Ba bức tranh Mai Trung Thứ: đạt kỷ lục 5 triệu 670.000$ trên sàn đấu quốc tế

share facebook

Cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu tạo lập nên tứ kiệt Đông Dương tại Pháp, danh họa Mai Trung Thứ với các tác phẩm đồ sộ truyền lại cho hậu thế mang nhiều tình cảm cũng như ý niệm về một Việt Nam thơ mộng. Ông hiện là họa sĩ đang nắm giữ kỷ lục về giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3.1 triệu đô - tác phẩm “Chân dung cô Phượng”.

Mai Trung Thứ (1906 - 1980) hay còn được gọi là Mai Thứ sinh ngày 10/11/1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế).

Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kế tem bưu chính. Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời. 

Quãng thời gian ở Việt Nam, trong tranh sơn dầu của ông đa phần khắc họa cảnh sinh hoạt bình dị của nông thôn Việt Nam, phong cảnh trữ tình của cố đô Huế và các vùng phụ cận như mái đình ven hồ, núi Ngũ Hành Sơn cũng như hình ảnh các học giả, thiền sư thiếu nữ Việt. Đặc biệt, trong số các sáng tác ở giai đoạn này, trong tranh thường xuất hiện dáng hình của một thiếu nữ xinh đẹp có khuôn mặt mềm mại. Người con gái ấy tên Phượng (trong nhiều tư liệu có đề cập nhân vật tên Phương, cùng tên của con gái ông sau này).

Một trong số các tác phẩm vẽ nhân vật kể trên - bức “Chân dung cô Phượng” đã được triển lãm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và Triển lãm Thuộc địa năm 1931 tại Paris, Pháp. Sau triển lãm, bức tranh được mua lại bởi một nhà đầu tư gốc Pháp và chuyển nhượng sang bộ sưu tập tư nhân của bà Dothi Dumonteil - một người Pháp gốc Việt tên thật là Đỗ Thị Lan.

Năm 2021, cũng chính bức tranh này được đưa ra đấu giá tại Sotheby’s Hồng Kông ngày 18/04/2021 và đạt mức giá kỷ lục 3.1 triệu đô, trở thành kiệt tác đắt giá nhất của mỹ thuật Việt Nam trên thị trường giao dịch công khai. 

“Chân dung cô Phượng”. 1930. Sơn dầu trên toan. 135.5 x 80 cm.

Bức "Phụ nữ đội nón lá bên sông", kích thước 98x71 cm. Ảnh: Sotheby's

Ngày 14/12/2021 tại Sotheby’s Hồng Kông đã diễn ra phiên đấu giá tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, tác phẩm Femme au chapeau conique le long de la rivière (Phụ nữ đội nón lá bên sông) sáng tác năm 1937, chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 98x71 cm của ông được bán với giá 1,57 triệu USD tương đương 36 tỷ đồng, đã bao gồm thuế phí. Ban đầu, nhà đấu giá ước tính đạt 640.000-897.000 USD (14-20 tỷ đồng).

Bức tranh đã khắc họa người phụ nữ mặc áo dài truyền thống màu xanh, đội nón lá tượng trưng cho vẻ đẹp truyền thống và thanh lịch người phụ nữ thập niên 30, cô gái đang đứng bên bờ sông, một cảnh hậu cảm giác bình yên và thoải mái.

Đây là một tác phẩm trên triệu đô của họa sĩ Mai Trung Thứ. Trong năm, đầu tháng 4 bức “Chân dung cô phượng” đã lập kỷ lục 3,1 triệu đô, đây là một năm tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ liên tiếp lập kỷ lục về giá.

Mai Trung Thứ, tác phẩm “Lady Playing a Nguyet Cam” (Thiếu nữ chơi đàn nguyệt), sáng tác năm 1943, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 73 x 61 cm.

Bức tranh “Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” là tác phẩm chốt mức giá một triệu USD bao gồm thuế phí trong phiên đấu hồi tháng 11/2021 của Bonhams.

Xét riêng về các sáng tác về thiếu nữ của Mai Trung Thứ, tuy số lượng không nhiều, nhưng có một sức hấp dẫn vô cùng lớn. Ngoài một không khí rất truyền thống được tạo lập, kỹ thuật vẽ lụa được ông phô diễn nhiều với ánh sáng mờ ảo đặc biệt phủ lên chủ thể. Tranh tĩnh nhưng giàu tình cảm, chất thơ và tinh tế. Đặc biệt trong tác phẩm này, ông đã cho người xem một khung cảnh thiếu nữ chơi đàn nguyệt bay bổng, sâu sắc, tinh tế và dịu dàng. Đôi tay mềm mại, và điêu luyện, thể hiện sự tinh tế tài năng.

Khi nhìn vào sự nghiệp của Mai Trung Thứ, suốt nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, ông bằng ngôn ngữ hội họa đã truyền tải ra thế giới một Việt Nam mộng mơ với những khung cảnh trữ tình và giàu tính tự sự. Và nói về tài năng của ông, quả thực như danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) đã từng đưa ra nhận định: “Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ”.

Lê Quang

share facebook