Hồi hương cổ vật bằng ngân sách
Thủ tướng sẽ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua cổ vật, bảo vật quốc gia về Việt Nam, theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Chiều 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Tại Điều 51 về thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước; mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất, Thủ tướng quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua, đưa về Việt Nam.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất phương án thu hồi hoặc mua, cấp giấy phép nhập khẩu và đưa về nước. Cơ quan này đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công trong phát hiện, hồi hương di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam.
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Ảnh: Media Quốc hội
Trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài có xuất xứ trên địa bàn, UBND cấp tỉnh tổ chức nhận diện, lập danh mục và xác định giá trị; huy động nguồn lực theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để thu hồi và đưa về nước.
Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam để trưng bày, bảo vệ và phát huy giá trị không vì mục đích lợi nhuận hoặc tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước, được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế phí và lệ phí.
Hiện nay, việc hồi hương cổ vật được thực hiện theo hai cách. Đó là cổ vật được nước ngoài trả về theo các công ước quốc tế; tổ chức, cá nhân đấu giá, sưu tầm tư nhân tự nguyện trả lại cho Việt Nam. Việc dành nguồn kinh phí để đấu giá, mua lại cổ vật để đưa về Việt Nam chưa thể thực hiện nhiều do vướng nhiều quy định pháp lý.
Cổ vật của Việt Nam thời gian qua liên tục bị chào bán ở nước ngoài. Tháng 10/2021, mũ quan triều Nguyễn được bán 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá cổ vật tại Tây Ban Nha. Tháng 6/2022, bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức đạt mức 845.000 euro (20,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Drouot. Cuối tháng 11/2022, hãng Millon của Pháp chào bán ấn Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công để chuyển giao ấn về Việt Nam.
Ngoài nội dung mua, hồi hương cổ vật, Luật vừa thông qua bổ sung quy định lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy nhiên kết quả còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, việc lập Quỹ là cần thiết, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ các hoạt động của Quỹ.
Luật Di sản văn hóa sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Sơn Hà