HỌA SĨ PHÁP VÀ NHỮNG CHUYẾN DU HÀNH TÁI HIỆN ĐÔNG DƯƠNG ĐƯƠNG THỜI
HỌA SĨ PHÁP VÀ NHỮNG CHUYẾN DU HÀNH TÁI HIỆN ĐÔNG DƯƠNG ĐƯƠNG THỜI
Cuối thế kỷ 19, chuyến viễn chinh của Pháp tới phương Đông đã mở đường cho các cuộc du hành của họa sĩ, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh, văn sĩ với mục đích truyền bá các thông tin về thuộc địa. Xét riêng các họa sĩ, họ đã đặt chân tới Việt Nam không chỉ để khám phá văn minh vùng đất mà còn để lại những cống hiến quan trọng trong việc giảng dạy nghệ thuật cho người An Nam. Trong số đó có thể kể tới những tên tuổi các danh họa nổi bật như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé, André Maire hay Evariste Jonchère,...
VICTOR TARDIEU (1870 - 1937)
Victor Tardieu (1870 - 1937) sinh ra trong một gia đình làm nghề buôn tơ lụa ở Lyon. Ông theo học vẽ tại Trường Mỹ thuật Lyon và Trường Mỹ thuật Paris và theo lối vẽ hiện thực cổ điển đậm chất Pháp. Tới mảnh đất Đông Dương lần đầu năm 1920 theo chương trình của giải thưởng Đông Dương (một giải thưởng được trao thường niên bởi chính phủ Pháp từ năm 1910 tới năm 1938 với mục đích hỗ trợ các nghệ sĩ tới các nước thuộc địa cư trú trong 2 năm), sang năm 1921, ông đã có dịp tới Việt Nam, lữ hành từ Sài Gòn ra Hà Nội. Trong thời gian dừng chân tại Hà Nội, ông nhận được hợp đồng thực hiện tác phẩm sơn dầu có diện tích 77 mét vuông để trang trí cho giảng đường lớn của Trường Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Đây là sáng tác kinh điển khái quát khám phá của ông về văn hóa và lối sống địa phương với một hệ thống nhân vật ở nhiều tầng lớp xã hội đương thời. Trong đó, ngoài những hình ảnh người dân dung dị, ông khắc hoạ cả bốn vị Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Thêm vào đó, các sáng tác khác của ông cũng dựa theo trải nghiệm vẽ về đời sống xã hội, hoạt cảnh mang hơi thở thời đại với tính lôi cuốn tự nhiên. Theo lời của họa sĩ Trần Văn Cẩn: “Nếu không có vai trò cá nhân của Victor Tardieu thì hội họa Việt Nam đã đi theo một con đường khác”. Quả thực, Victor Tardieu rất quan tâm đến nghệ thuật An Nam. Năm 1924, ông là người đã trình lên Toàn quyền dự án lập ra Trường Mỹ thuật tại Đông Dương sau khi cùng người bạn Nam Sơn nhận thấy sự bức thiết trong việc phải tạo ra một nền giáo dục có chất lượng mỹ thuật bản địa. Dự án sớm được thông qua, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa đầu tiên năm 1925, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho mỹ thuật nước nhà. Trên cương vị hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường, ông đã dẫn dắt thế hệ sinh viên theo tư tưởng tôn trọng các truyền thống vốn có trong khi cởi mở và tiếp thu những cái mới.
JOSEPH INGUIMBERTY (1896 - 1971)
Theo lời mời của Victor Tardieu, Joseph Inguimberty (1896 - 1971) - một họa sĩ cổ điển lãng mạn Pháp, đã tới Việt Nam năm 1925 để giảng dạy khoa trang trí Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là người đầu tiên đề xuất ý tưởng đưa sơn ta vào làm một chất liệu vẽ, mở ra một hướng đi mang tính hội họa hơn là sơn mài mỹ nghệ cho các sinh viên bấy giờ. Bên cạnh đó, dưới vai trò giảng viên và với trải nghiệm của mình khi sinh sống tại phương tây, ông cũng tâm huyết truyền bá về nghệ thuật vẽ sơn dầu cho học trò một cách tường tận. Trong suốt 20 năm sống tại Việt Nam, ông đã để lại nhiều sáng tác tình cảm về con người nơi đây. Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội của ông được tổ chức năm 1929, lấy tiêu đề “Đồng bằng châu thổ Xứ Bắc Kỳ: phong cảnh và hình tượng” là tiếng nói dõng dạc của một người hoạ sĩ say mê quan sát thiên nhiên và đời sống người dân An Nam. Từ những thiếu nữ đi làm đồng tới phong cảnh ao dưới bóng tre hay mùa gặt, ông đều chắt lọc được cái hồn cốt bên trong và kể lại theo một lối vẽ vô cùng trau chuốt.
