Trần Hà – Sự bí ẩn mê hoặc sau những tác phẩm
Sau bức tranh sơn mài được cho là “đích thực” đầu tiên của Việt Nam do Trần Quang Trân hoàn thành năm 1932, cùng với sự phát triển nghiên cứu chuyên sâu của Phạm Hậu, theo sau đó là những thế hệ họa sĩ kế cận như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang hay đặc biệt là Nguyễn Gia Trí, đã tiến tới cố định hình thành khái niệm lịch sử cho một thể loại nghệ thuật hoàn toàn mới mang tên: Hội họa sơn mài Việt Nam. Từ đây, nghệ thuật sơn mài ở nước ta bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, kéo theo là sự nở rộ của nhiều hãng sơn mài mỹ nghệ ở miền Nam Việt Nam. Trong số đó, người ta vẫn nhắc nhiều đến cái tên Trần Hà.
Các tác phẩm mang nhãn hiệu Trần Hà nằm trong bộ sưu tập ở rất nhiều nơi, nhưng trong một khoảng thời gian dài, những thông tin công chúng biết về ông gần như rất mơ hồ. Trải qua nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu, các nhà nghiên cứu mới đưa ra được những bằng chứng xác thực về xuất thân của ông. Theo đó, họa sĩ Trần Hà, tức Trần Văn Hà sinh ngày 22/12/1911 tại Thanh Phước, Tây Ninh, mất ngày 13/02/1974 tại Sài Gòn. Ông theo học và tốt nghiệp khóa VI trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1930-1935), cùng khóa với Nguyễn Khang. Ông được cho là học trò của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890-1973), một trong hai người đồng sáng lập trường.
Chân dung họa sĩ Trần Hà (1911-1974), chụp trong khoảng thời gian theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh tư liệu của Lynda Trouve.
Trần Hà chụp ảnh cùng các bậc kỳ tài trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Ảnh tư liệu Lynda Trouve.
Bằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Trần Hà.
Ảnh tư liệu Lynda Trouve.
Sự pha trộn, kết hợp từ mâu thuẫn đến thú vị:
Nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 ghi lại những bước chuyển mình và thay đổi mạnh mẽ, đánh dấu từ sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Chính vì lẽ ấy, đã có nhiều sự khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn trong hội họa thời kỳ này, từ phương thức, mục đích sáng tác đến khía cạnh phong cách, thẩm mỹ. Ngay từ chính tầm nhìn khi ra đời của trường đã có sự xung đột.
Trong khi giới chức cầm quyền Pháp không thiết tha gì với việc đào tạo những “nghệ sĩ” hoạt động nghệ thuật, mà thay vào đó là mong muốn đào tạo hàng loạt “nghệ nhân” sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu phục vụ cho kinh tế, thì những giảng viên, sinh viên của trường lại kiên quyết chống lại điều đó. Họ cho rằng “người An Nam hoàn toàn có khả năng trở thành những nghệ sĩ tạo hình chân chính, và có quyền làm như vậy”. Song song, phong cách nghệ thuật của hai miền Nam-Bắc thế kỷ 20 cũng có sự khác biệt rõ rệt.
Trong khi nghệ thuật miền Bắc chú trọng đến hoàn cảnh sáng tác, bị ảnh hưởng nhiều bởi các lý do kinh tế - xã hội, thì hội họa miền Nam, nhất là giai đoạn 1954-1975 (đánh dấu bằng sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định) lại phát triển như một khu vực riêng bởi đặc trưng thẩm mỹ và kỹ năng, chứ không phải các lý do kinh tế hay xã hội, dẫu chính các lý do ấy là nguyên nhân tạo ra một thẩm mỹ riêng biệt.
