DI SẢN HỘI HỌA LƯƠNG XUÂN NHỊ: TRỮ TÌNH VÀ DUNG DỊ

share facebook

Di sản hội họa Lương Xuân Nhị không chỉ là những tác phẩm vượt thời gian, mà còn là những mảnh ghép vừa sâu lắng vừa lãng mạn văn hóa và con người Việt Nam. Với tài năng và tâm huyết, ông đã ghi dấu ấn sâu đậm trong nền mỹ thuật nước nhà qua những bức tranh phong cảnh, thiếu nữ đầy chất thơ và đậm đà hồn quê. Hành trình nghệ thuật của Lương Xuân Nhị là một khúc ca vĩ thanh, nơi từng nét cọ của ông đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật.

 

Họa sĩ Lương Xuân Nhị sinh năm 1914, trong một gia đình bán họa cụ và màu vẽ. Thuở nhỏ ông đã say mê hội họa. Lớn lên, ông đỗ thủ khoa khóa 8 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vào học cùng Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn và Lưu Văn Sìn. Ông tốt nghiệp ra trường năm 1937. Sinh thời, họa sĩ Lương Xuân Nhị từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng và để lại nhiều đóng góp lớn cho hội họa nước nhà. Ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, được tặng nhiều Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý của nhà nước cho những cống hiến về nghệ thuật cũng như hoạt động xã hội. Một số tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Châu Á Thái Bình Dương (Ba Lan) và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân tại Pháp, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada, Hàn Quốc,…

Hình 1: Họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 – 2006)

 

Trong hội họa, Lương Xuân Nhị luôn nhất quán với bút pháp hiện thực, đa phần sáng tác trên các chất liệu sơn dầu, màu nước trên lụa, màu nước trên giấy. Ông cũng luôn giữ một vị thế khiêm nhường và kiên định với nghệ thuật dẫu cho thời thế có nhiều biến động thăng trầm. Ngay từ khi mới ra trường, không khí bình thản, tĩnh lặng đã bao phủ khắp trong tranh của họa sĩ. Giai đoạn này ông vẽ nhiều tác phẩm về chủ đề phong cảnh. Ông đi khắp mọi nẻo vùng quê để lưu lại trong tranh sự bất chợt đầy tình cảm. Đó là những quán nước, bến đò, cầu qua sông, qua suối, những phong cảnh thân thuộc, đời sống hiện diện muôn nơi.

Hình 2: Tác phẩm “Bến sông”. Mực và màu nước trên lụa, thuộc bộ sưu tập nhà đấu giá Le Aucion House

 

Lương Xuân Nhị là người đi nhiều, ghi chép, vẽ về phong cảnh Đền Hùng, Chùa Thầy, Lăng Tự Đức, hay đồi cọ, sông Hương,… như một cách rèn luyện khả năng khái quát phong cảnh rộng và tầm nhìn rộng khắp. Với chủ đề này, ông thường tinh lược những nét rất trữ tình, không cầu kỳ chọn cảnh hay sắp xếp bố cục, chỉ nương vào tự nhiên và phóng tác chiều sâu tinh thần lên bề mặt tác phẩm. Hội họa với ông bởi vậy thường bắt đầu bằng trực giác và đi từ cái tri giác thấu hiểu.

Hình 3: Tác phẩm “Phong cảnh dưới hàng cọ”. Sơn dầu, thuộc bộ sưu tập nhà đấu giá Le Aucion House

 

Ngoài ra, Lương Xuân Nhị cũng được biết tới như một người họa sĩ của phái đẹp. Những nhã nhặn và thanh tao trong tranh thiếu nữ của ông sáng lên đầy trung dung, hòa hợp. Dù đó có là một cô gái thôn quê hay người ở phố, họ đều mang vẻ đẹp vừa đủ, không phô trương, không kiểu cách, rất tự nhiên. Các tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thiếu nữ đan len”, “thiếu nữ bên hoa loa kèn”, “Thiếu nữ bên hoa cúc”, “Chợ hoa ngày tết”,… là những ví dụ điển hình cho hồn cốt Á Đông từ bao lâu vẫn còn ghi dấu.

Hình 4: Tác phẩm vẽ lụa “Chợ hoa đào” của họa sĩ Lương Xuân Nhị, thuộc bộ sưu tập của UBND TP Hà Nội

 

Lương Xuân Nhị qua đời năm 2006 tại Hà Nội và để lại cho hội họa một khúc vĩ thanh của nét đẹp dung dị qua từng nét cọ. Di sản của ông tới nay vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ và bạn bè yêu nghệ thuật đương thời.

 

 

Lê Quang

share facebook