Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là được vẽ Bác Hồ ở Việt Bắc

share facebook
Nghệ sĩ Phan Kế An sinh năm 1923 trong một gia tộc có truyền thống thi thư ở đất Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội). Ông sớm theo cách mạng từ khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Trong căn phòng nhỏ trên gác 2 ở 72 phố Thợ Nhuộm bề bộn phác thảo, bút vẽ, hộp màu, tôi đã từng được họa sĩ Phan Kế An giở cho xem những bức ký họa, biếm họa…từ năm 1945 đến nay, trong đó có bức chân dung Bác Hồ vẽ ngày 27-11-1948 tại lán Khuôn Tát được đăng trên phụ bản báo Sự Thật năm 1948. Ông đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh mấy chục hiện vật và bản khắc gỗ của bức tranh quý giá này. Ký ức của người họa sĩ đã suốt đời cống hiến cho nghệ thuật và cho cuộc kháng chiến của dân tộc không phai mờ trong tâm trí ông.

* Duyên nghiệp cầm cọ

Trong gia tộc Phan Kế, ông nội Phan Kế Tiến và cha Phan Kế Toại đều ra làm quan, còn Phan Kế An lại rẽ ngang sang nghề tự do, chọn hội hoạ ký thác tâm hồn mình. Khởi đầu của duyên nghiệp ấy có thể bắt đầu từ những nét vẽ nguệch ngoạc bằng gạch non trên sân đình thôn Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội). Vào học trường Bưởi, Phan Kế An may mắn được học cô Lê Thị Lựu, thầy Tô Ngọc Vân; điểm bài tập thường đạt 18 hoặc 19/20. Mừng với thiên phú của con, lại thấm thía cảnh quan trường nô lệ, cụ Phan Kế Toại khuyến khích con chọn lấy một nghề theo sở thích hội họa hoặc y học để giúp đời. Sau hai năm học lớp dự bị, năm 1944, Phan Kế An thi và đỗ đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đó cũng là khoá học cuối cùng của lớp sinh viên trước cách mạng.

* Trên những nẻo đường kháng chiến

Tôi hỏi ông: “Từ sở nguyện phụng sự cái Đẹp, điều gì khiến ông sớm tham gia tổ chức Việt Minh?”. Ông đáp ngay: “Thân phận tủi nhục của người dân nô lệ. Có lần, tôi bị bọn con Tây đánh. Lần khác, bị chúng lăng nhục khi đi trên cầu Long Biên. Uất ức vô cùng…”. Đang là sinh viên mỹ thuật, Phan Kế An bắt liên lạc với ông Dương Đức Hiền, đảng viên Đảng Dân chủ và ông Lưu Thọ, Đào Đức Thông - sinh viên trường Canh nông; được các ông gợi ý nên tổ chức sinh viên cứu quốc (SVCQ) trong sinh viên mỹ thuật. Lúc này, sinh viên khoa hội họa đang phải sơ tán ở Văn Miếu, Sơn Tây (khoa kiến trúc và điêu khắc sơ tán ở Đà Lạt). “Ở Sơn Tây, tôi bí mật tổ chức những tổ ba người trong anh em sinh viên. Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phả, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Văn Thiện, Bùi Xuân Phái… đã gác cây cọ đi hoạt động Việt Minh rất hăng say. Ban đại diện sinh viên mỹ thuật hoạt động công khai do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm làm trưởng ban đã tích cực diễn thuyết cổ động, tuyên truyền trong nhân dân các làng ven thị xã Sơn Tây, tổ chức học võ do võ sư Phạm Đôn từ Hà Nội lên dạy thanh niên để thông qua đó tập hợp họ, bồi đắp lòng yêu nước thương nòi. (Bắt đầu vào học, anh em đồng ca bài Tiếng gọi sinh viên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Đặc biệt, cuộc triển lãm tranh cổ động có cả tranh của cụ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân, đề cao tinh thần yêu nước đã tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm lớp thanh niên thị xã đang hướng theo ngọn cờ Việt Minh. Cùng lúc đó, nhóm hoạt động bí mật gồm ông Nguyễn Ngọc Hoàn, cán bộ Việt Minh Sơn Tây, Phan Kế An và hai sinh viên nữa đi trinh sát trại lính Nhật, lấy được một số súng đạn của chúng. “Phấn khởi nhất là mua khá nhiều súng đạn của bọn Pháp vương vãi ở trong dân. Ấy là do quân Pháp bỏ chạy khi Nhật đảo chính, vứt cả súng xuống sông Tích, dân vớt lên. Chúng tôi biết được thông tin, xin ý kiến Tổng hội sinh viên trích quỹ mua lại số súng ấy. Anh Phạm Thành Vinh - Tổng thư ký Tổng hội sinh viên đồng ý ngay, ký giấy cho lĩnh 4.000đ Đông Dương. Chúng tôi mua được cả trung liên, cất giấu lên trần nhà của gia đình tôi ở Đường Lâm, rồi giao cho anh Nguyễn Dương Hồng là uỷ viên Đảng Dân chủ trong Tổng hội sinh viên, sau đó thay anh Vĩnh làm Tổng thư ký Tổng hội sinh viên” - ông Phan Kế An nhớ lại.

