Phiên đấu giá tranh Việt "Thế Kỷ 20" tại Paris, Pháp

share facebook

 

Lịch sử đã để lại cho thế hệ sau nhiều điều thú vị tò mò, lẫn sự đam mê khiến cho người yêu mến tranh luôn khao khát được sở hữu những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng thời xưa. Bên cạnh đó, ngay cả những tác phẩm của họa sĩ đương đại tên tuổi cũng được giới đam mê săn lùng. Vào thứ ba vừa rồi, ngày 20/6/2023 theo giờ Việt Nam, tại Nhà đấu giá Leducq (Paris, Pháp) đã diễn ra phiên đấu giá tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng Việt Nam thế kỷ 20. Trong số các tác phẩm tham gia đấu giá, có cả tranh của hoạ sĩ thời kỳ "Đông Dương”, “Kháng chiến, “Đương đại”. Hầu hết đều là các hoạ sĩ nổi tiếng, tranh của họ luôn được giới sưu tập chú ý và âm thầm săn lùng với giá cao. Số tiền phải bỏ ra để sở hữu các tác phẩm ấy không hề nhỏ, đặc biệt trong tình hình kinh tế hiện nay đang rất khó khăn, vậy mà những bức tranh quý đều được gõ búa một cách gay cấn nhanh chóng là điều thú vị mà ít ai nghĩ rằng đó là sự thật.

 

Trải qua nhiều biến cố lịch sử và quá trình sáng tác riêng biệt của từng họa sĩ, rất nhiều tác phẩm quý giá của Việt Nam đã bị thất lạc. Một số lượng lớn chúng đã chuyển ra nước ngoài, một phần nằm trong tay các nhà sưu tập tranh tại Việt Nam, ngoài ra còn rất nhiều tranh quý hiện chưa biết đang ở đâu, chưa thấy xuất hiện và luôn là câu hỏi mà giới chuyên môn muốn biết đáp án. Do vậy, những phiên đấu giá thế này được diễn ra thực sự luôn là tâm điểm thu hút giới săn lùng tranh. Theo quan sát, nhu cầu sở hữu dường như lớn hơn số lượng tranh mà các nhà đấu giá đưa ra, dẫn đến số lượng người tham gia đấu giá ngày một đông hơn và giá tranh cứ tăng theo thời gian.

 

Phiên đấu lần này mang tên ARTS D’ASIE, BIJOUX, MOBILIER & OBJETS D’ART (ĐỐI TƯỢNG NGHỆ THUẬT, TRANG SỨC, NỘI THẤT & NGHỆ THUẬT CHÂU Á) của nhà đấu giá Leducq, có trụ sở tại Paris-Pháp. Phiên đấu được diễn ra dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 374 tác phẩm, trong đó bao gồm hơn 20 tác phẩm tranh của các họa sĩ Việt Nam được sáng tác trải dài qua các thời kỳ Đông Dương – Kháng chiến – Đương đại. Tất cả chúng đều được các nhà sưu tập săn đấu nhiệt tình và đạt mức giá cao.

 

 

Một số tác phẩm tiêu biểu trong phiên đấu:


“Ngựa bên sông”, Jean Volang
Sơn dầu, 50 x 64 cm.

Võ Lăng, còn gọi là Jean Volang (1921-2005). Ông theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa XVI (1942-1945). Di cư sang Pháp năm 1949, ông nổi bật bởi khí chất của một nghệ sĩ màu sắc, người đã tổng hợp một cách táo bạo di sản của hội họa hiện đại, từ trường phái Dã thú đến trường phái Hậu ấn tượng. Cảng Norman, ngõ hẻm của Paris hay Venice, chân dung, tĩnh vật và ngựa là những chủ đề yêu thích của ông.


 


Lời khuyên của sư thầy”, khoảng 1927 , Nguyễn Tường Tam.
Bản khắc gỗ màu trên giấy, 73,5 x 43 cm.

Nguyễn Tường Tam được biết đến nhiều hơn với bút danh Nhất Linh. Ông theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa I (1925-1930). Từ năm 1925, ông tham gia đợt quảng bá đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương với tư cách là một thiếu tá. Ở đó, ông hay lui tới với Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, rồi từ bỏ sự nghiệp nghệ thuật bằng cách từ chức vài năm sau đó để chuyển sang làm nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà báo và nhà xuất bản. Mặc dù các tác phẩm hội họa của ông tương đối hiếm, nhưng ảnh hưởng trí tuệ của ông đã giúp hình thành một thế hệ văn học hoàn toàn mới, khiến Nguyễn Tường Tam trở thành một nhân vật thiết yếu trong đời sống văn hóa và chính trị của thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam.