ALIX AYMÉ (1894-1989)
Alix Aymé (Alix Angèle Marguerite Hava) sinh năm 1984 tại Marseille, miền nam nước Pháp. Là một họa sĩ nữ hiếm hoi ngoại quốc tới khám phá và gắn bó lâu dài với văn hóa Việt Nam thông qua con đường nghiên cứu, sáng tác hội họa, Alix Aymé đã để lại cho hậu thế các tác phẩm vừa khái quát hiện thực của nghệ thuật châu Âu ngấm sâu trong bản ngã, vừa nâng cao giá trị bền bỉ của nghệ thuật Á Đông qua những trải nghiệm viễn du khắp chốn. Bà từng có dịp ghé thăm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và dành nhiều tình cảm ở mảnh đất Đông Dương. Đây là nơi đem đến cho bà không chỉ những đề tài sáng tác mới mà còn ươm trong bài một nội tâm sâu sắc muốn khai phá tường tận những chất liệu phương Đông. Trong thời gian ở tại Việt Nam, bà cũng tham gia giảng dạy tại trường Quốc học Huế (1928), trường Trung học Albert Sarraut (1931) và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tuy chưa rõ thời gian bắt đầu và kết thúc nhưng trong “Niên bạ hành chính Đông Dương” có lưu lại tên bà trong phần Đại học Đông Dương năm 1935 (lúc này trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẫn là một phần của Đại học Đông Dương). Nhắc tới các tác phẩm của Alix Aymé, trong đó hàm chứa cả tinh thần hiện đại phương Tây và màu sắc của phương Đông. Bà thường xuyên vẽ về đề tài thiếu nữ, trẻ em và cuộc sống nhộn nhịp ở Đông Dương – nơi bà sinh sống và dành nhiều thời gian thăm thú. Bất kể đó là một khu phố chợ tấp nập của người Lào, sông Mekong, một thoáng cảnh chùa, những mái nhà san sát, một đám trẻ, một người thiếu nữ, một người mẹ hay khung cảnh trữ tình trong xưởng họa tại Hà Nội, Alix Aymé đều vẽ với tâm hồn tha thiết và nét bút tỉ mỉ chú tâm.
ÉVARISTE JONCHÈRE (1892 - 1956)
Évariste Jonchère (08/07/1892 - 1956) là một điêu khắc gia đến Việt Nam theo chương trình của giải thưởng Đông Dương. Sau khi Victor Tardieu qua đời, ông là hiệu trưởng kế nhiệm điều hành các hoạt động của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1938 tới năm 1944. Năm 1943 do Mỹ ném bom Hà Nội, theo chủ trương sơ tán của Nha học chính Đông Dương, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chia thành ba bộ phận sơ tán ba nơi. Khoa Kiến trúc và một phần khoa Điêu khắc được chuyển vào Đà Lạt và do Évariste Jonchère phụ trách. Một năm sau, Khoa Kiến trúc được nâng thành Trường Kiến trúc tại Đà Lạt nhưng vẫn trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
ANDRÉ MAIRE (1898 - 1984)
Hai lần tới Việt Nam và dành hơn một thập kỷ để trải nghiệm cuộc sống bản địa, André Maire (1898 - 1984) là một hoạ sĩ du hành với nhiều sáng tác tái hiện sát thực phong cảnh Đông Dương. Trong cuộc đời André Maire, danh họa Émile Bernard là người có nhiều ảnh hưởng tới ông. Theo lời khuyên của Émile Bernard, André Maire gia nhập lực lượng bộ binh thuộc địa năm tròn 20 tuổi và mở ra hành trình lữ hành qua nhiều quốc gia khác nhau. Lần đầu tới Việt Nam, ông giảng dạy tại trường trung học Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn từ năm 1920 - 1921 và chủ yếu vẽ về cuộc sống bình dị thường ngày từ bến tàu ra đường phố và những công trình mang tính biểu tượng tôn giáo. Hình ảnh con người cũng xuất hiện trong tâm thế rất tự nhiên và giàu tính tự sự. Ngoài ra trong thời gian này ông cũng thường xuyên đi thăm thú các nước lân cận và đặc biệt ấn tượng bởi quần thể đền đài Angkor Wat. Qua một khoảng thời gian, tới năm 1948 André Maire quay trở lại Việt Nam và ký hợp đồng trở thành giáo sư hình hoạ cho trường Cao đẳng Kiến trúc Hà Nội tại Đà Lạt (một nhánh của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) cho tới năm 1955. Thời gian này ông vẫn tiếp tục say mê khám phá nét đẹp kiến trúc, thiên nhiên và con người bản địa với đa phần chất liệu là chì son và than đá đen, đôi khi là sơn dầu có bảng màu đa sắc. Năm 1950, giã từ Đà Lạt quay lại Sài Gòn, ông chuyển hướng sang sáng tác nhiều về cuộc sống của người Kinh ở vùng đồng bằng, đặc biệt là cuộc sống buôn bán tấp nập của người Hoa ở Chợ Lớn. Do vị trí địa lý thuận lợi, ông nhiều lần thăm viếng Angkor, hào hứng ghi lại hình ảnh của di tích này như cách ông luôn bị thu hút bởi các kiến trúc mang tính văn hoá tôn giáo tại mảnh đất Đông Dương. Khó có thể phủ nhận được ảnh hưởng của các họa sĩ Pháp tới Việt Nam theo chính sách quảng bá thuộc địa. Ngoài những họa sĩ trên, còn nhiều nghệ sĩ Pháp khác đã sớm đặt chân tới Việt Nam như các họa sĩ Hải quân Gaston Roullet (1847 - 1925), các họa sĩ có trọng trách chuẩn bị triển lãm thuộc địa như Marie Antoinette Boullard-Devé (1890-1970), Joseph de La Nézière (1873–1944),...; nhóm họa sĩ đoạt giải Đông Dương như François de Marliave (1874 - 1953), Charles Fouqueray (1869-1956), Géo-Michel (1883 – 1985), Jean Bouchaud (1891 - 1977), Henri Dabadie (1867 - 1949), Lucien Lièvre (1878 - 1936), Louis Rollet (1895-1988), Louis Bâte (1898 - 1948),... Cuộc viễn chinh của họ không chỉ góp phần củng cố thêm nền mỹ thuật Việt Nam mà còn để lại nhiều ghi chép đa dạng bằng hình vẽ đóng vai trò như một tư liệu lịch sử về kiến trúc, phong cảnh và sinh hoạt đương thời.
Lê Quang