Cơ cấu tổ chức hội họa tại Pháp và giải thưởng hội họa “Đông Dương”
Hàn lâm viện và các tổ chức hội họa
Nền hội họa Pháp chịu sự chi phối của Hàn lâm viện và các tổ chức hội họa. Viện Hàn lâm Pháp (Institut de France ) thành lập ngày 25/10/1795, trong Viện Hàn lâm Pháp có Viện Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts), thành lập năm 1816. Các thành viên là họa sĩ, điêu khắc gia, nhạc sĩ, kiến trúc sư…
VICTOR TARDIEU (Giải thưởng Đông Dương năm 1920) trước bức tranh tường lớn tại giảng đường trường Đại học Hà Nội
Bên cạnh Viện Hàn lâm là các tổ chức hội họa như:
- Triển lãm Nghệ sĩ Pháp (Salon des Artistes Français): Năm 1663, Thái dương Hoàng đế Pháp Louis XIV (Loui Dieudonné, 1638 -1715) ra quyết định, hàng năm, vào tháng 4, các họa sĩ và điêu khắc gia thuộc Hàn lâm viện Hoàng Gia (L’Académie Royale) phải tổ chức công khai một cuộc triển lãm nghệ thuật, tên gọi là “Triển lãm Nghệ sĩ Pháp”. Ngày 23/04/1667, cuộc triển lãm đầu tiên được mở ra cho công chúng tại Hàn lâm viện Paris. Dưới triều Louis XV (1710 -1774), “Triển lãm Nghệ sĩ Pháp” được tổ chức tại Phòng Vuông (grand salon carré) ở điện Louvre vào năm 1725, từ đó mới có chữ “Salon” để gọi chung cho tất cả triển lãm sau đấy. Đầu tiên, Salon chỉ dành riêng các thành viên thuộc Hàn lâm viện Hoàng gia. Sau Cách mạng 14/7/1789, Salon mở cửa cho tất cả các nghệ sĩ Pháp. Từ năm 1798, vì có quá nhiều nghệ sĩ muốn triển lãm nên Salon quyết định lập ra một ban giám khảo để chọn lọc tác phẩm. Từ năm 1863, Salon được tổ chức trở lại hàng năm, triển lãm trung bình 2000 tác phẩm. Năm 1870, con số tác phẩm lên đến 5409!
Chợ tại Marmot (một làng Campuchia cạnh biên giới Việt Nam), Louis ROLLET (1895 – 1988, Giải thưởng Đông Dương năm 1930), tranh thuộc bộ sưu tập của National Gallery Singapore.
- Triển lãm hội họa bị từ chối (Salon des Réfusés): Năm 1863 mở ra cuộc “Triển lãm hội họa bị từ chối” (Salon des Réfusés), bao gồm những tác phẩm bị ban giám khảo của Salon loại bỏ. Triển lãm này được sự cho phép của Napoléon III (1808 -1873), nhằm “…để cho công chúng quyền phán đoán tính hợp pháp của mọi sự khiếu nại…” (1). Trong các tác phẩm bị từ chối này có bức “Le bain” (Tắm) (2) của họa sĩ lừng danh Edouard Manet ! “Triển lãm hội họa bị từ chối” còn được tổ chức vào những năm 1874, 1875, 1886… Nhưng từ năm 1881, triển lãm này không còn được sự ủng hộ chính thức của chính phủ nữa.
- Hội Nghệ sĩ Pháp (Société des Artistes Français) (3): Năm 1881, dưới thời Đệ tam Cộng hòa, Bộ trưởng Học chính và Mỹ thuật Jules Ferry quyết định chính quyền không can thiệp vào các cuộc triển lãm nghệ thuật nữa, từ đó lập ra “Hội Nghệ sĩ Pháp” với một ủy ban gồm 90 thành viên. “Hội Nghệ sĩ Pháp” có thể nói là đóng một vai trò rất quan trọng trong nền nghệ thuật Pháp.
