Đấu giá hơn 200 tác phẩm của nhiều giai đoạn hội họa Việt Nam

share facebook
Với mong muốn đem đến cho người yêu nghệ thuật những tác phẩm được chọn lựa của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng từ nhiều giai đoạn, nhà đấu giá Le Auction House tổ chức phiên đấu giá có tên gọi “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” vào lúc 14 giờ ngày 10/3 tại Aqua Central số 44 Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Một tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An

Một tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An. Ảnh: Le Auction House

Đây cũng là hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” của Le Auction House quy tụ hơn 200 tác phẩm đa dạng của các họa sĩ bậc thầy, bao quát một giai đoạn đặc sắc của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại; cũng như các sáng tác của các họa sĩ Pháp cùng thời như: Victor Tardieu, Alix Aymé, André Maire, Jules Galand, Maurice Menardeau...

Người phụ nữ, tranh của Alix Aymé

Người phụ nữ, tranh của Alix Aymé

Cụ thể, từ cuối thế kỷ 19, chuyến viễn chinh của Pháp tới phương đông đã mở đường cho các cuộc du hành của họa sĩ, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh, văn sĩ với mục đích truyền bá các thông tin về thuộc địa. Riêng các họa sĩ đến Việt Nam không chỉ để khám phá văn hóa, văn minh thuộc địa để về truyền bá tại Pháp, mà còn để lại những cống hiến quan trọng trong việc giảng dạy nghệ thuật. Có thể kể tới những tên tuổi các danh họa nổi bật như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé, André Maire hay Evariste Jonchère...

Đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình giải thưởng Đông Dương, Victor Tardieu là người mà sau này danh họa Trần Văn Cẩn từng nhắc tới rằng nếu không có vai trò cá nhân của ông thì hội họa Việt Nam đã đi theo một con đường khác. Năm 1924, với bản đệ trình của Victor Tardieu tới toàn quyền Martial Merlin về sự cấp thiết phải mở một trường mỹ thuật tại Hà Nội, Trường cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (L'école des Beaux Arts de l'Indochine) chính thức được thành lập và bắt đầu tuyển sinh khóa 1/1925.

Sự ra đời của trường đã thúc đẩy nghệ thuật tạo hình Việt Nam bấy giờ bước ra khỏi giai đoạn khuyết danh và đào tạo ra các thế hệ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Lần đầu tiên, không còn là “thợ sơn”, “thợ nề”, “thợ vẽ”, mà là họa sĩ, nhà điêu khắc, là nghệ sĩ. Từ đây, một loạt thế hệ họa sĩ định hình mỹ thuật nước nhà gắn liền với tính dân tộc và mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 được ghi nhận như: Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu – Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí – Nguyễn Tường Lân – Tô Ngọc Vân – Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên – Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái.

Mẹ và con, tranh Vũ Cao Đàm

Mẹ và con, tranh Vũ Cao Đàm

Bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu – Đàm là bốn học trò thừa hưởng nền giáo dục của Trường Mỹ thuật Đông Dương di cư sang Pháp và tạo nên bộ tứ huy hoàng của hội họa nước nhà tại trời Âu. Đây đều là những tên tuổi tạo cho mình không chỉ dấu ấn riêng về nghệ thuật mà còn về cả sự sôi nổi trên thị trường giao dịch công khai cả trong nước và quốc tế trong suốt những năm gần đây. Trong danh mục được Nhà đấu giá giới thiệu, có những tác phẩm về chủ đề liên quan tới người phụ nữ Việt Nam như tác phẩm: “Thiếu nữ bên hoa” của Lê Phổ, “Thiếu nữ” của Mai Trung Thứ, “Chân dung cô gái” của Lê Thị Lựu cùng “Tình mẫu tử” và trích đoạn “Truyện Kiều” của Vũ Cao Đàm và nhiều tác phẩm khác.

Tại buổi đấu giá sắp diễn ra, có trưng bày các tác phẩm của bộ bốn họa sĩ đại thụ có nhiều đóng góp điển hình trong nền mỹ Việt Nam là Trí - Lân - Vân - Cẩn.

Nguyễn Gia Trí với nguyện vọng phụng sự cho sơn mài đã cùng với một số họa sĩ khác phát triển chất liệu bản địa này đến thời cực thịnh (1938-1944), tiên phong nâng tầm sơn mài từ chất liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trở thành một chất liệu sáng tác có tính nghệ thuật cao. Nguyễn Tường Lân là họa sĩ có khả năng đưa các màu nguyên chất vào tranh nhưng vẫn giữ được một tổng thể đẹp nhã nhặn và thanh lịch. Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn là những người có tài vẽ sơn dầu, từng đảm trách cương vị hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam và đau đáu dựng xây nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc trên tinh thần vẫn lĩnh hội cái hay của hội họa phương Tây.