Trong hoàn cảnh phức tạp đó, họa sĩ Trần Hà trở thành trường hợp thú vị, khi ông là sự kết hợp của tất cả những sự khác biệt đến mâu thuẫn kể trên: ông thấm nhuần tư tưởng mỹ thuật của trường Đông Dương, nhưng phần lớn thời gian lại hoạt động nghệ thuật với tư cách một nghệ nhân sơn mài mỹ nghệ; ông tiếp xúc hệ thống văn hóa, hội họa miền Bắc, nhưng các tác phẩm lại ghi dấu ấn đậm nét phong cách thẩm mỹ đặc trưng của miền Nam.
Từ sự bí ẩn đến những tác phẩm tiền tỷ:
Quá trình sáng tác và hoạt động của Trần Hà vẫn đang còn là một bí ẩn với những nhà nghiên cứu. Nhưng tựu chung, ta có thể tạm chia làm hai giai đoạn: trước và sau khi mở xưởng sơn mài Trần Hà.
Giai đoạn khi Trần Hà bước chân vào học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng là thời điểm các họa sĩ Việt Nam đã tập làm quen và sử dụng thành thạo chất liệu sơn dầu phương Tây, đồng thời được xem là thời điểm bắt đầu giai đoạn nghiên cứu lần thứ nhất của lịch sử hội họa sơn mài Việt Nam (kéo dài 13 năm cho đến khi diễn ra cuộc “Triển lãm của hiệp hội các nghệ sĩ Đông Dương” từ ngày 20 đến 28/12/1940, trưng bày những tác phẩm sơn mài của các họa sĩ nổi tiếng như Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ…). Trần Hà lúc này được tiếp xúc với một nền hội họa đa dạng, do đó các tác phẩm của ông thời kỳ này cũng có sự phong phú về chất liệu sáng tác. Ông vẽ từ sơn mài cho đến mực và bột màu, tranh lụa…
“Yên bình”, Trần Hà, 1934.
Mực và bột màu trên lụa, 55x97 cm.
Lụa là chất liệu người ta ít khi được thấy Trần Hà sử dụng ở giai đoạn sau trong sự nghiệp của mình. “Yên bình” là một tác phẩm minh chứng cho khả năng sáng tác tranh lụa tuyệt vời của ông. Ông sử dụng một mảng màu dịu nhẹ, chất màu trong trẻo, đề tài sáng tác đậm chất dân tộc kết hợp lối vẽ chịu sự ảnh hưởng đâu đó của phong cách phương Tây thế kỷ 18.
“Ngôi chùa”, Trần Hà, đầu những năm 1940.
Bột màu và màu nước trên giấy, 33x46 cm.
Những năm này, bên cạnh việc sử dụng đa dạng chất liệu thì đề tài sáng tác của Trần Hà vẫn mang nhiều tính cổ điển, văn hóa. Hình ảnh mái đình, làng quê…đậm chất Việt vẫn thường được ông hướng tới trong các tác phẩm của mình.
Nói riêng về chất liệu sơn mài của Trần Hà trong giai đoạn này, ông nghiên cứu sử dụng xen lẫn giữa sơn mài đồng nhất (laque unie, tức là sơn mài chỉ dùng những vật liệu cổ truyền hoặc cổ truyền dưới dạng mới) với sơn mài bóng (laque claire, sơn mài sử dụng cả những vật liệu mới, đặc biệt là bột trắng titane), và cả sơn mài chìm (phẳng tuyệt đối, một dạng ở giữa sơn mài đồng nhất và sơn mài bóng). Các tác phẩm thời kỳ này của Trần Hà mang tính nghệ thuật nghiên cứu cao. Nơi đó có sự hàn lâm, cũng có sự tìm tòi phá cách trong lối vẽ. Đây còn được xem là giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp hội họa của ông, cũng là thời điểm ra đời tác phẩm “Tiếng gọi” nổi tiếng, trước khi ông chuyển sang thời kỳ “sơn mài mỹ nghệ”.
“Tiếng gọi”, Trần Hà, khoảng 1938-1940.
Sơn mài, 200x100 cm.