- Hội Mỹ thuật quốc gia (Société nationale des Beaux-Arts): Năm 1889, sự bất đồng ý kiến giữa các nghệ sĩ dẫn đến sự thành lập “Hội Mỹ thuật quốc gia” do Puvis de Chavannes, Carrière, Carolus Duran…, tổ chức triển lãm tại quảng trường Champ de Mars (gần tháp Effel) chứ không ở Louvre (4).
Bắt đầu từ năm 1900, hai hiệp hội kình địch trên hàn gắn mọi rạn nứt, bắt tay kết hợp nhau để cùng triển lãm tại Đại Cung điện (Grand Palais des Champs Elysées). Đến năm 1940 “Hội Mỹ thuật quốc gia” đóng cửa trong khi “Hội Nghệ sĩ Pháp” vẫn còn hoạt động tại Đại Cung điện cho đến ngày nay.
- Hội họa sĩ xu hướng Đông phương (Société des Peintres orientalistes): Năm 1893 thành lập tại Paris với mục đích tìm hiểu và trình bày nền văn hóa nghệ thuật Đông phương, đặc biệt là các nước Hồi giáo. Léonce Bénédite, sử gia nghệ thuật và quản đốc bảo tàng Luxembourg được bầu làm chủ tịch cho đến khi mất vào năm 1925.
“Hội họa sĩ xu hướng Đông phương” tổ chức triển lãm hàng năm, bị gián đoạn trong thế chiến thứ nhất. Năm 1897, hội lập ra một giải thưởng dành cho họa sĩ trẻ trên đất thuộc địa Pháp tại Châu Phi. Hội còn tham dự những cuộc Triển lãm lớn của chính quyền, như triển lãm Hoàn cầu (Expositions Universelles) hoặc triển lãm Thuộc địa (Expositions Coloniales)… Hội đạt được tuyệt đỉnh vinh quang từ năm 1910, đặc biệt với hơn 1000 tác phẩm trưng bày năm 1913. Sau khi Chủ tịch Léonce Bénédite qua đời, “Hội họa sĩ xu hướng Đông phương” bước vào giai đoạn suy tàn, triển lãm lần cuối cùng là vào năm 1948.
- Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp (Société coloniale des Artistes Français): Tại Triển lãm Thuộc địa Marseille năm 1906, họa sĩ Louis Dumoulin, phụ trách và cố vấn mỹ thuật, khơi lên trong lòng các họa sĩ sức lôi cuốn hấp dẫn của nền văn minh và phong cảnh các nước thuộc địa. Sau đó, với sự tài trợ của Bộ Thuộc địa cũng như các Toàn quyền và công ty hàng hải, Louis Dumoulin lập ra một số học bổng du lịch (bourses de voyage).
“Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” được thành lập năm 1908. Điểm chính yếu của “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” là số học bổng du lịch rất quan trọng mà Hội đã trao tặng cho người đoạt giải để đi tham quan tìm hiểu văn hóa tại các nước thuộc địa. Năm 1946, “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” trở thành “Hội Mỹ thuật Pháp quốc Hải ngoại” (Société des Beaux-Arts de la France d’Outre Mer). Năm 1960 tình trạng thuộc địa bắt đầu chấm dứt, hội lại đổi tên là “Hội Mỹ thuật Hải ngoại” (Société des Beaux-Arts d’Outre Mer).
Dù có mở salon hay không, Hội vẫn trao tặng học bổng du lịch hàng năm. Chỉ bắt đầu từ năm 1929, Hội mới mở salon mỗi năm đều đặn. Hội còn trao nhiều giải thưởng khác nhau, trong đó có giải thưởng Đông Dương (prix de l’Indochine). Chính “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” đã sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Casablanca (Maroc).
