Họa sĩ Thành Lễ - Tài năng đi đôi thành công vang dội

share facebook

Họa sĩ Thành Lễ tên đầy đủ là Nguyễn Thành Lễ (1919-2003) tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938). Ông không chỉ là người có tài năng nghệ thuật mà còn có tầm nhìn lớn. Xưởng Thành Lễ được thành lập (1943) và trở thành xưởng sản xuất đồ nội thất thủ công mỹ thuật lớn nhất bấy giờ, không chỉ có tiếng trong nước mà còn thành công khắc dấu ấn tại sàn quốc tế.

Năm 1901, chính quyền Pháp mở Trường Mỹ nghệ đồ mộc ở Thủ Dầu Một, đào tạo thợ có khả năng làm bàn ghế tủ gồm 4 bộ môn: sơn nhựa (sơn ta), làm đồ danh mộc, chạm gỗ chạm ngà khảm xà cừ và trang trí. do người Pháp quản lý với tên gọi là École d’art indigène de Thu Dau Mot (trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một). Đầu năm 1932 trường đổi tên thành École d’art appliqué de Thu Dau Mot (trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một). Trường đã đào tạo ra nhiều nghệ nhân tài năng với tên tuổi lớn, trong đó có họa sĩ Thành Lễ.

Họa sĩ Nguyễn Thành Lễ. Nguồn ST

Xưởng sơn mài Thành Lễ (1943) là cơ sở sơn mài lớn mạnh nhất trong làng nghề sơn mài Bình Dương, thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân, họa sĩ, các hộ dân và các cơ sở gia công. Trong suốt hơn 30 năm trước 1975, Thành Lễ là công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp danh tiếng bậc nhất của miền Nam.

Tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1940. Đến đầu những năm 60, Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Xưởng sơn mài Thành Lễ được tổ chức theo quy trình khép kín gồm các bộ phận riêng biệt như thiết kế, sáng tác mẫu hàng; thực hiện các công đoạn kỹ thuật cho việc phất vải, hom, quang, mài…; cẩn ốc xà cừ; cẩn trứng; bộ phận mộc.

Với mặt hàng chủ lực là sơn mài, Thành Lễ còn lấn sân sang mặt hàng gốm và thảm len, cũng đạt được thành công vang dội. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất lúc bấy giờ, có phòng trưng bày và bán sản phẩm ở hai con đường sang trọng ở trung tâm Sài Gòn là Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Thành Lễ đã đưa tên tuổi của mình vang xa đến thị trường quốc tế lúc bấy giờ.

Tác phẩm “Deer”, sáng tác 1950, sơn mài 4 tấm, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 279.400 HKD.

Tranh sơn mài xưởng Thành lễ có hai loại, một loại bán rộng rãi trong showroom với logo có chữ Thành Lễ và loại còn lại là dòng tranh cao cấp, làm theo hợp đồng đặt hàng của khách trong và ngoài nước, loại tranh cao cấp được xác định bằng một logo vẽ phía sau tranh có hình con rồng, phía dưới là chữ Thành Lễ nằm vắt ngang và dát bằng vàng 4 carat.

Tác phẩm “Cảnh quan Bắc Kỳ” ,khoảng 1950, sơn mài, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 163,800 HKD.

Tác phẩm “White egrets”, sáng tác 1965, sơn mài 10 tấm xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Paris với giá 12,600 Euro.

Xưởng sơn mài Thành Lễ đạt được thanh công vang dội một phần do Thành Lễ đã khéo léo quy tụ được đội ngũ người tài: nghệ nhân, họa sĩ tên tuổi như Ngô Tử Sâm, Thái Văn Ngôn, Nguyễn Văn Tuyền, Duy Liêm, Trần Văn Nam… và đội ngũ thợ chuyên nghiệp. Sản phẩm của sơn mài Thành Lễ không những đạt trình độ kỹ thuật cao mà còn rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng. Đem đến giá trị nghệ thuật cao và cả những sản phẩm độc bản.

Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt tới giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Thành Lễ thường đi nước ngoài nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng phát triển, ông tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú trọng giá trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến giá trị nghệ thuật cao.

Tác phẩm “Rooster in the garden”, 1957, Tủ đựng chén sơn mài, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 81,250 HKD.

 

Tác phẩm: Cảnh quan hồ, Sơn mài nhiều màu và mạ vàng trên bảng gỗ

Với cách dụng màu đa dạng, phong phú, tác phẩm "Cảnh quan hồ" khắc họa một cách sống động hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của những người dân vùng ven sông nước. Bức tranh như một cuộc sống thu nhỏ, với hình ảnh hàng cây, dãy núi, mái nhà tranh quen thuộc. Hình ảnh sinh hoạt của từng nhân vật trong tranh được tả họa cực kỳ chi tiết. Từ người chèo thuyền, người bán kẻ mua bên sông, cậu bé cắp sách tới trường, người gánh hàng phía xa xôi..., mỗi người một vẻ. Tất cả kết hợp lại khắc họa nên bức tranh cuộc sống muôn màu.

Tác phẩm "Scène de village animée" (Khung cảnh làng quê sinh động),kích thước 60x120 cm, sơn mài thếp vàng, xưởng Thành Lễ.

Bức tranh miêu tả một khung cảnh làng quê sinh động, nơi tiếng ve kêu râm ran, thuyền chài lướt nhẹ trên dòng sông. Những người nông dân chăm chỉ làm việc, những đưa trẻ đùa nghịch vui vẻ. Trung tâm của bức tranh là một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, với mái nhà, lũy tre sau nhà, những tán cây,.. được thếp vàng rực rỡ trên nền sơn mài đen huyền ảo đã tạo nên một khung cảnh vừa tuyệt đẹp vừa hiền hoà. Sự sáng tạo của các bậc thầy sơn mài xưởng Thành Lễ được thể hiện qua sự phối hợp màu sắc tinh tế, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt.

Bức tranh "Scène de village animée (Khung cảnh làng quê sinh động)" không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đẹp mắt, mà còn mang lại cảm giác yên bình cho người xem. Sự tài hoa và tâm huyết của các bậc thầy sơn mài Xưởng Thành Lễ đã tạo nên một bức tranh sống động và tuyệt vời, giúp người xem cảm nhận được một khoảnh khắc yên bình, trọn vẹn hơn bao giờ hết trong lòng họ.

Sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956) và Hoa Kỳ (1959)…Và rất nhiều các phiên đấu giá tại các sàn đấu giá lớn trong nước và cả quốc tế. Tác phẩm sơn mài Thành Lễ được treo tại những danh thự như: Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santa) tại Thụy Sỹ.

Qua những thành công của ông, ta có thể thấy được Thành Lễ không chỉ sở hữu tài năng nghệ thuật mà còn là tài năng của người lãnh đạo. Đối với các nghệ nhân làm trong xưởng, ông có chế độ lương và thưởng cao. Đối với các tác phẩm, ông hết mình tận tụy quản lý từ khâu sáng tác cho đến khi đến tay khách hàng. Có những bức tranh giao quốc tế, ông không vội giao hàng mà đợi đến sáu tháng sau khi xuất xưởng mới giao, sau khi theo dõi chất lượng tranh hay món đồ có bị biến dạng bởi thời tiết của xứ người không. Những tác phẩm mỹ nghệ của xưởng Thành Lễ được tạo ra từ bàn tay đến trái tim những người nghệ nhân, có lẽ bởi vậy, cái tên xưởng Thành Lễ không dừng ở quá khứ mà vẫn là một nốt trầm vang vọng đến giới nghệ thuật hiện đại.

Khánh Linh

 

 

share facebook