“TRÍ - LÂN - VÂN- CẨN” GIỮA BÌNH MINH CỦA HỘI HỌA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

share facebook

“TRÍ - LÂN - VÂN- CẨN” GIỮA BÌNH MINH CỦA HỘI HỌA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại nếu không kể tới một bộ tứ Trí - Lân - Vân - Cẩn sẽ là thiếu sót lớn. Những đóng góp to lớn của họ về ngôn ngữ thực hành hội họa ở thế kỷ 20 nhiều biến động vừa mang tính định hướng, vừa làm giàu thêm nền móng mỹ thuật nước nhà bấy giờ còn đang non trẻ.

Nguyễn Gia Trí – Wikipedia tiếng Việt

NGUYỄN GIA TRÍ (1908 - 1993)

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí theo học khóa III trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó bỏ dở một thời gian. Mãi sau này, ông được duyên thấy một tác phẩm sơn mài do Trần Quang Trân sáng tác nên mới quyết tâm theo học lại, chuyên chọn bộ môn sơn mài và tốt nghiệp năm 1936. Chính từ một nguyện vọng phụng sự và tận hiến cho chất liệu sơn mài, ông cùng với họa sĩ Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu đều là những người đã nhìn ở địa hạt này muôn vàn điều kỳ thú và cùng các họa sĩ đương thời phát triển một chất liệu bản địa đến thời kỳ cực thịnh trong khoảng những năm từ 1938 đến năm 1944. Cuộc tìm kiếm nghệ thuật ở nguyễn Gia Trí không đặt ở bối cảnh thực tế hằng ngày. Hầu hết các sáng tác của ông đều đi sâu vào âm hưởng rạo rực của vùng hư ảo thông qua một bảng màu tươi sáng, rực rỡ chỉn chu với tài năng làm chủ kỹ thuật sơn mài điêu luyện. Ông vẽ nhiều về đề tài thiếu nữ, mô-típ bình phong nhiều tấm tạo thành khổ lớn, nhân vật trong tà áo dài dân tộc, điệu đà bay bướm, linh biến hài hòa giữa thiên nhiên khoáng đạt. Trong các tác phẩm cái toát ra đôi khi chan chứa hoài niệm, lúc hoan ca, rực cháy như một khát khao mãnh liệt và cũng có lúc êm dịu như một khúc tự tình. Hai trong số đó kể tới như kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (1969 - 1989) và “Bình phong” (1944) cho tới nay đã được công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, dù có thời kỳ sau những năm 1950, tiềm thức thẩm mỹ của Nguyễn Gia Trí đặt nhiều vào tranh trừu tượng để bộc lộ nội tâm song cuối đời ông vẫn tìm về với vẻ đẹp mộng mơ, lộng lẫy của sơn mài truyền thống.

NGUYỄN TƯỜNG LÂN (1906 - 1946)

Trong tứ kiệt “Trí - Lân - Vân - Cẩn”, họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1946), học trò khóa IV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là người có rất ít tư liệu viết về, vẽ nhiều nhưng tới ngày nay không còn nhiều tác phẩm được thống kê và lưu trữ. 40 năm tuổi đời, trong đó có hơn 18 năm sống với hội họa, ông được biết tới như một tài năng xuất chúng khi thành thạo đưa các màu nguyên chất vào tranh mà vẫn giữ cân đối nhã nhặn về tổng thể. Thanh lụa của ông khoác lên mình phần nào ảnh hưởng của tranh lụa thời Đường, thời Tống ở Trung Quốc và cả tranh lụa Nhật Bản. Ông lĩnh hội mạnh mẽ và triệt để sự diệu huyền của chất liệu này không chỉ nằm ở bề ngoài sự vật mà phải đi sâu vào tinh chất bên trong. Trên mạch ấy, các sáng tác của ông có thể thức trình bày đặc biệt Á Đông, giải phẫu hình thể trau chuốt với độ tập trung cao. Viết về Nguyễn Tường Lân, tại triển lãm Mỹ thuật của SADEAI (Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ) năm 1935, báo Ngày nay có lời bình xét: “...Bức họa “Hiện vẻ hoa” cô con gái ngồi yên lặng dưới rèm cửa vừa cuốn của Nguyễn Tường Lân làm ta nghĩ đến những mỹ nhân, nét bút linh diệu, nhẹ nhàng của họa sĩ Tàu và Nhật Bản. “Trên đường Bắc Kạn” cũng là một bức họa đẹp, nét vẽ giản dị, màu không nhiều. Ông Lân năm nay đã tỏ ra là một họa sĩ có bản năng, các hình màu đã rõ rệt, không còn mịt mù như trước nữa.” Ông mất năm 1946 khi đang đương chức giáo sư tại trường Trung học Chu Văn An và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Hà Nội, dẫu có một đời ngắn ngủi nhưng tên tuổi của Nguyễn Tường Lân vẫn để lại những ảnh hưởng lớn cho mỹ thuật Việt Nam một thời.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân - Nhân cách lớn của nền hội họa Việt Nam - designs.vn

TÔ NGỌC VÂN (1906 - 1954)

