Vũ Cao Đàm ( 1908 - 2000 )
Vũ Cao Đàm ( 1908 - 2000 )
Chân dung của một người phụ nữ, khoảng năm 1935. Mực và bột màu trên lụa
Sưu tập từ cuộc đấu giá nhà Christies.
TỨ KIỆT TRỜI ÂU: PHỔ - THỨ - LỰU - ĐÀM
Bốn họa sĩ bao gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm là bốn sinh viên thụ hưởng nền giáo dục của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sang Pháp những năm 30 thế kỷ 20 với nhiều vọng ước. Họ đã đóng góp cho nghệ thuật nước nhà những bảng màu riêng và tạo lập nên một bộ tứ huy hoàng trời Âu với sức ảnh hưởng rộng khắp.
LÊ PHỔ (1907 - 2001)
Lê Phổ (1907 - 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts d'Indochine). Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp không chỉ từ mỹ cảm trong tranh lụa thời Đường, Tống ở Trung Hoa mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu hội họa Tây Phương. Khi còn theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu cũng chính là góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật để từ đó các sinh viên phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp.
Tổng hòa ở hội họa Lê Phổ là âm hưởng của sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Trong đó, Việt Nam hiện lên thông qua áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá. Cùng với đó, những chủ đề tình cảm, lãng mạn, nhiều vọng ước và tâm tư như hoạt cảnh gia đình, tình mẫu tử, phơi phóng áo quần, đọc thư, đọc sách, tĩnh vật hoa cũng nhiều lần được ông khai thác trên hai chất liệu chủ đạo là màu dầu và tranh lụa.
MAI TRUNG THỨ (1906 - 1980)
Danh họa Mai Trung Thứ hiện là họa sĩ đang nắm giữ kỷ lục về giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3.1 triệu đô - tác phẩm “chân dung cô Phượng”. Ông sinh ngày 10.11.1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kế tem bưu chính. Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời.
Theo tiến trình thời gian, các sáng tác của Mai Trung Thứ đi từ cảnh sinh hoạt bình dị của nông thôn Việt Nam, phong cảnh cố đô cùng các vùng phụ cận do có nhiều trải nghiệm trực tiếp cho tới khi về sau này sang Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức và chuyển từ sơn dầu sang tranh lụa. Trong suốt hơn 40 năm ở Pháp, có đôi lúc ông vẽ nhân vật là người ngoại quốc, còn lại, chủ yếu người xem tìm thấy chất trữ tình và giàu tự sự về cố quốc ở những thiếu nữ kiều diễm, những thú vui tao nhã như thưởng trà, tản bộ, làm thơ, chơi đàn, đám trẻ học bài, nô đùa hoặc tắm mát. Những chủ đề ấy đa dạng, nhiều liên tưởng, chan chứa xúc cảm, có tính chuyển động cao và truyền tải góc nhìn lý tưởng về văn hóa Việt Nam. Nói về tài năng của ông, như danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) đã từng đưa ra nhận định: “Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ”.
LÊ THỊ LỰU (1911 - 1988)
Lê Thị Lựu sinh ngày 19 tháng 1 năm 1911 tại làng Thổ Khối tỉnh Bắc Ninh, mất năm 1988 tại Pháp. Năm 1927, bà đỗ vào khóa III trường Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1932. Một năm sau khi tốt nghiệp, bà được bổ nhiệm về dạy ở trường Bưởi, trường Trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat) và trường Nữ sư phạm (hiện là trường Trưng Vương, Hà Nội). Năm 1934, bà kết duyên cùng kỹ sư canh nông Ngô Thế Tân và chuyển vào Sài Gòn sinh sống năm 1935. Tại đây, bà tham gia giảng dạy ở trường nữ sinh bản xứ hay còn gọi là trường Áo Tím (hiện là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), cộng tác đóng góp các bức vẽ ký họa cho báo Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới. Sau đó năm 1938, bà bị lao và phải trở về Hà Nội điều trị. Năm 1939 bà lại quay về dạy ở trường Bưởi, trường Nữ sư phạm và cùng chồng sang Pháp năm 1940.
Đặt chân tới Pháp đúng khoảng thời gian diễn ra chiến tranh thế giới, Lê Thị Lựu cùng chồng phải đi lánh nạn, mưu sinh và hiếm khi nào có thời gian tập trung vẽ nên phải tạm nhiều năm rời xa hội họa. Sau chừng mười lăm năm, bà mới tái hợp với nghệ thuật và chọn tranh lụa là chất liệu chính cho hội họa của mình. Nhìn nhận về các sáng tác trải dài cùng năm tháng của bà, ở đó luôn có những luồng ánh sáng êm dịu, mộng mơ mà cũng hoài cổ cùng nét bút mềm mại, chủ đề đa dạng từ chân dung, phong cảnh, phụ nữ, thiếu nhi. Tranh bà để lại cho hậu thế không nhiều, lưu lạc ở nhiều nơi và đa phần đều là tranh lụa hoặc sơn dầu. Đó đều là các sáng tác mang một thứ ánh sáng mỹ học của phương Tây nhưng vẫn ấp ôm hồn Việt. Trải qua nhiều năm vẽ, các tác phẩm của bà tuy không nhiều nhưng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng bởi những chủ đề rung động lòng người và kỹ thuật xử lý chất liệu rất riêng.
VŨ CAO ĐÀM (1908 - 2000)
Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông với những chủ đề gần gũi. Vũ Cao Đàm (1908 - 2000), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L'École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, người thân, các giảng viên, con vật,...) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, mang ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.
Hội họa của Vũ Cao Đàm cân bằng giữa nhiều quan sát của ông trong những chuyến thăm thú để nghiên cứu ngôn ngữ thực hành với nền tảng hình khối vững của điêu khắc. Có một thời gian do sống ở vùng Vence, được tiếp xúc với những danh họa như Henri Matisse và Marc Chagall nên các sáng tác của ông cũng tiếp nhận một phần ảnh hưởng. Song song với kỹ thuật vẽ ngày càng được tinh luyện, ông thường xuyên tìm về để khắc họa những hình ảnh đậm nét dân tộc như hình ảnh phụ thân trang nghiêm, thiếu nữ đàm đạo, tình mẫu tử và một số hình ảnh mô phỏng trích đoạn trong thơ văn như “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn hoặc danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Bốn họa sĩ Việt với bốn cá tính riêng biệt trong hội họa, nhưng các sáng tác của họ đều mang tính điển hình về gìn giữ hồn Việt. Những cống hiến của họ với hội họa không chỉ làm giàu thêm kho tàng hội họa nước nhà mà còn góp phần ghi dấu tên tuổi hội họa Việt Nam trên bản đồ hội họa thế giới.