PHIÊN ĐẤU CHRISTIE’S NGÀY 27 “NGHỆ THUẬT THẾ KỶ 20”- HỘI TỤ CÁC BẬC THẦY.

share facebook

Tiếp sau phiên đấu thành công rực rỡ tối qua, chúng ta đến với phiên đấu gồm 51 tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 20 - cũng là một phiên đấu rất đáng giá đến từ nhà đấu giá Christie’s Hong Kong. Phiên đấu diễn ra lúc 13 giờ Hong Kong với đa dạng loại hình hội họa từ quốc tế nói chung đến Đông Nam Á nói riêng, trong đó có sự góp mặt của những cái tên đã quá quen thuộc với giới nghệ thuật Việt Nam - các bậc thầy: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Nguyễn Tường Lân.

Phiên đấu diễn ra nhân dịp đánh dấu lễ khai trương trụ sở mới của Christies tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương ở The Henderson. “Nghệ thuật Thế kỷ 20” với tuyển chọn các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng, tóm tắt sự giao thoa mang tính cách mạng giữa Đông và Tây trong lịch sử nghệ thuật hiện đại.

Phiên đấu giá giới thiệu các bức tranh của các nghệ sĩ nổi tiếng từ Đông Nam Á. Một bức tranh quan trọng của nữ nghệ sĩ Philippines Anita Magsaysay-Ho sẽ dẫn đầu phần này, cùng với các khung cảnh Bali của Miguel Covarrubias và Adrien-Jean le Mayeur de Merprès, cùng với một danh sách thú vị các tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong Singapore và các bậc thầy Việt Nam, bao gồm Cheong Soo Pieng, Nguyễn Tường Lân, Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.

 

NGUYỄN TƯỜNG LÂN (1906-1946)
Dans les lotus (Among the Lotuses) Vẽ khoảng 1933
Ký tên ‘NTLAN 1933’ (phía trên bên phải) ký và ghi ngày 'NT Lan 1933' (phía dưới bên phải); ký và ghi tựa đề (mặt sau)
Mực và màu bột trên lụa
46.5 x 78 cm. (18 1⁄4 x 30 3⁄4 in.)

Gõ búa 2.500.000 HKD + 26% phí, tổng 3.150.000 HKD tương đương 404.990 USD.

 

Tác phẩm trong phiên đấu hôm nay là “Giữa những đóa sen”, vẽ khoảng 1933 - khi Nguyễn Tường Lân vừa mới tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa thứ 4 (1928-1933), ông đã vẽ lên bức tranh lụa mực và màu bột tuyệt đẹp khổ lớn này - nơi mà sự tươi mới, trí tưởng tượng và ý nghĩ của họa sĩ hòa quyện trong niềm hân hoan.

Dans les lotus (Giữa những đóa sen) là tựa đề được ghi ở mặt sau bức tranh. Đó hẳn là một dụng ý, trong khi ông có thể đã đặt tên nó là "những đóa sen"- một chi tiết ngữ nghĩa nhỏ nhưng tiết lộ một phần tâm tư giấu kín trong tác phẩm. Giữa những đóa sen, trọng tâm của bức tranh là một người phụ nữ trẻ, được khéo léo nhấn bởi màu đen như mực của mái tóc và màu nâu của chiếc thuyền (hoặc bè) tre mà cô ngồi. Họa sĩ đặt cô gái lệch về phía trên bên trái của bố cục, nghiêng mặt, trong một cử chỉ đón hoa vô cùng tinh tế. Một đóa sen đã nở rộ đặt giữa những đóa bên vẫn đang nở hoặc còn búp.

 

MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
Leçon de boxe (Boxing Lesson), vẽ khoảng 1952.
Ký tên “Mai Thu” và ghi ngày phía trên bên phải
Mực và màu trên lụa
38.4 x 46.4 cm. (15 1⁄8 x 18 1⁄4 in.)

Gõ búa 500.000 HKD + 26% phí, tổng 630.000 HKD tương đương 80.900 USD.

 

Danh họa Mai Trung Thứ hiện là họa sĩ đang nắm giữ kỷ lục về giá cho một tác phẩm tranh Việt với mức 3.1 triệu đô - tác phẩm “chân dung cô Phượng”. Ông sinh ngày 10.11.1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kế tem bưu chính.

 

Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời.

 

MAI TRUNG THỨ (1906-1980)
L’élégante Interrogation (The Elegant Questioning), vẽ khoảng 1943
Ký tên và ghi ngày ‘MAI THU 1943’ (upper left)
Mực và màu bột trên lụa bồi trên bảng
55.5 x 46 cm. (21 7⁄8 x 18 1⁄8 in.)

Gõ búa 2.200.000 HKD + 26% phí, tổng 2.772.000 HKD tương đương 355.600 USD.