- Hội nghệ sĩ độc lập (Société des Artistes Indépendants): Từ năm 1870, vì không thích nghi và không chịu gò bó theo tính cách nghiêm khắc hàn lâm cổ điển của Salon, các họa sĩ theo trường phái ấn tượng tổ chức những triển lãm riêng. Năm 1884, Albert Dubois Pillet, Odilon Redon, Georges Seurat, Paul Signac, Guimard và một số bạn hữu Paul Cézanne, Paul Gauguin, Henri de Toulouse Lautrec, Camille Pissarro, Henri Matisse, Vincent van Gogh… thành lập “Hội nghệ sĩ độc lập”, với chủ trương không cần giám khảo và không trao giải thưởng. Hội mở cuộc triển lãm đầu tiên vào ngày 01/12/1884 và sau đó đều đặn hàng năm. Các tác phẩm có khuynh hướng tượng trưng, fauvisme, nabis, lập thể…, xuất hiện trong những triển lãm này. Ngày nay, “Hội nghệ sĩ độc lập” vẫn còn hoạt động và mở triển lãm hàng năm.
- Triển lãm mùa Thu (Salon d’Automne): Ngày 31/10/1903, theo khởi xướng của điêu khắc gia Belge Franz Jourdain và một số bạn hữu, “Triển lãm mùa Thu” được sáng lập và tổ chức tại Tiểu Cung điện (Petit Palais). Salon có hai mục đích: mở đường cho các họa sĩ trẻ và mang trường phái ấn tượng hòa nhập vào tâm hồn dân chúng. Salon chọn mùa thu để các họa sĩ giới thiệu những tác phẩm vừa được thực hiện dưới nắng hè rực rỡ, và quan trọng hơn là không trùng với các Salon của “Hội Nghệ sĩ Pháp” (Société des Artistes Français) và “Hội Mỹ thuật quốc gia” (Société nationale des Beaux-Arts), cả hai đều triển lãm vào mùa xuân. Trước những thành công rực rỡ, năm 1904, “Triển lãm mùa Thu” rời Tiểu Cung điện bước chân sang Đại Cung điện (5), triển lãm giới thiệu 33 tác phẩm của Paul Cézanne, 62 Odilon Redon và 35 Auguste Renoir! Triển lãm 1905 đánh dấu một bước ngoặt lớn cho trường phái ấn tượng với rất nhiều sáng tác mạnh mẽ của giới trẻ. “Triển lãm mùa Thu” hoạt động và mở triển lãm hàng năm cho đến ngày nay.
- Các hội đoàn khác: Ngoài những triển lãm nói trên, chúng ta còn có “Triển lãm Tuileries” (Salon des Tuileries), thành lập năm 1923, cũng gặt hái được nhiều thành công, và “Hội Họa sĩ chuyên vẽ Động vật” (Société des Peintres Animaliers) có chỗ đứng riêng biệt.
Đền Angkor, Louis ROLLET (1895 – 1988, Giải thưởng Đông Dương năm 1930).
Trường Mỹ thuật
1. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris (École nationale supérieure des beaux-arts, gọi tắt là ENSBA): Tập hợp một tổng thể rộng lớn, ở vị trí đối diện với điện Louvre, thuở ban đầu trường Mỹ thuật nằm trong viện Mỹ thuật Hoàng gia (Académie des Beaux-Arts), đặt dưới sự bảo trợ trực tiếp của hoàng đế Pháp. Ngày 13/11/1863, theo sắc lệnh của vua Napoléon III, trường trở thành tự lập. Ngày nay Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia thuộc bộ Thông tin Văn hóa.
Trường Mỹ thuật Paris chia ra làm ba ban :
- Hội họa và tranh khắc đồ họa.
- Điêu khắc, chạm trổ huy hiệu và đá quý.
- Kiến trúc.
Trường tuyển sinh hàng năm, với chương trình học 5 năm gồm 17 giáo trình miễn phí cho sinh viên từ 15 đến 30 tuổi.
Mỗi năm, trường tổ chức nhiều triển lãm để ban giải thưởng. Giải La Mã (prix de Rome) được xem là cao quý và danh giá nhất.
2. Trường Mỹ thuật tỉnh (Les écoles de Beaux-Arts de Province): Từ thế kỷ thứ XIX, rất nhiều trường Mỹ thuật được thành lập tại các tỉnh ở đất Pháp. Các trường này thường theo khuôn mẫu của Trường Mỹ thuật Paris. Đáng kể nhất là Trường Marseille, Lyon và Bordeaux.