Theo lời Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân (1906 - 1954) là một họa sĩ chân chính, một trong những người anh lớn của mỹ thuật Việt Nam. Tô Ngọc Vân là sinh viên khóa II trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được đánh giá là một tài năng xuất chúng trong việc sử dụng màu dầu. Khi chuyển từ trường Sisowath ở Phnom Pênh về dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939, ông đã có một nền tảng vững chắc về tranh sơn dầu, đặc biệt là sơn dầu vẽ về thiếu nữ. Một góc nhìn mang tính cách tân hơn hội họa đương thời đã được đưa vào giảng dạy. Ông hô hào một nền nghệ thuật mới trên phương diện tôn trọng hiện thực xã hội Việt Nam. Ông vẽ tác phẩm “Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ” trình bày trước công chúng hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc một cách chân thực và sinh động. Ông vẽ một loạt tác phẩm về thiếu nữ “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”, “Thiếu nữ bên hoa sen” đầy mỹ cảm, biểu hiện của thời đại và vẽ cảnh “Nghỉ đêm trên đồi”, “Đốt đuốc đi học” khắc họa rất rõ không khí bấy giờ. Ở hội họa của Tô Ngọc Vân nói lên nhiều thứ, trong đó ngoài những tình cảm dạt dào là sự nghiêm cẩn về hình khối nhưng trái lại, tự do về hòa sắc. Cấu trúc về hội họa của ông toát lên một vẻ bác học giữa quan sát tinh tường và tổng hòa các gam màu mạnh khác nhau từ xanh da trời biếc đến đỏ, vàng, cam, hồng tươi tắn được điểm vào với sự tiết độ vừa phải. Đứng trước một cuộc giao thoa văn hóa lớn với kỹ thuật Tây phương, ông đã đối thoại dõng dạc trực tiếp tới người xem bằng thứ ngôn ngữ của người nghệ sĩ với đầy tự hào dân tộc. Không chỉ là một người nghệ sĩ, ông còn là một trong số ít ỏi nhà phê bình mỹ thuật đương thời. Gìn giữ một kỷ niệm lâu dài về ông, khóa học thứ II và cũng là khóa đầu của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về thủ đô giải phóng (sau chiến thắng Điện Biên Phủ) đã được đặt tên là khóa Tô Ngọc Vân 1955 - 1957. Cho tới ngày nay, trong số các sáng tác của ông, tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Trần Văn Cẩn - Tiểu Sử Cuộc Đời, Sự Nghiệp & Tác Phẩm - Kiệt Tác Nghệ Thuật

TRẦN VĂN CẨN (1910 - 1994)

Trong lớp người trước của mỹ thuật nước nhà, họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) là tên tuổi quá đỗi thân thuộc. Ông và thế hệ của ông là những cá nhân gánh vác trách nhiệm tất yếu - đi đầu cuộc tiếp biến nghệ thuật  u châu vào bản sắc Việt những thập niên đầu thế kỷ 20. Ông học khóa VII Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, niên khóa 1931 - 1936 cùng Lưu Văn Sìn, Nguyễn Gia Trí,... Không kể những chức danh quan trọng ông từng nắm giữ mà chỉ xét riêng về hội họa, Trần Văn Cẩn đã tiếp thu đầy đủ và bài bản phép tắc màu dầu của người phương Tây để chọn một lối giao tiếp bình dị, vừa độ không chỉ với cảnh quan thẩm mỹ nước nhà những năm tháng đó mà mãi cho tới ngày nay vẫn còn vẹn nguyên chất tình. Dẫu vậy, tình cảm trong tranh ông sáng tác cũng không gò bó theo một trường rộng lớn, trái lại, chủ thể nằm gọn trong cuộc đời ngay trước mắt. Đa phần trong đó, ý thức thẩm mỹ của ông thiên nhiều về thiếu nữ trong đủ mọi lứa tuổi và hoạt cảnh thời đại. Có những người con gái ngồi an lặng, gội đầu, đan len hoặc dạo chơi trong vườn, trong ca gác hay em bé nhìn trực diện người xem với vẻ trong sáng, ngây ngô bất kể hiện thực giăng đầy biến cố thời cuộc. Có những cô thôn nữ hồ hởi hăng say lao động và cũng có cả người mẹ đưa võng chăm con sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Hiện thực ông trình bày không nhuốm màu gay gắt cao trào mà chỉ nhẹ nhàng dẫn dắt người xem đến với những tin yêu cuộc đời trao tặng. Ngoài thiếu nữ, ông còn bước vào các đề tài mang tính chính trị và thời sự để phản ánh hiện thực dựng xây đất nước. Trong số các sáng tác ông để lại, “Em Thúy” đã được công nhận Bảo vật Quốc gia. Trong làng hội họa, cho dù đã nhiều năm qua đi, tên tuổi của bộ tứ Trí - Lân - Vân - Cẩn tới nay vẫn còn vang mãi. Những đóng góp trong nhiều vai trò của họ đã dự phần đưa đến nền mỹ thuật phát triển và trù phú của nước nhà ở thời điểm hiện đại, đồng thời khẳng định một nội lực mạnh mẽ gìn giữ bản sắc dân tộc của lứa họa sĩ tinh tường.

Lê Quang

share facebook