 

Hai người phụ nữ trong tác phẩm đều mặc áo dài, cô gái đội khăn kiểu Bắc Kỳ được phủ một chiếc khăn choàng hoa bằng nhung lụa hai lớp màu, trong khi người còn lại có mái tóc chải ngược ra sau đeo một chiếc vòng cổ đơn giản. Cả hai chiếc áo dài đều được may theo kiểu mới, được sáng tạo ra vào những năm 1930 ở Hà Nội bởi Nguyễn Cát Tường (1912-1946), còn được biết đến với tên LeMur, một nhà thiết kế thời trang và nghệ sĩ sáng tạo cũng tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1933. Địa điểm và những nhân vật trong tác phẩm này đều mang những yếu tố của tầng lớp giàu có Việt Nam - tầng lớp của Mai Thứ, con trai của Mai Trung Cát (1857-1945), một quan chức cao cấp trong triều đình Huế.

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000)
Dans la campagne (In the Countryside), Vẽ khoảng 1972.
Ký tên và ghi ngày ‘Vu cao dam 72’ (phía dưới bên phải) Ký tên và tựa đề ‘Dans la campagne vu cao dam 1972’ (mặt sau)
Sơn dầu trên vải
114.5 x 146.5 cm. (45 1⁄8 x 57 5⁄8 in.)

Gõ búa 1.400.000 HKD + 26% phí, tổng 1.764.000 HKD tương đương 226.300 USD.

 

Vũ Cao Đàm (1908 - 2000), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L'École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, người thân, các giảng viên, con vật,...) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, mang ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000)
Dame aux cerisiers en fleurs (Lady with Cherry Blossoms), vẽ khoảng 1949
Ký tên ‘vu cao dam’ (Phía dưới bên ph
ải)
Mực và màu trên lụa
45.5 x 37.5 cm. (17 7⁄8 x 14 3⁄4 in.)

Gõ búa 900.000 HKD + 26% phí, tổng 1.134.000 HKD tương đương 145.500 USD.

 

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000)
Le guerrier (The Warrior), vẽ khoảng 1964
Ký tên ‘Vu cao dam 64’ (Phía dưới bên phải); ký và ghi tựa đề 'Vu cao dam 64 New York Le guerrier' (mặt sau)
Sơn dầu trên vải
114.3 x 146.7 cm. (45 x 57 3⁄4 in.)

Gõ búa 1.600.000 HKD + 26% phí, tổng 2.016.000 HKD tương đương 258.600 USD.

 

Ba tác phẩm tham gia phiên đấu hôm nay cũng đã thành công đem về mức gõ búa cao không ngoài mong đợi. Vẫn là bộ chủ đề quen thuộc thường thấy trong tranh Vũ Cao Đàm, ông vẽ những chiến binh, những nàng thơ của mình trong các khung nền được khắc họa đầy màu sắc. Với nét vẽ mạnh mẽ, rõ ràng nhưng khi nhìn sâu vào tranh ta vẫn thấy được nét dịu dàng ẩn trong hội họa Vũ Cao Đàm.

Hội họa của Vũ Cao Đàm cân bằng giữa nhiều quan sát của ông trong những chuyến thăm thú để nghiên cứu ngôn ngữ thực hành với nền tảng hình khối vững của điêu khắc. Có một thời gian do sống ở vùng Vence, được tiếp xúc với những danh họa như Henri Matisse và Marc Chagall nên các sáng tác của ông cũng tiếp nhận một phần ảnh hưởng. Song song với kỹ thuật vẽ ngày càng được tinh luyện, ông thường xuyên tìm về để khắc họa những hình ảnh đậm nét dân tộc như hình ảnh phụ thân trang nghiêm, thiếu nữ đàm đạo, tình mẫu tử và một số hình ảnh mô phỏng trích đoạn trong thơ văn như “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn hoặc danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Tiếp sau đó, trong phiên có sự xuất hiện của 3 tác phẩm khổ lớn của danh họa Lê Phổ:

 

LÊ PHỔ (1907-2001)
Le premier âge (The Newborn), vẽ khoảng 1970
Ký tên ‘Le pho’ (phía dưới bên phải); ký tựa đề và mô tả 'W.F. Findlay Chicago Le premier âge' (mặt sau)
Sơn dầu trên vải
115 x 146.5 cm. (45 1⁄4 x 57 5⁄8 in.)

Gõ búa 1.700.000 HKD + 26% phí, tổng 2.142.000 HKD tương đương 274.800 USD.

 

LÊ PHỔ (1907-2001)
La lettre (The Letter), vẽ khoảng 1970
Ký tên 'Le pho' (Phía dưới bên trái); Ký tựa đề, số và mô tả :'No 95 Chicago W. Findlay la lettre' (mặt sau)
Sơn dầu trên vải
81 x 60 cm. (31 7⁄8 x 23 5⁄8 in.)

Gõ búa 800.000 HKD + 26% phí, tổng 1.008.000 HKD tương đương 129.300 USD.

