Hồn Việt Trong Từng Nét Trên Lụa: Tranh Thủy Mạc Của Họa Sĩ Đinh Minh
Họa sĩ Đinh (Xuân) Minh, sinh năm 1917 (trong một số tư liệu là 1919), tại Hà Nội. Năm 1942, ông đỗ vào khoa hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng các họa sĩ Quang Phòng, Trần Phúc Duyên, Võ Lăng, Phan Văn Thông, Cao Xuân Hùng, và nhiều người khác. Từ khi học trong trường, Đinh Minh đã cùng nhiều văn nghệ sĩ nghiên cứu các sáng tác xoay quanh thời cuộc, đối mặt với những cam go của dân tộc. Sau này, hòa bình lập lại, ông cũng hăng hái vẽ về hình ảnh xây dựng đời sống mới. Năm 1967, ông nhận nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội, phụ trách các làng nghề, giúp nghệ nhân và công nhân nâng cao trình độ thẩm mỹ và sáng tạo mẫu mã mới.
Trong suốt sự nghiệp hội họa, ông được biết đến với các tác phẩm kỳ công trên chất liệu lụa và sơn mài. Đặc biệt, vào năm 1943, ông có tác phẩm tham dự triển lãm Mỹ thuật mang tên Salon Unique lần thứ nhất, tổ chức ở Đông Dương thuộc Pháp. Triển lãm này trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc và sơn mài của cả nghệ sĩ bản địa và nghệ sĩ Pháp. Tại đây, ông được cấp học bổng 500 piastre từ Toàn quyền Đông Dương Jean Découx và nằm trong số các nghệ sĩ được vinh danh cùng Tạ Tỵ, Trần Đình Thọ và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim.
Tranh lụa của Đinh Minh về phong cảnh sông núi và sinh hoạt của người dân vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện sự hòa quyện giữa thiên nhiên hùng vĩ và cuộc sống giản dị. Ông thường khắc họa vẻ đẹp của núi non, dòng sông và những hoạt động thường nhật của người dân, tạo cảm giác gần gũi và chân thực.
Trong các bức tranh, Đinh Minh khéo léo sử dụng màu sắc nhẹ nhàng theo phong cách thủy mặc, thể hiện sự thơ mộng của cảnh vật. Những dãy núi trùng điệp xanh mướt, cùng các chi tiết như tán tre, tán tùng đổ bóng bên dòng nước, và hình ảnh hai người chèo bè tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động. Ông lựa chọn những góc nhìn độc đáo, từ cao xa đến gần gũi, giúp người xem cảm nhận được chiều sâu và sự rộng lớn của không gian. Những chi tiết như nhà sàn không chỉ thể hiện hoạt động mà còn khắc họa tâm hồn, tính cách hiền hòa và cần cù của người dân nơi đây.
Các bức tranh lụa của Đinh Minh không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là bản ghi chép sống động về văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc, mang đến cho người xem cảm giác yên bình, gần gũi và gợi nhớ vẻ đẹp hoang sơ của đất nước Việt Nam.