Bộ tứ họa sĩ đặc biệt tiếp theo là Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Mỗi người một hướng đi riêng đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng cảnh quan nghệ thuật Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Trong đó có một Nguyễn Tư Nghiêm mải mê “đi tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”, một Dương Bích Liên tinh ý phiêu bồng với chân dung thiếu nữ, một Nguyễn Sáng sục sôi cống hiến các tác phẩm mang đầy khí phách về cách mạng và xây dựng đất nước cùng một Bùi Xuân Phái đã cất giấu ký ức bồi hồi của nhiều người trong những mảng màu và nét vẽ phố phường Hà Nội.

Thiếu nữ bên đầm sen, tranh Nguyễn Trung

Thiếu nữ bên đầm sen, tranh Nguyễn Trung

Sau khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội đóng cửa năm 1945 do Nhật đảo chính Pháp, có một khóa học mang tên Khóa Kháng chiến đã được thành lập và được hiệu trưởng Tô Ngọc Vân lãnh đạo. Trường Mỹ thuật Kháng chiến tuyển sinh tổng cộng 2 đợt vào tháng 1/1950 và tháng 8/1950. Kể cả trường hợp đặc cách, khóa này có 22 học trò, trong đó có bốn người sau này đã tạo lập nên bộ tứ nổi bật trưởng thành từ Khóa Kháng chiến là Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm.

Trong khuôn khổ phiên đấu giá, các bức vẽ về phong cảnh, thiếu nữ từ bộ tứ này cùng một số gương mặt khác của Khóa Kháng chiến như Mai Long, Linh Chi, Trần Đông Lương… cũng được liệt kê trong danh mục. Họ là nhiều cá tính riêng biệt đều trưởng thành từ Khóa Kháng chiến và cống hiến tận tuỵ cho sự phát triển của mỹ thuật hiện đại nước nhà.

Đặc biệt, tại phiên đấu giá Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 còn có các sáng tác của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, họa sĩ Lê Bá Đảng, Lê Văn Xương, Nguyễn Huyến, Tú Duyên, Nguyễn Quang Mậu, Trần Hà, Đinh Minh, Phạm Đăng Trí, và một số sáng tác của họa sĩ đương đại nổi lên hậu thời kỳ Đổi mới như Đặng Xuân Hòa, Phạm An Hải, Bùi Hữu Hùng cùng nhiều họa sĩ nổi bật khác.

Ngoài ra, các tác phẩm của các họa sĩ tài năng khác từng theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Văn Tỵ, Tôn Thất Đào, Đỗ Đình Hiệp, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Thọ, Trần Duy, Jean Võ Lăng, Nguyễn Như Huân cũng được nhà đấu giá giới thiệu trong phiên đấu.

Cô gái quàng khăn, tranh Mai Trung Thứ

Cô gái quàng khăn, tranh Mai Trung Thứ

Để có bộ sưu tập các tác phẩm gốc, nguyên bản Nhà đấu giá Le Auction House đã phải dày công sưu tầm từ trong nước và thị trường quốc tế, nhiều bức tranh được đấu giá để đưa mỹ thuật Việt Nam về lại với các nhà sưu tầm trong nước. Vì vậy phiên đấu giá được tổ chức hướng tới minh bạch công khai thông tin tác phẩm cam kết về nguồn gốc chất lượng, bảo đảm quyền lợi của nhà sưu tập, nhà bảo trợ trước khi đấu giá. Ngoài ra, Le Auction House đồng thời cũng tổ chức trưng bày để thuận tiện cho nhà sưu tập được xem tranh trực tiếp.

Phát triển nghệ thuật theo hướng tiệm cận với tầm quốc tế, Le Auction House được kỳ vọng để trở thành một nhà đấu giá Việt đủ tầm, uy tín, có tiềm năng phát triển trong tương lai, là đối tác của nhiều nhà đấu giá tranh có tên tuổi trên thế giới như The Sotheby’s, Christie’s hay Phillips và có nhiều hoạt động đấu giá, triển lãm tranh trong tương lai.

Đại diện Le Auction House cho biết, Nhà đấu giá định hướng phát triển nghệ thuật theo hướng tiệm cận với tầm quốc tế, và mong muốn trở thành một nhà đấu giá Việt đủ tầm, uy tín, có tiềm năng phát triển trong tương lai, là đối tác của nhiều nhà đấu giá tranh có tên tuổi trên thế giới như The Sotheby’s, Christie’s hay Phillips và có nhiều hoạt động đấu giá, triển lãm tranh trong tương lai.

 

share facebook