Danh họa Nam Sơn như tôi được biết

share facebook

Họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) là hậu duệ dòng dõi họ Nguyễn Duy (thế kỷ XVII), có danh nhân Nguyễn Duy Thì làm quan thanh liêm trên 30 năm dưới triều Lê Trung Hưng, được thăng đến chức Tể tướng, lại kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Hàn lâm viện Thị độc.

Cụ Nguyễn Duy Thì và người con trai trưởng Nguyễn Duy Hiểu đều đỗ tiến sĩ và làm quan (“Phụ tử đồng triều” - cha con đều làm quan trong một triều đình). Cả hai cha con đều được cử làm sứ thần đi sứ sang Trung Quốc.

Dòng họ Nguyễn Duy có tới 34 đạo sắc phong qua các triều đại là một sự hi hữu. Đương thời, Nguyễn Duy Thì là một vị quan đại thần thanh liêm, một trí thức có tài kinh bang tế thế, đã được sử cũ xếp hạng vào trong số 39 vị quan phù tá có công lao to lớn và tài đức tiêu biểu của nhà Lê - thế kỷ XVII.

Người bị quân đội Pháp bắt nhầm, tưởng là Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Họa sĩ Nam Sơn (tên thật là Nguyễn Vạn Thọ), sinh ngày 15/02/1890, cùng một năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một nhà nho yêu nước, có năng khiếu hội họa, đồng thời rất quý trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam Sơn - Nguyễn Văn Thọ cũng có dung mạo khá giống Cụ Hồ. Năm 1947, sau khi Hà Nội tiêu thổ kháng chiến, cảnh đường phố còn tan hoang, có một toán lính Tây phát hiện ông đang vẽ cảnh đường phố hoang tàn đó và hô hoán: “Bắt sống, bắt sống..., đúng Hồ Chí Minh rồi!”.

Họa sĩ Nam Sơn đã ghi chép nhiều về đường phố Hà Nội sau chiến tranh 1947. Đó là những tư liệu hội họa lịch sử vô cùng quý giá, cho đến nay vẫn chưa có dịp được giới thiệu rộng rãi. Họa sĩ Lưu Công Nhân là một trong số ít người đã được thầy Nam Sơn cho xem các bức tranh đó sau khi hòa bình lập lại, khi thủ đô Hà Nội được giải phóng năm 1954.

Họa sĩ Nam Sơn và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên là hai nghệ sĩ duy nhất đã đi vẽ và chụp ảnh những dấu tích lịch sử đó.



Họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973)

Thủ hiến Bắc Việt mua và bày một bức tranh ca ngợi Việt Minh

Ông An Kiều, con trai cụ Nam Sơn cho biết: Bức tranh “Núi rừng Việt Bắc” ra đời năm 1952 do một hội từ thiện đến quyên tiền cho trẻ em mồ côi Việt Nam. Họa sĩ Nam Sơn đã vẽ bức tranh “Núi rừng Việt Bắc” (mực nho 4m x 1,7m) tặng cho hội từ thiện và hội này đã bán đấu giá tranh lấy tiền cho quỹ. Thủ hiến Bắc Việt thời ấy là Nguyễn Hữu Trí đã phóng tay từ thiện quyết định mua bức tranh đó và cho treo ở phòng khánh tiết mà không biết thâm ý của tác giả.

Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc trong bài viết cho báo Sức khỏe và Đời sống số 29 (1352) ngày 8/3/2003: họa sĩ Nam Sơn đã vẽ bức tranh “Núi rừng Việt Bắc” là dịp để gửi gắm tấm lòng yêu nước và đưa ra một bản thông điệp của một họa sĩ hướng về kháng chiến chống thực dân Pháp, hướng về Bác Hồ kính yêu ở Việt Bắc.

Nhìn kỹ trên nền trời phía bên phải bức tranh ta thấy vẽ đàn chim bay theo hình chữ M. Chữ M tách ra là hai chữ V - M (Việt Minh); M còn là “Minh” (tức Hồ Chí Minh). Nếu Thủ hiến Bắc Việt nọ phát hiện sớm điều này thì chắc hẳn sẽ không dám mua tranh. Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, bức tranh đó đã bị chuyển đi và có dư luận hiện đang ở nước ngoài.

Họa sĩ Nam Sơn cất kỹ một bức tranh lên bàn thờ tổ tiên

Sự ẩn ý không chỉ ở bức tranh “Núi rừng Việt Bắc” như đã nêu mà ngay từ buổi đầu thế kỷ XX tiếp cận với hội họa phương Tây, Nam Sơn đã sáng tác bức tranh chân dung sơn dầu có tựa đề “Sỹ phu Bắc Hà” (1923) vẽ chân dung cụ Cử Nguyễn Sỹ Đức, người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, người thầy đáng kính đã dạy Nam Sơn Hán học và cả hội họa phương Đông.