3. Các xưởng họa (Les ateliers d’artistes): Một loại “trường học” chính thức hoặc bán chính thức do các giáo sư mở ra, là nơi đào tạo cho các họa sĩ trẻ có cơ hội đối chiếu các quan niệm và lý thuyết của thầy, nhằm thu thập được một kỹ thuật chắc chắn và phát triển phong cách riêng của mình.
4. Trường Mỹ thuật Quốc gia Alger (École Nationale des Beaux-Arts d’Alger): Thành lập năm 1843, đầu tiên chỉ là một trường dạy vẽ hình (dessin). Đến năm 1848, là trường học thành phố và chính thức trở thành Trường Mỹ thuật Quốc gia Alger vào năm 1881. Các lớp học được mở miễn phí và sinh viên không cần thi tuyển sinh.
5. Trường Mỹ thuật Tunis (École des Beaux-Arts de Tunis): Thành lập năm 1923, dưới sự chỉ đạo của họa sĩ Antoine Armand Vergeaud từ năm 1927 đến 1949.
6. Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine): Được thành lập vào năm 1924 (6). Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đưa hội họa Việt Nam vào một nền mỹ thuật có phong cách và chỗ đứng riêng biệt. Theo khuôn mẫu của Trường Mỹ thuật Paris, qua cuộc thi tuyển sinh, sinh viên là người Đông Dương hoặc người Pháp. Đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có chương trình học là 3 năm, sau đó đổi thành 5 năm, đã đào tạo nhiều họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam. Ngoài những môn học thường lệ như hội họa, đồ họa, điêu khắc, kiến trúc, trường còn đưa vào chương trình học môn sơn mài thuần túy Việt Nam.
Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương đóng cửa vào năm 1945 để sau đó trở thành Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho đến ngày nay.
EVARISTE JONCHERE (Giải thưởng Đông Dương năm 1932). Người ăn xin ở Hải Phòng. 1932. Sơn dầu. 34,5x27cm
Đại triển lãm
Những cuộc triển lãm lớn có tầm vóc quốc tế tại Pháp từ thế kỷ 19 là triển lãm Hoàn cầu (exposition Universelle) và triển lãm Thuộc địa (exposition Coloniale).
1. Triển lãm Hoàn cầu (exposition Universelle): Thịnh hành vào thế kỷ 19 như những hội chợ (đấu xảo) được tổ chức hàng năm tại các nước phát triển cao trên thế giới. Đầu tiên, triển lãm Hoàn cầu chuyên chú vào sản phẩm công nông nghiệp, triển lãm tại điện Công nghiệp (Palais de l’Industrie) ở Paris năm 1855. Sau đó, dưới sự can thiệp của Nữ hoàng Eugénie (7), triển lãm có thêm một phần về mỹ thuật.
Triển lãm Paris 1867 lần đầu tiên trưng bày một số hiện vật thuộc nghệ thuật Khmer. Triển lãm Paris 1878 có dựng một đình và một ngôi nhà kiểu Đông Dương. Triển lãm Paris 1889 trùng hợp với việc khai mạc Bảo tàng Đông Dương ở Trocadéro (Musée indochinois du Trocadéro), cũng là cơ hội xây dựng tháp Effel nổi tiếng.
Jean Bouchaud (1891 – 1977, Giải thưởng Đông Dương năm 1924), Hon Gay, Tonkin, 1924.
2. Triển lãm Thuộc địa (exposition Coloniale): Ba cuộc triển lãm Thuộc địa năm 1906, 1922 và 1931 có ảnh hưởng quan trọng, làm thay đổi cái nhìn của người Tây phương đối với nền văn minh các nước thuộc địa.
Triển lãm năm 1906 tại Marseille từ ngày 15/4 đến 15/11. Cuộc triển lãm sẽ không có tiếng vang nếu không có những bức tranh vẽ các vũ công của đoàn vũ cung đình Khmer, do điêu khắc gia danh tiếng Auguste Rodin thực hiện trong dịp này (8).