Bức chân dung Bác Hồ, họa sĩ Phan Kế An vẽ năm 1948.

Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, anh em văn nghệ sĩ, trong đó có giới mỹ thuật từ tháp ngà nghệ thuật đi vào thực tế sôi động của cuộc sống mới, phục vụ nhân dân và chính quyền cách mạng non trẻ. Ông Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung, bà Nguyễn Thị Kim được vào Bắc bộ Phủ sáng tác về Bác Hồ; các ông Mai văn Hiến, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Thuận, Lê Phả vẽ tem, vẽ giấy bạc cho chính phủ. Ông Phan Kế An tham gia công tác cả Trung ương Hội Văn hóa Cứu quốc, cả ở Bộ Thanh niên; mà vẫn đảm nhận dạy ở trường Phan Chu Trinh một trường Trung học kiểu mới - trường do Tổng bộ Việt Minh mở; rồi trở lại trường Cao đẳng Mỹ thuật do ông Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng học tiếp. Triển lãm tranh tại Đại hội Mỹ thuật toàn quốc lần thứ Nhất năm 1946, hoạ sĩ trẻ Phan Kế An, lúc đó vẫn đang là sinh viên, có ba bức tranh được trưng bày, trong đó hai tranh sơn dầu “Qua ngày” và “Trời giông trên thành Thanh Hoá” được giải Ba. Ngọn gió tươi mới của cách mạng đã thổi vào nhận thức và tâm hồn ông bao điều giản dị - cái đẹp của cuộc sống; và ông tự nguyện, hăng hái làm người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Tâm sự ấy, năm 1948, ở núi rừng Việt Bắc, nhìn lại quãng đường đã qua, ông đã viết hồi ký “Đôi mắt”.

Đầu đông 1946, trời se lạnh, nhưng không khí thành phố nóng lên từng ngày bởi những vụ khiêu khích của quân Pháp. Nhóm mỹ thuật gồm Nguyễn Tư Nghiêm, Mai văn Hiến, Phan Kế An, Thân Trọng Sự, Nguyễn Hữu Cát cùng Trần Đình Thọ nhận nhiệm vụ đặc biệt do đồng chí Xuân Thuỷ giao: vẽ tranh cổ động cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kỷ niệm đầu tiên trên bước đường kháng chiến là buổi đồng chí Trường Chinh bí mật đến nhà ông Nguyễn Đình Thi ở Thái Hà ấp “xem anh em vẽ”. Ông nhớ lại: Tôi đang vẽ thì thấy một người tầm thước đến xem và chê tôi cánh tay người chiến sĩ cầm súng còn yếu, cần phải khoẻ hơn gân guốc hơn. Tôi phản ứng ngay: “Anh đứng làm mẫu cho tôi”. Anh ấy vui vẻ làm mẫu, nâng khẩu mút cơ tông hơn một tiềng đồng hồ. Trước khi ra về, anh chúc chúng tôi vẽ thành công”. Khi ấy, anh Bùi Công Trừng mới ghé tai tôi nói: “Anh Đặng Xuân Khu đấy”. Tôi ngớ ra. Sau này, thường xuyên được gặp và làm việc dưới sự chỉ đạo của anh trên chiến khu Việt Bắc, tôi càng hiểu tâm hồn thi sĩ - chiến sĩ của anh.

Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất đối với ông là được vẽ Bác Hồ. Họa sĩ tâm sự:“Trong kháng chiến, niềm vinh hạnh lớn nhất của tôi là được ở với Bác Hồ và vẽ Bác Hồ khi tôi mới 25 tuổi, đang công tác tại toà soạn báo Sự Thật”

Giữa năm 1947, đồng chí Trường Chinh điều động họa sĩ Phan Kế An từ Hội Văn hoá Cứu quốc sang toà soạn báo Sự Thật để chuyên trình bày, vẽ minh họa, chủ yếu là tranh biếm họa cho báo. Với bút danh Phan Kích, chỉ với than chì, hoạ sĩ đã vẽ nhiều tranh châm biếm rất sắc xảo, đả kích thực dân Pháp và bọn tay sai bù nhìn. “Tiếng lành đồn xa”. Một ngày thu năm 1948, đồng chí Trường Chinh bảo họa sĩ “Mai anh đến chỗ Cụ, ở đấy và vẽ chân dung Cụ. Ở bao lâu tùy anh, nhưng thế nào cũng phải có tranh in vào số báo tới của báo Sự Thật”.Thật mà như mơ. Tất cả còn nguyện vẹn trong ký ức ông: Tôi đến ngôi nhà sàn quá đơn sơ của Bác ở Khuôn Tát càng thấy rõ Người sống rất đạm bạc. Nhà có hai gian nhỏ; gian chính hẹp chỉ bằng hai chiếc chiếu cá nhân vừa tiếp khách vừa để ngủ; gian bên hẹp hơn có bộ bàn ghế tre, trên bàn để chiếc máy chữ nhỏ, chồng giấy và chiếc quạt nan; dưới gầm bàn có bồ công văn. Phía trên, Bác treo phích nước nhỏ; dăm cây sào nứa gác trên cao vắt gọn vài bộ quần áo. Họa sĩ đưa cho tôi xem bức tranh ông ký họa rất rõ quang cảnh trên - Bác rất tự nhiên đang đưa một chân lên ghế cho đỡ mỏi để làm việc. Hai tuần được ăn cơm, uống rượu cùng Bác, ngủ cùng các chiến sĩ cận vệ, điều sâu sắc nhất, họa sĩ học được ở Người chính là tình cảm đầm ấm như Cha con, sự tôn trọng văn nghệ sĩ trong sáng tác và đức tính cần kiệm liêm chính của vị Chủ tịch nước. “Tôi nhớ mãi Bác bảo: An cứ làm việc theo ngẫu hứng của An. Mình làm việc khi chỗ này khi chỗ nọ quanh đây, An cứ tự nhiên theo mình mà vẽ”. Lời Bác nói như cởi lòng tôi, ngày nào tôi cũng ký họa Bác ở các tư thế rất tự nhiên mà không bị gò bó, cũng không làm phiền Bác phải ngồi im làm mẫu nên có được trên 20 bức tốc họa và 1 bức thâm họa. Tôi nghĩ đến chân dung Bác trên báo Sự Thật nên xin phép Bác về cơ quan. Bác bảo tôi treo tất cả tranh đã vẽ lên liếp, mời anh chị em trong cơ quan đến xem. Cuối cùng, Bác chọn bức ký hoạ vẽ đơn sơ bằng bút sắt mực đen và nói: “Nếu in báo thì lấy bức này, vẽ giản dị và có thần”.Về cơ quan, chia thuốc lá của Bác tặng anh em, tôi đem ngay bức chân dung xuống nhà in báo. Nhờ có anh Tăng khắc gỗ rất giỏi nên chân dung Bác khi in trên trang phụ bản báo Sự Thật tháng 12 năm 1948 vẫn giữ được “cái thần” của Bác.

