Phạm Viết Song: Người Thầy Đam Mê và Hoạ Sĩ Tài Hoa

share facebook
Họa sĩ Phạm Viết Song sinh ngày 21-1-1917 tại thị xã Thanh Hóa, chính quán là làng Vân Bản, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông là cựu sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương từ năm 1935 đến 1939. Gần 60 năm nay, ông có tiếng là một nhà sư phạm hội họa, liên tục mở các lớp dạy vẽ cho mọi lứa tuổi và mọi trình độ. Gia tài ông để lại là những bức tranh, những bài giảng về hội họa, cuốn sách “Tự học vẽ” do ông biên soạn rất công phu và kỹ lưỡng, và hơn cả là một tấm gương về niềm say mê cuộc sống và nghệ thuật.

Sau triển lãm cá nhân kỷ niệm 70 năm Ngày sinh tại Hà Nội thành công, họa sĩ Phạm Viết Song có mời họa sĩ Dương Viên, Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II, nhà văn Thanh Châu và tôi tổ chức họp báo, viết lời giới thiệu cho Triển lãm Mỹ thuật của ông tại TP Thanh Hóa. Tôi cảm nhận đầy đủ "Một cuộc hành hương đẹp, một cuộc vinh quy bái tổ độc đáo và ấn tượng" của một họa sĩ cao tuổi dành cho quê hương.
Không chỉ thường xuyên công bố tác phẩm trong các triển lãm chung mà bước vào tuổi xưa nay hiếm họa sĩ Phạm Viết Song vẫn có ba triển lãm cá nhân: hai ở Hà Nội, một ở Thanh Hóa nhân kỷ niệm 70, 80 năm ngày sinh. Ông còn dự định nhờ tôi lo tiếp cho triển lãm cá nhân vào ngày sinh 90 tuổi và nếu "trời cho còn sống", có sức khỏe, sẽ tổ chức triển lãm cá nhân tròn 100 tuổi. Quả là một con người sống lạc quan và yêu nghệ thuật trọn vẹn.
Phạm Viết Song thuộc thế hệ họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Cũng như nhiều họa sĩ cùng thế hệ, tranh của họa sĩ Phạm Viết Song thuộc dòng nghệ thuật hiện thực, giàu chất tả thực, lãng mạn, hàn lâm, cổ điển, dân tộc và hiện đại. Tiêu biểu là tác phẩm sơn dầu Hoàng Lệ Kha ra pháp trường hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia và Tuyển tập mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, cùng nhiều tác phẩm như Trần Thị Lý bất khuất, Những người thợ đục đá, Vườn Bác, Hồ Hoàn Kiếm, đi vào lòng người. Và, tác phẩm cuối đời Mỹ Sơn hùng vĩ và bi tráng là kết quả của chuyến ông đi vẽ cùng con trai, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, đến các di tích lịch sử, thắng cảnh ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam... trước ngày ông đi xa ít tháng.
Phong trào sáng tác mỹ thuật quần chúng Hà Nội vang bóng một thời, đã được cả nước biết đến và người có công đầu là họa sĩ Phạm Viết Song, nhiều địa phương đến tham quan thực tập hoặc mời ông về truyền đạt kinh nghiệm. Ðó chính là bài học "Phong trào sáng tác quần chúng gắn với đào tạo", từ những lớp học kẻ vẽ, vẽ tranh cổ động, từng bước nâng cấp đào tạo.
Ðỉnh cao là thời kỳ ông vận dụng chương trình đào tạo của Trường đại học Mỹ thuật vào các khóa học buổi tối, ngày chủ nhật, ông còn mời được cả một số họa sĩ, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội trực tiếp giảng dạy các bộ môn: hình họa, trang trí, bố cục... và cả lịch sử mỹ thuật, mỹ học. Hiệu quả và chất lượng đào tạo thật bất ngờ của trường có cái tên gọi thân thương "Trường cụ Song" hay "Trường nghệ thuật quần chúng Hàng Buồm" đã cho ra lò không ít họa sĩ, nhà điêu khắc của giới mỹ thuật Hà Nội, Việt Nam.
Không biết từ bao giờ "Cái nôi đào tạo mỹ thuật tại gia" của họa sĩ Phạm Viết Song trở thành một địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh gửi gắm con em. Dù muốn hay không nơi đó đã trở thành "cái lò luyện thi" tạo nguồn có hiệu quả cho các trường đại học, cao đẳng nghệ thuật có uy tín ở Hà Nội.
Từ những bài học vỡ lòng về mỹ thuật của thầy Song, không ít người đã trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế sân khấu điện ảnh và nhà sư phạm mỹ thuật thành danh.
Họa sĩ Phạm Viết Song vĩnh biệt cuộc đời như vĩnh biệt cái Ðẹp. Bài viết này của tôi như một nén hương thơm của một người hậu sinh, sinh thời được bác tin yêu gửi tới hương hồn - một người họa sĩ luôn sống lạc quan và yêu nghệ thuật hết mình.
Họa sĩ Phạm Viết Song luôn tâm niệm "Người nghệ sĩ phải trung thực với bản thân mình trong cảm xúc", điều này thúc đẩy ông tìm hiểu cuộc sống và thiên nhiên Việt Nam để làm nguồn cảm hứng sáng tác. Ông có hơn 20 năm phụ trách phong trào mỹ thuật quần chúng tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, tổ chức các lớp học cho nhiều đối tượng như công nhân, nông dân, và sinh viên trong thời kỳ kháng chiến. Gần 90 tuổi, ông vẫn tiếp tục đi vẽ cùng con trai, thể hiện sức sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật. Trong chuyến đi đến Mỹ Sơn, dù thời tiết khắc nghiệt, ông vẫn kiên trì hoàn thành bức tranh trong hai giờ. Các tác phẩm của ông thể hiện sự tinh tế, vững vàng và khả năng diễn đạt màu sắc của thiên nhiên một cách tài tình, sử dụng các mảng màu lớn và bố cục chặt chẽ. Ông được bạn bè và học trò yêu mến vì sự lạc quan và say mê nghề nghiệp, thường nói đùa rằng sẽ sống và vẽ đến năm 110 tuổi. Phạm Viết Song ra đi vào ngày 28-5-2005, để lại một gia tài nghệ thuật phong phú, bao gồm những bức tranh, bài giảng và cuốn sách “Tự học vẽ”, cùng với tấm gương về niềm say mê nghệ thuật và cuộc sống. Theo Lê Quốc Bảo Báo Nhân Dân chia sẻ.


Pv Le Auctions dẫn lại

share facebook