Triển lãm năm 1922 tổ chức tại Marseille từ tháng 4 đến tháng 11, đặt trong khung cảnh tầng 3 của đền Angkor Vat được tái tạo huy hoàng to lớn như thật. Trong triển lãm có sự tham dự của vua Khải Định, ăn mặc lố lăng và làm nhiều trò đến nỗi Phan Chu Trinh đã phải viết tờ “Thất điều trần” gồm 7 điều khuyên vua Khải Định về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể.
Triển lãm năm 1931 được tổ chức tại rừng Vincennes (Paris) từ ngày 06/5 đến 15/1. Không chỉ tầng 3, mà toàn cảnh 5 tháp đền Angkor Vat được tái tạo một cách tráng lệ trước cổng danh dự. Ngoài ra, các nước tham dự còn dựng lên những đền đài, đình chùa, nhà cửa…, giới thiệu văn hóa và con người của quốc gia mình, tạo một bầu không khí ngỡ ngàng thần tiên cho triển lãm 1931. Đây là một triển lãm to lớn chưa từng có, đã thu hút hơn 33 triệu khán giả. “Hội họa sĩ xu hướng Đông phương” và “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” cũng tham dự trong triển lãm này. Riêng về Đông Dương, các họa sĩ có tác phẩm trưng bày là Nam Sơn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Georges Khánh, Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu… (9)
JEAN BOUCHAUD (1891 – 1977, Giải thưởng Đông Dương năm 1924). Những người bán cá. 1924-25. Màu nước. 20,5×47,5cm
Giải thưởng hội họa
1. Giải thưởng Triển lãm Nghệ sĩ Pháp (Prix du Salon des Artistes Français): Còn gọi là “Giải thưởng Salon” (Prix du Salon), được đặt ra năm 1874 cho một họa sĩ (hoặc điêu khắc gia từ năm 1877) dưới 32 tuổi. Quà tặng là một thời gian tìm hiểu nghệ thuật ở Rome (Ý). Năm 1953, điều kiện giới hạn tuổi được hủy bỏ. Ngoài Giải thưởng Salon còn có Huy chương hạng Nhất, Nhì và Ba.
Điều kiện được đoạt giải thưởng này là phải có tác phẩm trưng bày tại “Triển lãm Nghệ sĩ Pháp” (Salon des Artistes Français), “Hội Mỹ thuật quốc gia” (Société Nationale des Beaux-Arts), “Triển lãm mùa Thu” hay “Triển lãm Tuileries”. Từ năm 1897, “Giải thưởng Salon” trở thành “Giải thưởng Quốc gia” (Prix National)
2. Giải thưởng La mã (Prix de Rome et la Villa Médicis): Có thể nói đây là Giải thưởng cao quí tuyệt vời được các nghệ sĩ khao khát nhất, sáng lập năm 1663 dưới triều Louis XIV, thường được gọi là giải Khôi nguyên La Mã. Giải thưởng do Hàn lâm viện Hoàng Gia (L’Académie Royale) tổ chức, dành cho họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư hay họa sĩ đồ họa (năm 1803 thêm nhạc sĩ). Giải Khôi nguyên (Grand Prix) là 4 năm du học ở Rome vì nơi đấy được xem là cội nguồn của cái đẹp thuần túy, nội trú tại cung điện Mancini (năm 1803, sau dời sang Biệt thự Médicis, trụ sở Hàn lâm viện Pháp tại Rome do Colbert thành lập từ năm 1666), dưới kinh phí của hoàng đế Pháp.
Ngoài ra còn có giải thưởng lớn hạng Nhất (Premier Grand Prix) và giải thưởng lớn hạng Nhì (Second Grand Prix) cũng được du học tại Rome nhưng với thời hạn ngắn hơn, hoặc giải thưởng Danh dự (mention honorable).