 

LÊ PHỔ (1907-2001)
Fleurs de prunier (Plum Blossoms), vẽ khoảng 1960
Ký tên ‘Le pho’ (phía dưới bên phải)
Sơn dầu trên lụa bồi bảng gỗ
92 x 65 cm. (36 1⁄4 x 25 5⁄8 in.)

Gõ búa 800.000 HKD + 26% phí, tổng 1.008.000 HKD tương đương 129.300 USD.

Lê Phổ (1907 - 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts d'Indochine). Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp không chỉ từ mỹ cảm trong tranh lụa thời Đường, Tống ở Trung Hoa mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu hội họa Tây Phương. Khi còn theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu cũng chính là góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật để từ đó các sinh viên phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp.

 

ALIX AYMÉ (1894 - 1989)
Bouquet de fleurs (Flower Bouquet), vẽ khoảng 1950
Sơn mài trên bảng gỗ
41 x 31 cm. (16 1⁄8 x 12 1⁄4 in.)

Gõ búa 180.000 HKD + 26% phí, tổng 226.800 HKD tương đương 29.100 USD.

 

Alix Ayme – vị thầy Tây đáng kính của trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1925, bà dạy vẽ tại trường phổ thông Pháp ở Hà Nội. Năm 1931, Aymé chuyển về Hà Nội và được bổ nhiệm làm giáo sư tại trường phổ thông Albert Sarraut. Ở đó, bà dạy về nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam đã nghiên cứu từ trước, cùng với tranh lụa, tranh khắc gỗ và kỹ thuật vẽ Tempera. Dù không bao giờ trở lại Đông Dương khi Nhật đảo chính Pháp từ 1945, miền đất này luôn ở trong trái tim bà. Bà hầu như chỉ còn vẽ sơn mài và tranh lụa, với chủ đề lấy nhiều cảm hứng từ con người và khung cảnh Đông Dương. Tác phẩm của bà hiện nằm trong những bộ sưu tập tại bảo tàng Louvre, bảo tàng thập niên 30 tại Paris, bảo tàng mỹ thuật La Rochelle, và cung điện hoàng gia Luang Prabang.

Phiên đấu giá cũng đem đến nhiều tác phẩm quốc tế, dẫn đầu là một tác phẩm sống động và mạnh mẽ của Triệu Vũ Kỳ (Zao Wou-Ki) - bậc thầy trừu tượng hiện đại, vẽ năm 2006, toát lên sức sống và năng lượng thông qua một bảng màu hiếm có với sắc hồng và cam đậm đặc.

ZAO WOU-KI (ZHAO WUJI, 1920-2013)
10.04.2006
Ký tên ‘ZAO’ (Phía dưới bên phải); Ký và ghi ngày‘ZAO’, '10 Avril 2006' (trên khung vải)
Sơn dầu trên vải
130 x 154 cm. (51 1⁄8 x 57 1⁄8 in. )
Vẽ khoảng 2006.

Tiếp theo đó là một tác phẩm quý chưa từng được công bố, được giữ trong tay tư nhân hơn 60 năm: một trong ba bức tranh đã xuất hiện và được công bố của Thường Ngọc Dung (Sanyu) khắc họa một quả cầu cưới (globe de mariée).

SANYU (CHANG YU, 1895-1966)
Globe de mariée avec fleurs et hirondelle(Globe de Mariée with Flowers and a Swallow)
Sơn dầu trên vải
52.1 x 27.3 cm. (20 1⁄2 x 10 3⁄4 in.)
Vẽ khoảng những năm 1930s-1940s

Các tác phẩm của những bậc thầy trừu tượng như Kazuo Shiraga, Chu Teh-Chun và Georges Mathieu được trưng bày đối thoại với nhau để thể hiện sự tổng hợp mạnh mẽ của màu sắc và nét vẽ. Các điểm nổi bật khác bao gồm các tác phẩm mang tính biểu tượng của các nghệ sĩ Hàn Quốc như Lee Ufan, Kim Tschang-yeul và Rhee Seundja…

KAZUO SHIRAGA (1924-2008)
Kasshiki
Ký tên tiếng Nhật (phía dưới bên phải); ký và ghi ngày tiếng Nhật (mặt sau)
Sơn dầu trên vải
130 x 97 cm. (51 1⁄8 x 38 1⁄4 in.)
Vẽ khoảng 1986.

 

CHU TEH-CHUN (ZHU DEQUN, 1920-2014)
No. 535
Ký Hán tự và tên 'CHU TEH-CHUN' (Phía dưới bên phải); Ký tên, tựa đề và năm 'CHU TEH-CHUN No. 535 1973' (mặt sau)
Sơn dầu trên vải
100 x 73 cm. (39 3⁄8 x 28 3⁄4 in.)
Vẽ năm 1973

Phiên đấu còn rất nhiều tác phẩm quý giá từ các họa sĩ các nơi trên thế giới. Phiên chính thức đóng với 85% số lot được bán đấu giá thành công, tiếp nối sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật từ các bậc thầy đi trước.

Khánh Linh

share facebook