Họa sĩ Phan Kế An.

Hơn nửa thế kỷ sau, bức ký hoạ đã trở thành vật chứng để họa sĩ và đồng chí Tạ Quang Chiến, nguyên cán bộ cận vệ bảo vệ Bác trong những năm ở Việt Bắc, xác định rõ với cán bộ của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang: địa điểm lán Bác ở tháng 11-1948, chính là Khuôn Tát.

* “Có thành thật với với mình thì rộng ra, mới thành thành thật với người, với đời, cao nhất là biết yêu nước, yêu dân”

Quan niệm sống và sáng tác nghệ thuật đó của hoạ sĩ đã đem lại cho ông nhiều thành công trong sự nghiệp. Hiếm hoạ sĩ có được gia tài khá đồ sộ: hơn 1000 bức tranh (trong đó có tranh biếm họa) với nhiều chất liệu (sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, đồ hoạ) thể hiện các đề tài phong phú về đất nước, thiên nhiên và cuộc chiến đấu của nhân dân. Ông đã ba lần được nhận giải nhất trong các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: bức tranh biếm họa “Mỹ kiến thiết”-1951; bức tranh sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc”-1955; bức tranh biếm họa “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17 ở Việt Nam”-1960, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” (sau đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Ông cũng sớm nổi tiếng ở ngoài nước với các tác phẩm Gác Chuông (vẽ chùa Trăm Gian) được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Emitage của nước Nga ngày nay và tác phẩm “Bụi nứa miền xuôi” được Bảo tàng Phương Đông tại Mátxcơva đưa vào bộ sưu tập. Tên ông được Viện Tiểu sử Mỹ ghi trong Từ điển Danh nhân thế giới. Năm 2001, họa sĩ vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sau đó, ông được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhưng không mấy ai biết đằng sau vinh quang ấy là bao năm tháng khổ luyện, giữ vững bản ngã của mình trước mọi thiếu thốn, vất vả, oan khiên, cay đắng để một lòng phụng sự nhân dân và nghệ thuật. Đã có những năm tháng u ám vì những nguyên cớ không đâu, phải chịu bao dồn nén, tâm tư, nuôi con và nuôi tranh bằng đồng lương còm cõi của người chuyên viên, nhưng được anh em đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ khi cuộc sống cơm áo gieo neo, ông vẫn lao vào sáng tác với niềm đam mê và đạt tới thành công mới, trong đó, tiêu biểu nhất là tranh khắc gỗ Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970); Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, ông đã vẽ bằng tất cả tâm huyết và tài năng đang ở độ chín của người nghệ sĩ.

Mừng hoạ sĩ thượng thọ 80 tuổi, năm 2003, bạn bè thân thiết đã vẽ ông bằng thơ: “Miệng sắc, mắt càng sắc/Hiền hoà khi vẽ tranh/Gợi nhớ “Chiều Tây Bắc/Vài ly cồn đã nhắp/Một gam màu rất xanh/Thôi thì này công danh/ Thôi thì này tiền bạc/Chỉ còn đôi mắt xanh”(Phác Văn). Vâng, tất cả sẽ qua trong vô thường. Chỉ đôi mắt xanh của người họa sĩ sớm nhìn ra con đường mình sẽ đi để cống hiến hết mình cho nhân dân và nghệ thuật là còn mãi. Yêu quý các bậc đàn anh, họa sĩ còn ký họa hầu hết văn nghệ sĩ lớn của đất nước như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Anh Thơ đều được Phan Kế An ký họa. Bức ký họa của họa sĩ Văn Đa vẽ ông ở trại sáng tác Tam Đảo đang rảo bước trên đường, nét mặt tươi vui, đầy hứng khởi toát lên được thần thái của tâm hồn người họa sĩ xứ Đoài tài hoa. Đó thật sự là hạnh phúc của người nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật đầy gian truân.

 Trích dẫn nguồn Ths. Phạm Kim Thanh

share facebook