Với biến cố tháng 5/1968 tại Paris (10), Bộ trưởng Văn hóa André Malraux hủy bỏ cuộc thi tuyển, thay vào đó là tuyển sinh bằng hồ sơ và giải thưởng là thời gian du học 6 đến 18 tháng, vẫn được cư ngụ tại Biệt thự Médicis cho đến ngày nay.
Người Việt Nam duy nhất đoạt được giải thưởng Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) vào năm 1955 là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (1926-2000), ông cư ngụ tại biệt thự Médicis từ năm 1955 đến 1958 (11).
3. Giải thưởng Casa Vélazquez (Le concours de la Casa Vélasquez): Giải thưởng Casa Vélazquez là một trong những giải thưởng của Viện Mỹ thuật Pháp (Académie des Beaux-Arts). Nghệ sĩ đoạt giải sẽ cư ngụ tại điện Vélazquez ở Madrid (Tây Ban Nha) trong thời gian du học, cũng giống như tại biệt thự Médicis ở Rome. Giải thưởng Casa Vélazquez vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
4. Giải thưởng Villa Abd – el – Tif (Le concours de la Villa Abd-el-Tif): Thành lập vào năm 1907, nghệ sĩ đoạt giải sẽ cư ngụ tại biệt thự Abd-el-Tif (Alger, Angiêri). Giải thưởng Villa Abd-el-Tif kéo dài đến năm 1962 thì chấm dứt.
5. Học bổng du lịch (Les bourses de voyage): Bắt đầu từ năm 1880, phát triển việc trao học bổng du lịch cho nghệ sĩ đi đến vùng đất lạ để nghiên cứu. Học bổng đóng vai trò quan trọng cho nghệ sĩ phát huy phong cách và đề tài mới. Hội đồng tối cao của Trường Mỹ thuật Paris trao hàng năm 9 học bổng cho các tác phẩm lỗi lạc trưng bày các triển lãm.
6. Các giải thưởng khác: Năm 1908 thành lập giải thưởng Tây Phi Pháp quốc (prix de l’Afrique Occidentale Française). Năm 1910, giải thưởng Đông Dương (prix de l’Indochine). Năm 1913, giải thưởng Madagascar (prix de Madagascar). Năm 1919, giải thưởng Maroc và Tunisie (prix du Maroc et de la Tunisie) (12). Năm 1924, giải thưởng Trung Phi Pháp quốc (prix de l’Afrique Équatoriale Française)…
Thuyền trên cảng Sài Gòn, 1928. Henri DABADIE (1867 – 1949, Giải thưởng Đông Dương năm 1928).
Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine)
Giải thưởng Đông Dương do Thống đốc Toàn quyền Đông Dương Antony Wladislas Klobukowski ban nghị định năm 1910, theo đề xướng của “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” (Société Coloniale des Artistes français).
1. Giải thưởng Đông Dương trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời:
Họa sĩ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” sẽ qua một cuộc tuyển chọn, người đoạt giải được trao tặng một năm du lịch nghiên cứu, cộng thêm vé hạng nhất khứ hồi, một tài trợ là 1.200 đồng Đông Dương và đi lại miễn phí trên toàn Đông Dương. Xin lưu ý là đầu thế kỷ, 1 đồng Đông Dương trị giá 3 quan Pháp. Từ năm 1925 đến 1927, tỉ giá trung bình là 14 quan Pháp. Năm 1931, đồng Đông Dương theo tỉ giá kim bảng vị (giá vàng) và cố định là 10 quan Pháp (13).
Các họa sĩ được đoạt giải là :
1910 – Ferdinand Olivier (Martigues 1873 – 1957).
1911 – François de Marliave (Toulon 1874 – Draguignan 1953).
1912 – Augustin Carréra (Madrid 1878 – Paris 1952).
1913 – Martinien Salgé (Marseille 1878 – Jouques 1946).
1914 – Charles Dominique Fouqueray (Le Mans 1869 – Paris 1956)
Vào thời kỳ đại thế chiến thứ nhất (1914-1918), việc phát giải thưởng Đông Dương bị gián đoạn cho đến năm 1920.
1920 – Victor Tardieu (Lyon 1870 – Hà Nội 1937).
