MAI TRUNG THỨ “THIẾU NỮ BUỔI SỚM CHẢI TÓC” 1941

share facebook
Trong số những tác phẩm tiêu biểu của Mai Trung Thứ, “Thiếu nữ buổi sớm chải tóc” (1941) chiếm vị trí đặc biệt nhờ kích thước ngoại lệ cùng lối biểu hiện giàu chất thơ. Bức tranh được thực hiện bằng mực và màu trên lụa dán bìa cứng (marouflé), có kích thước lên đến 88 x 55 cm (không khung), một trong những khổ tranh lớn hiếm thấy của ông, miêu tả một nhân vật thiếu nữ với bố cục dọc và được bảo tồn nguyên vẹn cùng passepartout gốc do chính họa sĩ thực hiện.
Có thể là tác phẩm nghệ thuật
 
Tác phẩm khắc họa hình ảnh một thiếu nữ trong khoảnh khắc đời thường, cử chỉ chải tóc buổi sớm, nhưng được nâng lên thành biểu tượng của sự tinh khiết và an tĩnh. Gương mặt nghiêng, ánh mắt trầm lặng, mái tóc đổ dài, tất cả được cấu thành từ những đường nét nhẹ tay, phối sắc tiết chế, tạo nên một không gian thị giác vừa gợi cảm xúc vừa giữ được tiết điệu cổ điển đặc trưng của mỹ thuật Đông Dương.
 
Mai Trung Thứ đã đạt đến độ tinh luyện trong cách xử lý lụa, với nét vẽ thanh thoát, lớp màu mềm mại, kết hợp bố cục cân bằng và ánh sáng dịu. Không cầu kỳ, không phô diễn, ông dùng kỹ pháp để dẫn dắt cảm xúc, để mỗi nét vẽ đều trở thành nhịp thở. Tác phẩm là minh chứng cho một giai đoạn chín muồi trong nghệ thuật của ông, nơi kỹ thuật và tâm cảm hòa làm một.
 
Bức tranh từng được trưng bày tại triển lãm “Mai Thu Vọng âm một Việt Nam mộng tưởng” tại Bảo tàng Ursulines Pháp năm 2021 và đã được đưa vào danh mục toàn tập catalogue raisonné của họa sĩ với mã số MTO206, xác lập giá trị học thuật và sưu tầm lâu dài. Đây không chỉ là một tác phẩm lớn về kích thước mà còn là một khoảnh khắc đẹp đẽ và sâu lắng của hội họa Việt Nam giữa lòng thế giới.
 
Danh họa Mai Trung Thứ hiện là họa sĩ đang nắm giữ kỷ lục về giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3,1 triệu USD, tác phẩm “Chân dung cô Phượng”. Ông sinh ngày 10 tháng 11 năm 1906 tại tỉnh Kiến An (nay là Hải Phòng), miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, từng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ thi đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giáo viên dạy vẽ tại Trường Trung học Khải Định (nay là Trường Quốc học Huế). Trong thời gian sống ở Huế, ông nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi các nhạc cụ truyền thống như độc huyền cầm, đàn nguyệt, đàn tranh. Ông cũng tham gia minh họa cho một số tạp chí và cuộc thi thiết kế tem bưu chính.
 
Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác trưng bày tranh tại nhiều quốc gia như Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), Bỉ (Brussels 1936), Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia Triển lãm Thuộc địa tại Paris và quyết định định cư tại đây cho đến cuối đời.
 
Theo tiến trình thời gian, các sáng tác của Mai Trung Thứ đi từ những cảnh sinh hoạt bình dị của nông thôn Việt Nam, phong cảnh cố đô và các vùng phụ cận nơi ông từng sống và trải nghiệm, cho đến giai đoạn về sau tại Pháp khi ông chủ yếu vẽ bằng ký ức và chuyển từ sơn dầu sang tranh lụa.
 
Trong suốt hơn 40 năm ở Pháp, tuy đôi lúc ông vẽ nhân vật ngoại quốc, phần lớn người xem vẫn tìm thấy chất trữ tình và giàu tự sự về cố quốc qua hình ảnh những thiếu nữ kiều diễm, những thú vui tao nhã như thưởng trà, tản bộ, làm thơ, chơi đàn, hoặc đám trẻ học bài, nô đùa, tắm mát. Những chủ đề ấy đa dạng, nhiều liên tưởng, chan chứa cảm xúc, có tính chuyển động cao và truyền tải góc nhìn lý tưởng về văn hóa Việt Nam. Nói về tài năng của ông, danh họa Lê Phổ (1907 2001) từng nhận định: “Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ.”
 
TỨ KIỆT TRỜI ÂU PHỔ THỨ LỰU ĐÀM
Bốn họa sĩ gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm đều là những sinh viên tiêu biểu được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sang Pháp từ thập niên 1930 với nhiều khát vọng. Họ đã đóng góp cho nghệ thuật nước nhà những bảng màu riêng biệt, tạo lập nên một bộ tứ huy hoàng nơi trời Âu với sức ảnh hưởng bền vững trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
 
 
Le Auction House
share facebook