Họa sĩ triệu đô Phạm Hậu: đấu giá tranh sơn mài 14 tỷ VND

share facebook

Phạm Quang Hậu (1903-1994) sinh ra tại làng Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông theo học khóa 5 ( 1929 - 1934 ) trường Mỹ Thuật Đông Dương, cùng khóa với ông nổi bật có họa sĩ Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung. Năm 1932 đã đưa bộ môn sơn ta vào giảng dạy, Phạm Hậu đã đưa kỹ thuật sơn ta thành sơn mài truyền thống theo một hướng sáng tác biến đổi đầy độc đáo.

Sau khi tốt nghiệp ông đã trở về nhà mở xưởng, thành lập đội ngũ thợ thủ công, thợ sơn. Ông đã điều hành và chuyên môn hóa nghề làm sơn mài thành tổ đội nhóm: thợ mộc, thợ làm vóc, thợ đánh bóng và phụ việc cho ông. Ngoài sáng tác tranh sơn mài, ông còn cho ra đời các tác phẩm bình phong, tủ trang trí, bán ra nước ngoài. Đặc biệt ông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong và ngoài nước, đặc biệt có giáo sư Victor Tardieu đã tìm về tận xưởng của ông để đưa cho ông một hợp đồng bên Pháp, vẽ sơn mài truyền thống trên 50 hộp đựng thuốc lá trang trí rồng phượng.

Năm 1946 kháng chiến bùng nổ, công việc của ông bị gián đoạn, năm 1949 với tình yêu nghề, ông đã quyết tâm xây dựng một nền mỹ thuật ứng dụng nước nhà, ông đã cùng các họa sĩ Trần Văn Du, Trần Quang Trân thành lập trường Quốc Gia Mỹ Nghệ (École nationale d’Art Deco), đã được Bộ Giáo Dục phê duyệt, sau này chính là tiền thân trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp ngày hôm nay.

Ngoài công việc sáng tác, ông còn biên soạn cho ngành sơn mài các tài liệu quý giá mà sau nhiều năm tích lũy, với đam mê đưa sơn mài truyền thống nâng tầm với vị thế mới trên thế giới. Nhiều tài liệu quý giá mà ông đã để lại, cho đến ngày hôm nay vẫn được thế hệ sau học hỏi và đưa vào giáo trình giảng dạy. Kho tàng tài liệu đồ sộ chỉ dạy đào tạo nghề sơn mài gồm: Lý thuyết cơ bản về nghề sơn, kỹ thuật nghề sơn cổ truyền, và sự biến đổi, các loại vật liệu trong sơn mài và phương thức bảo quản, các loại dụng cụ và cách thức sử dụng trong nghề sơn. Chính ông, đã đặt nền móng đưa sơn mài truyền thống việt nam trở thành một bộ môn không thể thiếu trong mỹ thuật ứng dụng hiện nay. Với 30 năm làm sơn mài, là thầy giáo trong lĩnh vực này, tên tuổi của ông đã vang xa trên chính trường quốc tế.

Họa sĩ Phạm Hậu, tác phẩm CINQ JEUNES FILLES - Năm cô gái trẻ”, sáng tác năm 1937 Sơn mài trên bảng gỗ. Tổng kích thước : 120 x 146,8 cm.

Nguồn gốc được Maurice Colin (1906-1994) mua lại tại Việt Nam và đưa về Pháp năm 1954, do dòng dõi trong gia đình sở hữu. Tại nhà đấu giá Christies Paris, ngày 14 tháng 06 năm 2023, đưa ra giá ước lượng ban đầu là: 120.000 - 180.000 EUR, tuy nhiên giá thực tế đã bán 529.200 EUR.

Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Phạm Hậu đã cống hiến không biết mệt mỏi, để phát triển kỹ thuật sơn mài. Ông đã để lại rất nhiều các tác phẩm về phong cảnh thiên nhiên, cảnh làng quê, đặc biệt những chiếc tủ trang trí rất độc đáo. Ông là họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực sơn mài, với sự lĩnh hội giữa kiến thức Âu Châu và truyền cảm sáng tác đậm chất Á Đông. Phạm Hậu đã để lại cho chúng ta một kho tàng quý giá không chỉ là kiến thức, công thức, tài liệu quý giá mà còn nhiều tác phẩm đến nay đã được các sàn đấu giá quốc tế đưa ra đấu giá, với đánh giá của các chuyên gia, tranh và tủ hoặc những món đồ hộp, khay, giá trị rất cao, và quả nhiên những tác phẩm của ông được các nhà sưu tập tham gia đấu giá những con số rất khủng.

Lê Quang

 

share facebook