PHIÊN ĐẤU NHÀ AGUTTES NGÀY10/9: HỌA SĨ CHÂU Á: INDONESIA, TRUNG QUỐC & VIỆT NAM.

share facebook

Phiên đấu ngày 10/9/2024 “HỌA SĨ CHÂU Á” vừa qua được tổ chức bởi nhà đấu giá quốc tế Aguttes với 61 Lot là một phiên đấu đặc biệt nổi bật với rất nhiều tác phẩm kinh diễm đến từ các quốc gia châu Á. Các tác phẩm Việt Nam đã xuất sắc góp mặt xuyên suốt phiên đấu giá với tổng số lên đến 48 lot chưa kể những tác phẩm từ thầy tây giảng dạy tại Mỹ thuật Đông Dương như Alix Ayme. Giữa các tuyệt tác từ Châu Á, hội họa Viêt Nam vẫn tạo được dấu ấn riêng và được ưu ái hơn hẳn, đặc biệt trong đó không thể thiếu sự góp mặt của các danh họa Đông Dương như Lê Phổ, Mai Thứ hay Vũ Cao Đàm,..

Phiên đấu diễn ra tại Paris lúc 14h30, trong số 54 lot được gõ búa thành công có đến gần 25% lot được gõ với giá cao vượt mức 100 000 EUR. Không bất ngờ khi 5 tác phẩm đứng đầu phiên đấu lần này phần lớn đến từ tranh của họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương: Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Hãy cùng chiêm ngưỡng các tác phẩm đạt được mức gõ búa cao kỷ lục trên 200 000 EUR trong phiên đấu lần này:

“Bát Xanh” – Lê Phổ, khoảng 1942, Mực và màu trên lụa, 60.5 x 43 cm.

 

Một tác phẩm mang phong cách thơ mộng và tinh tế, kết hợp các màu sắc mới lạ và một tìm kiếm chuyển động đầy cảm xúc. Chân dung này đại diện tiêu biểu cho giai đoạn ở Algeria của Lê Phổ, khi ông đang ở đỉnh cao của sự nghiệp nghệ thuật.

 

“Người mẹ trong chiếc áo đỏ”- Vũ Cao Đàm, khoảng 1950-1952, Sơn dầu đa chất liệu trên lụa, 61 x 50 cm.

 

Các tác phẩm về tình mẫu tử của Vũ Cao Đàm nổi bật với sự dịu dàng và tinh tế, tôn vinh tình yêu của người mẹ. Trong tác phẩm này, ngoài hình ảnh người mẹ và đứa con, còn có sự xuất hiện của một nhân vật thứ ba: người chị. Người mẹ đang cho con bú trong một căn phòng được phác thảo ở phông nền, trong khi người chị gái đang ngắm nhìn và xoa đầu của đứa trẻ. Các tông màu ấm áp của căn phòng và trang phục của người mẹ cùng con gái dường như đang bao bọc và sưởi ấm cho đứa trẻ trong trang phục trắng xanh. Tương tự, đôi tay của hai mẹ con đang bảo vệ và ôm ấp đứa trẻ. Tác phẩm này được thực hiện khi Vũ Cao Đàm đã định cư tại Béziers vào đầu những năm 1950.

 

“Thưởng trà trong vườn” – Lê Phổ, Sơn dầu trên lụa, 72.5 x 91,6 cm.

 

“Thưởng trà trong vườn” là một tác phẩm tuyệt vời khi nói về tài năng của Lê Phổ trong cách xử lý phối cảnh. Hai người phụ nữ và hai đứa trẻ ngồi bên một chiếc bàn. Mặt bàn nghiêng hơn bình thường, tạo ra không gian rộng rãi cho bình hoa mà không che khuất các nhân vật, Khi tới Paris, Lê Phổ biết tới tác phẩm của các họa sĩ trường phái ấn tượng, mang đến ảnh hưởng trong bảng màu và nét cọ của ông, với những nét chấm phá lớn màu vàng, cam, đỏ, hồng… Lê Phổ vẽ khung cảnh này trong một khu vườn rậm rạp và đầy màu sắc. Việc sử dụng sơn dầu cho phép nghệ sĩ tạo ra những chuyển động mạnh mẽ hơn và thực hiện các tác phẩm có kích thước lớn. Tác phẩm này tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác của Lê Phổ sau khi ký hợp đồng với ông chủ phòng tranh Wally Findlay vào năm 1963.

“Cô gái bên nhành hoa anh đào” – Vũ Cao Đàm, khoảng 1950, Sơn dầu và đa chất liệu trên lụa, 55.5 x 46 cm.

 

Vũ Cao Đàm vẽ một cô gái trẻ nhẹ nhàng cầm trên tay một nhành hoa anh đào đang nở rộ. Đường cong của nhành hoa anh đào chia bố cục bức tranh thành hai phần và làm nổi bật gương mặt của cô gái trên phông nền nhiều màu sắc. Hoa anh đào báo hiệu mùa xuân, tượng trưng cho sự đổi mới và hy vọng. Từ góc nhìn đa cảm của người nghệ sĩ, những bông hoa này cũng gợi nhớ về dòng chảy thời gian và tuổi trẻ vụt thoáng qua. Việc lựa chọn thể hiện một nhân vật nữ đứng đơn độc, vô danh đã đánh dấu sự cách tân lớn trong nghệ thuật Việt Nam và đặc trưng cho những nghệ sĩ trẻ mới của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Bằng cách tiếp cận chủ đề này, các nghệ sĩ khẳng định tính hiện đại trong phong cách nghệ thuật và tâm hồn say mê cái đẹp của mình.

“Lọ hoa” – Lê Phổ, màu nước và màu bột trên giấy, 38.5 x 53 cm.

