ALIX AYMÉ: SAY MÊ VỚI MẢNH ĐẤT ĐÔNG DƯƠNG

share facebook


Alix Aymé (Alix Angèle Marguerite Hava) sinh năm 1894 tại Marseille, miền nam nước Pháp. Bà từng là giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đồng thời có công góp phần chấn hưng nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

 


Những phụ nữ trong rừng. Sơn mài. 150 x 200 cm.
Đấu thành công tại Sotheby's năm 2019 với mức giá 151.394 USD.

Là một họa sĩ nữ hiếm hoi ngoại quốc tới khám phá và gắn bó lâu dài với văn hóa Việt Nam thông qua con đường nghiên cứu, sáng tác hội họa, Alix Aymé đã để lại cho hậu thế các tác phẩm vừa khái quát hiện thực của nghệ thuật châu Âu ngấm sâu trong bản ngã, vừa nâng cao giá trị bền bỉ của nghệ thuật Á Đông qua những trải nghiệm viễn du khắp chốn. Bà từng có dịp ghé thăm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và dành nhiều tình cảm ở mảnh đất Đông Dương. Đây là nơi đem đến cho bà không chỉ những đề tài sáng tác mới mà còn ươm trong bà một nội tâm sâu sắc muốn khai phá tường tận những chất liệu phương Đông. Bà dành thời gian nghiên cứu tranh khắc gỗ, vẽ minh họa (chủ yếu cho tờ tạp chí Les Pages Indochinoises), sơn dầu và tranh lụa.


Trái - Chân dung em bé. Vẽ khoảng năm 1930. Tranh lụa. 27 x 20 cm.
Phải - Người đàn bà nằm. Vẽ khoảng năm 1960. Tranh lụa. 23.5 x 31.5 cm.

Trong thời gian ở tại Việt Nam, bà cũng tham gia giảng dạy tại trường Quốc học Huế (1928), trường Trung học Albert Sarraut (1931) và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tuy chưa rõ thời gian bắt đầu và kết thúc nhưng trong “Niên bạ hành chính Đông Dương” có lưu lại tên bà trong phần Đại học Đông Dương năm 1935 (lúc này trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẫn là một phần của Đại học Đông Dương). Tại đây, dưới sự chỉ đạo của Joseph Inguimberty, Alix Aymé đã cùng các học trò của trường Mỹ thuật nghiên cứu và vẽ thử nghiệm trên chất liệu sơn mài. Riêng với sơn mài, đối với Alix có lẽ còn hơn cả một chất liệu vẽ mà còn là một vùng đất mang cho bà nhiều cảm hứng, không chỉ với cá nhân bà khi sáng tác mà còn là hành trình truyền bá cho lớp kế cận để cách tân và phát triển, khám phá thêm những khả năng chưa được biết đến của sơn mài ở Việt Nam. Bà với sự tâm huyết quan sát và tìm hiểu còn tỉ mỉ soạn ra ghi chép về sự phát triển của sơn mài ở Đông Dương để đăng trên tạp chí nghiên cứu Hải ngoại số 12 năm 1952.


Trái - Chân dung thiếu nữ. Vẽ khoảng năm 1940. Sơn mài. 35.2 x 24.2 cm.
Phải - Chân dung thiếu nữ. 1964 - 1965. Sơn mài. 45 x 30 cm.

Nhắc tới các tác phẩm của Alix Aymé, trong đó hàm chứa cả tinh thần hiện đại phương Tây và màu sắc của phương Đông. Bà thường xuyên vẽ về đề tài thiếu nữ, trẻ em và cuộc sống nhộn nhịp ở Đông Dương – nơi bà sinh sống và dành nhiều thời gian thăm thú. Bất kể đó là một khu phố chợ tấp nập của người Lào, sông Mekong, một thoáng cảnh chùa, những mái nhà san sát, một đám trẻ, một người thiếu nữ, một người mẹ hay khung cảnh trữ tình trong xưởng họa tại Hà Nội, Alix Aymé đều vẽ với tâm hồn tha thiết và nét bút tỉ mỉ chú tâm. Bởi vậy, nhiều tác phẩm của bà được đưa vào các bộ sưu tập quan trọng ở khắp nơi trên thế giới và cả tại Việt Nam.


Trái - Hai em bé An Nam. Vẽ khoảng năm 1970. 48 x 60 cm.

Phải - Ba đứa trẻ. Sơn mài. 44.7 x 25.2 cm.

Cho tới bây giờ, trên thị trường đấu giá công khai, Alix Aymé vẫn đang là một trong những tên tuổi họa sĩ nổi bật và được giới sưu tập trong nước săn đón. Riêng từ năm 2022 tới thời điểm hiện tại tổng giá trị giao dịch công khai tác phẩm của Alix Aymé tại nhà đấu giá Aguttes đạt 1.843.565 euro cho 17 tác phẩm. Kỷ lục về giá của một bức tranh do Alix Aymé vẽ cũng được chính nhà đấu giá này gõ búa vào năm 2021 với giá 322.600 euro - tác phẩm “Thiếu nữ khỏa thân bên hoa sen” có sự tham gia đấu của nhà sưu tập từ Pháp, Hồng Kông và Việt Nam.


Thiếu nữ khỏa thân bên hoa sen. khoảng năm 1938. Sơn dầu trên toan. 68 x 109 cm.
Giá gõ búa 322.600 euro. Đấu tại Aguttes ngày 07 tháng 06 năm 2021.

Tựu trung lại, không chỉ chứng minh sự kiên định, niềm yêu thích của bà với một miền đất Đông Dương, những gì Alix Aymé – môt người thầy Pháp tận tụy để lại cho Mỹ thuật sơn mài Việt Nam cùng tài năng có một cá tính riêng đậm nét đã khiến các sáng tác của bà có một vị thế nhất định trong cộng đồng sưu tập, bảo trợ nghệ thuật và giới mộ điệu Việt.

 

(Lê Quang)

share facebook