại Hà Nội khi ông còn sống
- Bộ sưu tập tư nhân, mua lại từ chủ cũ vào năm 2003
Ngoài các sáng tác phản ánh thời cuộc dân tộc, có một chủ đề được Nguyễn Sáng dành rất nhiều tâm huyết vẽ chính là các con giống. Ông từng vẽ hổ, trâu, ngựa gà nhưng hào hứng nhất và độc đáo nhất phải kể đến tranh vẽ mèo. Tác phẩm “Mèo” đi kèm bài viết này chính là minh chứng cho một cuộc khám phá của hình, sắc, cấu trúc và cách vẽ bán trừu tượng đầy thú vị của họa sĩ. Trong hình ảnh hai con mèo một to một nhỏ xen kẽ chặt chẽ ta thấy được tinh thần nghịch ngợm, phóng khoáng, có bay bổng nhưng cũng rất trần thế. Vẽ con giống quan trọng ở thần thái. Mèo trong tranh Nguyễn Sáng thì ngoài cái thần thái còn là sự chắt lọc tính thẩm mỹ trong thế ngồi, dáng đứng, góc quan sát chủ thể và độ đậm nhạt của màu để đẩy vào một tổng hòa nhẹ nhàng, thanh thoát mà Nguyễn Sáng luôn sở đắc.
Lê Quang