Trần Đông Lương – Họa sĩ tài hoa của mỹ thuật Việt
Trần Đông Lương – Họa sĩ tài hoa của mỹ thuật Việt
Họa sĩ Trần Đông Lương (1925-1993) là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ông sống lặng lẽ, cả cuộc đời gắn bó với chất liệu lụa và để lại những bức tranh có giá trị đặc biệt. Họa sĩ Trần Đông Lương cũng là họa sĩ duy nhất có thể vẽ điêu luyện bằng cả 2 tay nhờ vào khổ luyện.
Vốn khiêm nhường, kín tiếng, lúc sinh thời, ông chưa từng “mở” triển lãm cá nhân. Sau khi bị liệt tay phải thì càng hạn chế giao tiếp, chỉ làm việc tại nhà và chủ yếu vẽ chân dung. Trần Đông Lương rất kỹ tính. Có những tác phẩm người mẫu ưng ý lắm rồi mà ông vẫn muốn sửa đi sửa lại cho thật hoàn hảo.
Họa sĩ Trần Đông Lương chuyên vẽ lụa giống như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nhưng theo một phong cách khác hẳn. Điều đặc biệt là Trần Đông Lương chỉ vẽ thiếu nữ thành thị, đặc biệt là các cô gái Hà thành. Tranh của họa sĩ Trần Đông Lương thoạt nhìn có vẻ mang tính chất hàn lâm, bám sát vào người mẫu nhưng kỳ thực ông bị cảm xúc chi phối rất mạnh. Ông vẽ theo cảm giác, theo một thứ logic nào đó một cách siêu hình mà người ta vẫn gọi là “hư ảo”. Tài năng vẽ hình họa ở khóa Kháng chiến (1950 – 1954), phải kể đến 3 người: Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân và Nguyễn Trọng Kiệm. Trần Đông Lương vẽ hình vừa có sự vững chắc của Nguyễn Trọng Kiệm vừa có chất “bay bay” của Lưu Công Nhân, nhưng khác với Lưu Công Nhân, ở Trần Đông Lương có sự cẩn thận tỷ mỉ chậm rãi, đó cũng là thế mạnh của ông.
Bảng màu hội họa Trần Đông Lương thăng bằng trong không gian cổ điển. Màu sắc vừa vặn trong khuôn hình mềm mại. Những đường lượn hiện lên trong tranh mịn màng mà gợi cảm. Tài năng của Trần Đông Lương còn thể hiện trong nét vẽ rất nhẹ nhàng, khoan thai, đét-xanh sắc sảo chỉ với một đường lượn. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là về khả năng lay động lòng người, tranh của Trần Đông Lương trước và sau khi ông bị liệt tay phải không hề khác biệt.
Một trong những thử thách lớn đối người vẽ lụa là phải “nuôi” được cảm hứng qua cả quá trình nhuộm màu, rửa màu, đợi khô, rồi lại nhuộm, lại rửa…. Nếu không giữ được mạch cảm xúc, tác phẩm sau cùng sẽ “khô khan”. Hầu hết tranh chân dung phụ nữ của Trần Đông Lương được vẽ vô cùng thanh thoát, dịu dàng với những mảng mầu óng mượt, trong trẻo, êm nhẹ cùng những dáng nét thanh tân mềm mại, tràn trề nhựa sống, đẹp mơ màng như thể họa sĩ không dụng sức. Thật khó tin là những tác phẩm này lại được Trần Đông Lương vẽ bằng tay trái (sau một thời gian dài chữa trị sau khi bị tai biến, liệt nửa người, phải nằm một chỗ).
Các nhân vật trong tranh lụa Trần Đông Lương dù khuôn mặt, vóc dáng khác nhau, nhưng có điểm chung: ít nhiều mang thần thái của người phụ nữ Hà Nội, vừa nghiêm ngắn, thanh lịch, vừa tươi tắn lại thoáng chút mộng mơ. Khi vẽ, ông quan sát người mẫu rất kỹ, rồi “phác” lại chỉ bằng vài nét gợi. Càng về sau này, Trần Đông Lương càng tiết giảm mầu sắc, vàng cũng chỉ phơn phớt vàng, xanh cũng chỉ phơn phớt xanh, khiến tác phẩm gần như là đơn sắc. Ông cũng tối giản chi tiết, chỉ dùng các mảng mầu lớn, khiến tranh lụa vốn có tính mềm mịn, thanh nhã, nay “qua tay” họa sĩ, lại càng thêm phần huyền ảo, mơ màng.
Ngay từ đầu, Trần Đông Lương đã chọn lụa, chất liệu vô cùng mềm mại, thanh khiết, đặc biệt hợp với những họa sĩ có “tạng chất” hiền lành, nho nhã. Có thể ví việc ông tìm thấy lụa mang ý nghĩa như một nhà thơ tìm ra thi tứ của đời mình. Chính nhờ hiểu tường tận “đời sống” của lụa nên dù vẽ bằng tay trái hay tay phải, vẽ tranh bố cục, đề tài hay chân dung, nét bút của Trần Đông Lương vẫn luôn tinh tế, mượt mà, thanh nhã sang trọng, đem lại rung cảm sâu lắng và cả sự nhẹ nhõm, sảng khoái cho người thưởng tranh.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện lưu giữ hai tác phẩm để đời của Trần Đông Lương, đại diện cho thời kỳ xung sức nhất của ông: “Anh hùng lao động – Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch” và “Tổ thêu”.
Đăng ký tham gia đấu giá, liên hệ với Le Auctions để được sự hỗ trợ đặc biệt nếu quý khách ở xa.
NGHỆ THUẬT VIỆT NAM THẾ KỶ 20 – PHIÊN ĐẤU CỦA NHÀ ĐẤU GIÁ LE AUCTIONS. Ngày 10/3/2024 tại Aqua Central 44 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội.
Một số tác phẩm của họa sĩ trong phiên đấu giá
Tác phẩm nông trường, kích thước 48x34cm, chất liệu mực và chì trên giấy
Tác phẩm: Cô gái kích thước 40x60cm,chất liệu giấy
Tác phẩm: Thiếu nữ, chất liệu phấn mầu trên giấy,kích thước 52 x 76cm năm sáng tác 1985