 

Một vài tác phẩm khác từ các họa sĩ Đông Dương cũng góp mặt trong phiên đáu lần này với kết quả gõ búa cao, kể đến như:

“Buổi học”- Mai Trung Thứ, 1940, mực và màu trên lụa, 36.8 x 26.2 cm.

 

Danh họa Mai Trung Thứ hiện là họa sĩ đang nắm giữ kỷ lục về giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3.1 triệu đô – tác phẩm “chân dung cô Phượng”. Ông sinh ngày 10.11.1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kế tem bưu chính.

“Tám đứa trẻ” Mai Trung Thứ, 1972, Màu bột và mực trên bìa cứng, 5.3 x 34.2 cm.

 

“Thêu khăn” – Mai Trung Thứ, 1973, Mực và màu trên lụa, 9.5 x 26.5 cm.

 

 

Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời.

Theo tiến trình thời gian, các sáng tác của Mai Trung Thứ đi từ cảnh sinh hoạt bình dị của nông thôn Việt Nam, phong cảnh cố đô cùng các vùng phụ cận do có nhiều trải nghiệm trực tiếp cho tới khi về sau này sang Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức và chuyển từ sơn dầu sang tranh lụa.

“ Đọc sách” – Mai Trung Thứ, 1975, Mực và màu trên lụa, 33,7 x 18,7 cm.

 

“Những đúa trẻ say ngủ” – Mai Trung Thứ, 1943, Mực và màu trên lụa, 34.5 x 26.9 cm.

 

Trong suốt hơn 40 năm ở Pháp, có đôi lúc ông vẽ nhân vật là người ngoại quốc, còn lại, chủ yếu người xem tìm thấy chất trữ tình và giàu tự sự về cố quốc ở những thiếu nữ kiều diễm, những thú vui tao nhã như thưởng trà, tản bộ, làm thơ, chơi đàn, đám trẻ học bài, nô đùa hoặc tắm mát. Những chủ đề ấy đa dạng, nhiều liên tưởng, chan chứa xúc cảm, có tính chuyển động cao và truyền tải góc nhìn lý tưởng về văn hóa Việt Nam. Nói về tài năng của ông, như danh họa Lê Phổ (1907 – 2001) đã từng đưa ra nhận định: “Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ.

 

“Người mẹ” – Lê Phổ, sơn dầu trên lụa, 27 x 16.5 cm.

 

Lê Phổ (1907 – 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts d’Indochine). Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp không chỉ từ mỹ cảm trong tranh lụa thời Đường, Tống ở Trung Hoa mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu hội họa Tây Phương. Khi còn theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu cũng chính là góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật để từ đó các sinh viên phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp.

“Mẹ và con” – Lê Phổ, Sơn dầu và đa chất liệu trên lụa, 24 x 16 cm.

 

Trong hành trình kiếm tìm sự hoàn hảo về phong cách, Lê Phổ mang đến tác phẩm ‘Tình mẫu tử” một ví dụ mới về sự dịu dàng và tình yêu gắn kết giữa người mẹ và đứa con. Điều này được thể hiện qua sự hiện đại hóa nét vẽ và việc lựa chọn bảng màu tươi sáng, rực rỡ, gợi nhớ đến tranh của trường phái Nabis và trường phái Ấn tượng, tạo nên một bầu không khí ấm áp và dịu dàng.

“Tình mẹ” – Lê Phổ, Sơn dầu trên lụa, 72.8 x 49.7 cm.

 

Tác phẩm được sáng tác trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của Lê Phổ sau khi ông đến Pháp. Ông đã thay đổi phong cách của mình theo ảnh hưởng phương Tây nhiều hơn, trở lại với chất liệu sơn dầu với bảng màu tinh tế, đồng thời vẫn giữ chất liệu lụa – một chất liệu rất khó sử dụng. Sơn dầu như mở ra một thứ nghệ thuật sáng tạo mới mẻ cho phép ông từ bỏ nét vẽ truyền thống và thay bằng những mảng màu rực rỡ.

“Thiếu nữ”- Lê Phổ, Mực và màu trên lụa, 22 x 18.2 cm.

 

Tổng hòa ở hội họa Lê Phổ là âm hưởng của sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Trong đó, Việt Nam hiện lên thông qua áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá. Cùng với đó, những chủ đề tình cảm, lãng mạn, nhiều vọng ước và tâm tư như hoạt cảnh gia đình, tình mẫu tử, phơi phóng áo quần, đọc thư, đọc sách, tĩnh vật hoa cũng nhiều lần được ông khai thác trên hai chất liệu chủ đạo là màu dầu và tranh lụa.

 

 

“Gia đình” – Vũ Cao Đàm, Sơn dầu trên vải, 80,7 x 66 cm.

 

Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông với những chủ đề gần gũi. Vũ Cao Đàm (1908 – 2000), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L’École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, người thân, các giảng viên, con vật,…) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, mang ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.

Hội họa của Vũ Cao Đàm cân bằng giữa nhiều quan sát của ông trong những chuyến thăm thú để nghiên cứu ngôn ngữ thực hành với nền tảng hình khối vững của điêu khắc. Có một thời gian do sống ở vùng Vence, được tiếp xúc với những danh họa như Henri Matisse và Marc Chagall nên các sáng tác của ông cũng tiếp nhận một phần ảnh hưởng. Song song với kỹ thuật vẽ ngày càng được tinh luyện, ông thường xuyên tìm về để khắc họa những hình ảnh đậm nét dân tộc như hình ảnh phụ thân trang nghiêm, thiếu nữ đàm đạo, tình mẫu tử và một số hình ảnh mô phỏng trích đoạn trong thơ văn như “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn hoặc danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Lê Quang

share facebook