1921 – Paul Jouve (Marlotte 1878 – Paris 1973).
1922 – Antoine Ponchin (Marseille 1872 – 1934).
1923 (14) – Georges Michel, còn gọi là Géo Michel (Paris 1885 – ?)
1924 – Jean Bouchaud (Saint-Herblain 1891- Nantes 1977).
Từ trái qua phải, hàng ngồi là các thầy giáo: Bà Kruze (Thứ 3), Tardieu (Thứ 4), Inguimberty (thứ 6), Nam Sơn (thứ 7). Hàng đứng đầu tiên: Công Văn Trung (thứ 1), Lê Văn Đệ (thứ 10), Nguyễn Gia Khánh (Goerges Khanh) (thứ 14) và Vũ Cao Đàm ở cuối cùng hàng đứng thứ 2
2. Giải thưởng Đông Dương sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời:
Theo đề nghị của Nam Sơn, họa sĩ Việt Nam, và Victor Tardieu, giải thưởng Đông Dương năm 1920, trong một bản phúc trình dưới cái tên “Nghệ thuật An Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai” đã đề cập với chính quyền thuộc địa vấn đề mở ra một Trường Mỹ thuật tại Đông Dương.
Bản phúc trình này được chuẩn y bởi Thống đốc Toàn quyền Martial Henri Merlin. Ngày 27 tháng 10 năm 1924, xuất hiện trong Công báo (Journal Officiel) nghị định thành lập một ngôi trường dưới tên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường này sẽ được dựng lên tại số 102 đường Reinach, gần trường Viễn đông Bác cổ, trực hệ Giáo đoàn Pháp (l’Université de France) tại Hà Nội, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của nhà Học chính, với Victor Tardieu là Hiệu trưởng.
Từ ấy, theo ý muốn của chính quyền và Trường Mỹ thuật Đông Dương, giải thưởng Đông Dương được cải cách, họa sĩ đoạt giải có thời gian nghiên cứu là hai năm chứ không chỉ là một năm như trước. Năm đầu tiên dành cho việc tham quan, tìm hiểu, học hỏi và ghi lại những ấn tượng qua tranh vẽ, được học bổng là 400 đồng Đông Dương mỗi tháng. Năm còn lại giữ chức vụ giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, được học bổng là 350 đồng Đông Dương mỗi tháng và nơi cư ngụ miễn phí ở Hà Nội. Trước khi lên đường trở về Pháp, một cuộc triển lãm tranh của họa sĩ sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn.
Các họa sĩ được đoạt giải là :
1925 -Jules Gustave Besson (Paris 1868 -?).
1926 -Paul-Émile Legouez (Elbeuf 1882 – ?).
1927 -Raymond Virac (Madrid 1892 – Madagascar 1946).
1928 -Henri Dabadie (Pau 1867-1949).
1929 -Lucien Lièvre (Paris 1878 -?).
1930 -Louis Rollet (Paris 1895- 1944).
1931-Léon Félix (Périgueux 1869-?)
Bắt đầu từ năm 1932, giải thưởng hội họa Đông Dương được phát hai năm một lần.
1932 -Évariste Jonchère (Coulonges-les-Hérolles 1892 – Paris 1956). Évariste Jonchère sẽ là người giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương sau khi Victor Tardieu qua đời tại Hà Nội năm 1937.
1934 – Georges Barrière (Bourgogne 1881 – Đồ Sơn 1944).
1936 – Jean Despujols (Gironde 1886 – Shreveport 1965).
1938 – Louis-Robert Bâte (Bordeaux 1898 – 1948).
Năm 1939, Adolf Hitler đưa hoàn cầu vào chiến lửa, Thế chiến thứ hai bùng nổ (1939-1945), giải thưởng hội họa Đông Dương qua đời theo biến cố lịch sử.
Chân thành cảm tạ ông Christian Billet, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Pháp (Société des Artistes Français) đã dành thì giờ quí báu trao đổi ý kiến và giúp chúng tôi tài liệu.
8.2006