 

“Những người bán hoa ở hồ Hoàn Kiếm”, Phung Fu, khoảng năm 1935.
Sơn dầu, 60 x 130 cm.

Phung Fu là một nghệ sĩ hoạt động ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của nghệ sĩ đã được đưa ra đấu giá nhiều lần và từng được bán ra với giá 190.431 USD tại Sotheby's Paris vào năm 2022. Đây là một minh chứng cho sự đánh giá rất cao của giới sưu tập dành cho họa sĩ.


“Chân dung người bên bồn rửa”, Trần Trọng Vũ, 2005.
Acrylic trên màng nhựa gương, 126 x 80 cm.

Trần Trọng Vũ (1964), là con trai út của nhà thơ Trần Dần và là chồng của nhà văn Thuận. Đậu trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1987. Năm 1989 ông du học Pháp và học tại Trường Mỹ thuật Quốc gia, Paris. Ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những họa sỹ đương đại hàng đầu tại Châu Âu. Trần Trọng Vũ là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được trao giải Pollock-Krasner 2011-2012, bởi Quỹ nghệ thuật Jackson Pollock - Lee Krasner tại New York (Mỹ). Đây là quỹ quốc tế uy tín chuyên hỗ trợ các nghệ sĩ có tài năng đã được công nhận.


Thần nữ ở Angkor”, Trần Hà, 1945.
Phấn màu và bút chì sáp trên giấy màu, 42 x 58 cm.


“Nhà sàn truyền thống”, Trần Hà, khoảng 1960.
Tranh sơn mài đa sắc, 40.8 x 62.5 cm.

Họa sĩ Trần Hà, tức Trần Văn Hà, là một trong những tên tuổi lẫy lừng cả về sáng tác mỹ thuật lẫn mỹ nghệ. Ông sinh năm 1911, mất năm 1974 tại Sài Gòn, là học trò của hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VI (1930-1935). Ông từng thành lập xưởng sơn mài Trần Hà vang bóng một thời.

 


“Thuyền neo đậu”, Lê Bá Đảng.
Acrylic trên vải, 46 x 61 cm.

Họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015) là một họa sĩ, thợ khắc và nhà điêu khắc nổi tiếng. Ông có nhiều tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao, từng được chính phủ Pháp phong “Chevalier de l’ordre des Arts et des Lettres” (Hiệp sĩ của Huân chương Nghệ thuật và Văn chương) năm 1994 và được trao tặng nhiều danh hiệu khác nhau ở Hoa Kỳ, Anh và Việt Nam.


“Chợ ngựa ở một làng quê Bắc Bộ”, 1980, Nguyễn Văn Bình.
Mực in trên lụa, 31,5 x 43 cm
.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bình (1917-2004), tốt nghiệp khóa 12 Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trong kháng chiến chống Pháp ông là hoạ sĩ báo Cứu quốc Khu IV (1947-1950), hoạ sĩ Xưởng hoạ Liên Khu IV (1950-1954). Ông có nhiều công lao trong sự nghiệp đào tạo mĩ thuật như trở thành giảng viên, trưởng ban Giáo vụ Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam từ năm 1955 đến 1979. Năm 2001 hoạ sĩ Nguyễn Văn Bình đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I.


“Gia đình quan lại”, Bùi Hữu Hùng
Sơn mài nhiều màu trên pa-nô, 122 x 244 cm.

Họa sĩ Bùi Hữu Hùng (1957) từng tham gia các lãm quốc tế trong và ngoài nước với nhiều tác phẩm khác nhau. Ông nổi tiếng với các tác phẩm vẽ trên chất liệu sơn mài theo kỹ thuật cổ điển và sơn bản địa.


“Đôi hươu trong rừng”, Trường Mỹ thuật Đông Dương, khoảng năm 1940.
Sơn mài nhiều màu và vàng, 100 x 100 cm.


Một tác phẩm của Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn bước sang thập niên 1940. Tác phẩm này trên hết phản ánh hình tượng động thực vật đặc trưng của nhiều họa sĩ Đông Dương nổi tiếng, cũng như việc sử dụng kỹ thuật sơn mài phù điêu với những điểm nhấn bằng vàng rất tinh tế.


“Đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội”, Đinh Văn Lịch, 1953.
Sơn mài đa sắc trên gỗ, 33 x 45 cm.