Sự ẩn ý trong bức tranh “Sỹ phu Bắc Hà” là gương mặt cụ Cử có nét đau buồn mà cương nghị, với đôi mắt quắc thước và rực sáng. Đặc biệt ít ai biết việc cụ Cử Sỹ Đức đã chít khăn trắng là để tang nước mất và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp dập tắt vào năm 1907.

Bức tranh nổi tiếng này đã được in trên bìa cuốn sách “Nho phong” của Nhất Linh năm 1926 (hiện còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội). Sau khi ẩn ý của bức tranh bị lộ, vì mật thám Pháp đã đánh hơi thấy, họa sĩ Nam Sơn liền cất kỹ bức tranh lên bàn thờ tổ tiên. Mãi đến 77 năm sau, năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh “Sỹ phu Bắc Hà” mới được gia đình họa sĩ Nam Sơn công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam.

Với họa sĩ Nam Sơn, nhà nghiên cứu mỹ thuật, Phó giáo sư Chu Quang Trứ (1941 - 2002) đã viết: “Tranh của ông trình bày chính thức đầu tiên ở triển lãm tại Hà Nội năm 1923 bằng 4 bức sơn dầu với đề tài cụ thể nhưng lại rất khái quát. Chân dung cụ Nguyễn Sỹ Đức được chuyển hóa thành “Sỹ phu Bắc Hà”, một cô gái quê thành “Cô gái Bắc Kỳ”... và tác phẩm đã đưa Nam Sơn lên đỉnh cao nghệ thuật quốc tế với tấm Huy Chương Bạc do Hội các họa sĩ thành Paris tặng năm 1932 là bức chân dung thân mẫu của chính ông với tên tranh là “Gia từ cận tượng”, nghĩa là “Bức tranh Mẹ hiền”, sau này còn có tên “Chân dung mẹ tôi”.


 

“Chân dung Mẹ tôi” - tranh Nam Sơn

Hai thành tích đáng nể tụ hội tại một con người Hà Nội - họa sĩ Nam Sơn

Nhà báo Tâm Hiếu khi viết về họa sĩ Nam Sơn đã tổng kết như sau:

1. Họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ) là người Việt Nam duy nhất được chính người Pháp công nhận là đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương (năm 1925) trong số nhiều trường đại học và cao đẳng do người Pháp mở ở Việt Nam như: Y khoa, Luật khoa, Canh Nông...

Điều này đã được ghi rõ trong cuốn sách “Những trường nghệ thuật Đông Dương” (Les écoles d'art de I'Indochine) do Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1937, hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội với ký hiệu M10692 và tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại ở Aixen Provence (Pháp).

Điều này cũng được ghi rõ trong cuốn sách “Arts Directory” do Hội đồng Anh (British Council) hợp tác với Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam xuất bản tại London năm 2002, trang 44.
 

2. Họa sĩ Nam Sơn là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được giải thưởng hội họa quốc tế ở Paris, đồng thời là họa sĩ hiếm hoi có tác phẩm được nhà nước Pháp mua và trưng bày trong bảo tàng quốc gia.

 

Họa sĩ Nam Sơn - nhà danh họa có nhiều cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Chính bức chân dung sơn dầu “Sỹ phu Bắc Hà” (1923) đã làm cho họa sĩ V. Tardieu nể trọng tài năng của Nam Sơn. Đồng thời tin tưởng vào khả năng người Việt Nam có thể vẽ được tranh sơn dầu như người Châu Âu, từ đó nhận lời thuyết phục Chính phủ Pháp qua bản đề cương Mỹ thuật và xây dựng trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội do Nam Sơn đề xướng năm 1923.

Trong bản đề cương đó Nam Sơn đã tiên đoán: “Độ mười, hai, ba mươi năm nữa, quốc thuật của nước Nam ta sẽ thành”. Và trong cuốn sách: “Paris - Hanoi - Saigon, cuộc phiêu lưu của hội họa hiện đại Việt Nam” do nhà xuất bản “Những bảo tàng Paris” xuất bản ở Paris - 1998 đã xác nhận: “Qua những cuộc trao đổi giữa họ (V. Tardieu và Nam Sơn), ý kiến thành lập một trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội đã nảy ra... Trường được chính thức thành lập do một Nghị định của Toàn quyền Merlin. Trường này (Mỹ thuật Đông Dương) nói cho đúng hơn là kết quả của tình bạn kỳ lạ giữa hai người (V. Tardieu và Nam Sơn)”.

Vị thế của ông đã được xác nhận rõ ràng trong cuốn sách “Các trường Mỹ thuật Đông Dương” (1937) đã nêu ở trên. Tại trang 16 có đoạn ghi: “Ông Nam Sơn - Giáo sư chuyên ngành bậc 2, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, dạy hình họa và trang trí”.