“Tiếng gọi’ được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Trần Hà, cả về hình thức, nội dung sáng tác lẫn thời điểm ra đời. Tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài chìm, mô tả khung cảnh săn bắn lấy cảm hứng từ những thiên sử thi hùng vĩ. Bức tranh được hoàn thành khi ông chưa đầy 30 tuổi, cũng là giai đoạn được xem là hoàng kim trong sự nghiệp hội họa của ông.
Sau khi trở lại miền Nam và lập xưởng sơn mài mỹ nghệ Trần Hà nổi tiếng (địa chỉ chính số 43 Hùng Vương, Phú Cường, Bình Dương. Chi nhánh tại Hotel Continental, Công trường Lam Sơn, Sài Gòn), sự nghiệp hội họa của ông chuyển sang một hướng rẽ mới với chủ yếu là sáng tác các tác phẩm mỹ nghệ. Dẫu ông vẫn sử dụng đa dạng chất liệu như bột màu, phấn màu,…nhưng nhiều nhất vẫn là sơn mài. Đa phần chúng ở dạng hội họa trang trí (peinture décorative), áp dụng trên nhiều đồ vật như bình phong, trường kỷ, bàn ghế… Chủ đề sáng tác thời kỳ này mang đậm dấu ấn của mỹ thuật miền Nam, khi ít bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh kinh tế - xã hội, mà thay vào đó là những hình ảnh quê hương, phong cảnh…
“Làng bên bờ sông”, Trần Hà.
Sơn mài, 90x121 cm.
“Làng bên bờ sông” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thẩm mỹ trong các tác phẩm của Trần Hà giai đoạn này. Ông thường hướng tới chủ đề thiên nhiên, hay hình ảnh những ngôi làng đặc trưng của Nam Bộ, với chất màu sử dụng nổi bật, dễ đánh vào thị cảm.
‘Đàn cò trên lũy tre”, Trần Hà.
Sơn mài, 60x122 cm.
Ông cũng sử dụng mô típ sơn mài trên nền đen hay gặp ở các nghệ sĩ miền Nam. Kết hợp với những chất liệu mang tính ánh kim, có độ sáng bóng cao như vàng, bạc…giúp tôn lên các chi tiết mang tính điểm nhấn trong tác phẩm.
Một trong những chủ đề cũng rất đặc biệt không thể không kể đến của Trần Hà là tôn giáo. Ông vẽ nhiều hình ảnh các nhân vật đặc trưng của tôn giáo, từ Khổng Tử (Nho giáo) đến nhà sư (Phật giáo), mẹ đồng trinh (Kito giáo)…
“Đức Maria ẵm Chúa Giê-su”, Trần Hà.
Sơn mài, 100x70 cm.
“Toàn cảnh chân dung Khổng Tử”, Trần Hà, 1950.
Sơn mài, 123x75 cm.
Các tác phẩm của Trần Hà, dù là sáng tác mỹ nghệ, vẫn mang tính chất nghệ thuật rất cao. Nhiều tác phẩm của ông được đem ra đấu giá công khai tại các sàn lớn trên thế giới và đạt mức giá hàng tỷ đồng, với kỷ lục thuộc về bức “Hai Bà Trưng”, được bán ra với mức giá 1.125.000 HKD (tương đương khoảng 145.000 USD) tại phiên đấu giá nhà Sotheby’s ngày 09/07/2020.
“Hai Bà Trưng”, Trần Hà.
Sơn mài, 100x200 cm.
Trải qua nhiều thập kỷ hoạt động, họa sĩ Trần Hà đã để lại một di sản đồ sộ các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Dẫu, kiến giải về ông của giới chuyên môn và người yêu thích tranh là chưa quá kỹ càng, nhưng điều đó càng tạo ra sự tò mò và hấp dẫn đặc biệt. Đồng thời, sức hút từ các tác phẩm của ông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường sưu tầm, cả trong và ngoài nước.
Văn Khánh