Họa sĩ Đinh Văn Lịch (1916-?) thuộc một gia đình thợ sơn mài đã có công phát triển nghệ thuật sơn mài ở làng chuyên nghề sơn mài Hạ Thái, từ năm 1937 đến năm 1954. Ông là em ruột của 2 nghệ nhân sơn mài họ Đinh: Đinh Văn Dần và Đinh Văn Thành (người được xem là đóng vai trò hàng đầu trong việc tái khám phá và giảng dạy sơn mài như một phương tiện nghệ thuật ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng với Joseph Inguimberty). Là một nghệ sĩ sơn mài hàng đầu, Đinh Văn Lịch rất có thể đã làm việc cùng với những nghệ sĩ giỏi nhất của Trường Mỹ thuật Đông Dương như Phạm Hậu. Sản phẩm cá nhân của ông, được ký tên và đôi khi có đóng dấu, chủ yếu có từ đầu những năm 1950. Nó có thể được làm tại các xưởng gia đình ở Hà Nội hoặc quanh Hà Thái, quê gốc của ông mà ngày nay vẫn còn là làng chuyên sơn mài, thợ thủ công.


“ Xe kéo”, Trần Văn Bình, 1989.
Sơn mài nhiều màu trên bảng điều khiển, 52 x 75 cm
.

 

Họa sĩ Trần Văn Bình (1955-2016) là một trong những họa sĩ thiết kế trưởng thành trong thời kỳ những năm 1970-1980. Ông theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp hệ trung cấp khoa Mỹ thuật truyền thống - Ngành sơn mài năm 1976.


"Cá đỏ sung túc", xưởng Thành Lễ, khoảng 1970.
Bảng sơn mài nhiều màu, 90 x 180 cm.

Vang danh miền Nam với các dòng đồ mỹ nghệ cao cấp trong thế kỷ 20, Thành Lễ đã có rất nhiều thành tích lớn như huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964, huy chương bạc do Bộ Kinh tế miền Nam Việt Nam trao năm 1968, bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969, huy chương và bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1970 và huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970 (Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn). Xưởng sản xuất Thành Lễ được tổ chức quy mô tại Bình Dương và có khả năng đáp ứng những đơn đặt hàng lớn ở nước ngoài bên cạnh những hợp đồng trang trí cho những công trình mang tính lịch sử của Sài Gòn trước năm 1975.


Phong cảnh truyền thống với thuyền”, Nguyễn Quang Bảo, thập niên 1950.
Sơn mài đa sắc trên pa-nô. 24 x 30,5 cm.


Họa sĩ Nguyễn Quang Bảo sinh năm 1929. Các tác phẩm của ông đã được đưa ra đấu giá nhiều lần, với giá thực tế từ 1.329 USD đến 16.765 USD, tùy thuộc vào kích cỡ và chất liệu của tác phẩm. Kể từ năm 2018, giá kỷ lục của ông khi đấu giá là 16.765 USD cho bức kim bảng đề danh (Obtenir les meilleures notes aux examens impériaux) , được bán tại Millon & Associes vào năm 2020.


“Cá vàng, biểu tượng của sự sung túc
”, Trần Phúc Duyên, 1951.
Hộp bằng sơn mài nhiều màu, 20 x 20 cm.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông gia nhập Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1942, chuyên ngành sơn mài. Tài năng của ông nhanh chóng được công nhận, bằng chứng là vào năm 1950, chính phủ Pháp đã lựa chọn tặng một trong những tác phẩm sơn mài của ông dưới dạng bình phong cho Giáo hoàng Pie XII và được lưu giữ trong Bảo tàng Vatican. Nhiều cuộc triển lãm trên khắp các nước Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và cả Canada đã cho thấy danh tiếng và tài năng xuất sắc của ông.

Phiên đấu đã kết thúc với kết quả các tác phẩm hầu hết đều đạt được mức giá rất tốt. Việc những tác phẩm của các họa sĩ Việt ngày càng tăng giá trên thị trường, dẫu trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, là một minh chứng cho sự phát triển lớn trong những năm gần trở lại đây. Nhu cầu ngày một tăng cao, số lượng người đam mê sưu tập ngày một lớn. Số lượng tranh thì hạn chế, có thể nói cung không đủ cầu, vậy nên buộc sự cạnh tranh giá tăng dần theo năm tháng là minh chứng rõ ràng, là câu trả lời chính xác nhất cho chúng ta biết tới.
 


(Văn Khánh)

 

 

 

 

 

share facebook