“Chợ Gạo bên sông Hồng” - tranh Nam Sơn

Một công tích lớn của họa sĩ Nam Sơn là đã giảng dạy từ khóa đầu tiên đến khóa cuối cùng, tất cả 18 khóa, từ 1925 - 1945. Và phần thưởng lớn nhất của ông đạt được là đã tham gia đào tạo hơn 120 họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng Việt Nam, niềm tự hào của mỹ thuật dân tộc. Một số nghệ sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đã có những tác phẩm làm thế giới hội họa quốc tế thán phục. Nhiều người ngày nay đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Từ năm 1930 Nam Sơn đã viết cuốn sách đầu tiên về hội họa bằng tiếng Pháp in tại Việt Nam: “Hội họa Trung Hoa” (La Peinture Chinoise) coi như một “Tuyên ngôn nghệ thuật phương Đông” và không quên truyền đạt cho học sinh khi ra trường rằng “Học vẽ ở trường với thầy chỉ là một, điều quan trọng nhất là phải phát huy đến trăm lần khi ra ngoài đời!”.

Trong sự nghiệp sáng tác của ông, đề tài chính luôn mang đậm tính dân tộc, giàu hồn nước. Tranh của Nam Sơn mang “màu sắc quen thuộc của tự nhiên, hài hòa, ấm cúng”. Để hòa nhập với mỹ thuật thời đại, mà trọng tâm là hội họa hàn lâm phương Tây hồi đó, tranh sơn dầu được coi là mũi nhọn. Các tác phẩm của ông cũng đã đi thẳng vào mũi nhọn ấy, gặt hái không ít thành quả ở nhiều nước từ đầu thế kỷ XX.

Năm 1932, với chất liệu khắc gỗ (7 màu), tác phẩm “Cò trắng cá vàng” sáng tác năm 1929 của Nam Sơn đã được tặng bằng khen tại Triển lãm Mỹ thuật ở Roma (Italia).

Danh họa Tô Ngọc Vân (tốt nghiệp khóa 2 Trường Mỹ thuật Đông Dương) từng nhận định về tài năng của họa sĩ Nam Sơn: “Nam Sơn nổi bật hơn cả ở tranh vẽ màu nước”. Năm 1943, Nam Sơn cũng đã cùng các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ đi Nhật Bản để giới thiệu tác phẩm hội họa Việt Nam. Sau đó ông cũng trưng bày tác phẩm tại Hà Nội với 30 bức màu nước và 6 bức sơn dầu.

Năm 1998, tại triển lãm mỹ thuật “Mùa xuân Việt Nam” ở Paris do Tòa thị chính Paris hợp tác cùng Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam tổ chức, 3 tác phẩm của Nam Sơn đã được giới thiệu. Tiếp đó, cuốn Voyager Magazine (Paris - 1998) đã giới thiệu triển lãm này và bức tranh “Chân dung người nông dân” của Nam Sơn với lời bình ghi ngay bên trên tác phẩm: “Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị quên lãng, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng!”. Đây cũng là sự tự hào chung của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Họa sĩ Nam Sơn - Nguyễn Văn Thọ có truyền thống “nối dõi tông đường” một cách xuất sắc. Theo sách “Lịch triều Hiến chương loại chí” thì quan thượng thư Nguyễn Duy Thì có gửi bài “Khải” cho Trịnh Tùng khuyên can vua quan triều đình “bớt ăn chơi xa xỉ, sách nhiễu dân, thi hành chính sách hà khắc”. Còn họa sĩ Nam Sơn không bao giờ vẽ chân dung những vua quan, toàn quyền, công sứ, người nhà giàu... mà ông thường vẽ phong cảnh đất nước, nhà nho, nhà sư, người lao động, nông dân, người nghèo và cả người hành khất (như họa sĩ Tây Ban Nha Murillo).

Với hơn nửa thế kỷ làm việc, vừa sáng lập trường, vừa giảng dạy, ông đã sáng tạo cần mẫn, để lại một gia tài hội họa với hơn 400 tác phẩm nhưng ít được công bố bởi tính khiêm nhường vốn có. Chính vì lẽ đó, uy tín của Nam Sơn đã được khẳng định ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công: Ông đã được cử vào Ban phụ trách tiếp quản trường Viễn đông Bác cổ Pháp (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Từ năm 1957 đến khi qua đời (1973) ở tuổi 83, họa sĩ Nam Sơn đã được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam và tiếp tục sự nghiệp sáng tạo. Ông qua đời ngày 26/01/1973 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Tý). Tên của ông là một trong số ít danh họa được lưu tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003.


(Nguồn: Arttimes)

 

share facebook