PHẠM HẬU - PHONG CẢNH NÚI RỪNG
Họa sĩ Phạm Hậu (1903 - 1994), tên đầy đủ Phạm Quang Hậu là một người con Hà Nội. Năm 1920 ông thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng - trường dạy nghề theo nguyên mẫu của châu Âu bấy giờ. Tại đây ông được đào tạo đầy đủ và bài bản qua các nghề từ tiện, nguội, đúc, hàn, phay, gò, đến cả nghề lái xe. Năm 1929, ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương và học cùng các họa sĩ khác như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc, Trần Ngọc Quyên, Nguyễn Văn Long, Phạm Văn Thuần, Trường Đình Hiến và Nguyễn Đình Thước,... Phạm Hậu sử dụng thành thạo hầu hết các loại chất liệu hội họa, ông đa phần vẽ về phong cảnh, đời sống dung dị của người dân và đặc biệt được biết đến là một trong những bậc thầy nổi tiếng về sơn mài. Ngoài ra trong sự nghiệp của Phạm Hậu, ông còn tìm hiểu về nghệ thuật vẽ bút nhiệt trên gỗ (hay còn gọi là bút lửa), vốn là một kỹ thuật hiếm gặp trong hội họa và sáng tác với các chất liệu khác như lụa, màu nước, mực nho,...