NGUYỄN GIA TRÍ – MỘT ĐỜI PHIÊU LƯU VỚI HỘI HỌA
Chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí
Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí theo học khóa III trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó bỏ dở một thời gian. Mãi sau này, ông được duyên thấy một tác phẩm sơn mài do Trần Quang Trân sáng tác nên mới quyết tâm theo học lại, chuyên chọn bộ môn sơn mài và tốt nghiệp năm 1936. Chính từ một nguyện vọng phụng sự và tận hiến cho chất liệu sơn mài, ông cùng với họa sĩ Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu đều là những người đã nhìn ở địa hạt này muôn vàn điều kỳ thú và cùng các họa sĩ đương thời phát triển một chất liệu bản địa đến thời kỳ cực thịnh trong khoảng những năm từ 1938 đến năm 1944.
Bộ sưu tập Le Auctions
Bên trái : Phong cảnh, chì trên giấy can, 25,5 x 45 cm.
Giữa : Phác thảo không tên, Hỗn hợp trên giấy can, 24.5 x 31 cm.
Bên Phải :Phong cảnh, Mực trên giấy can, 27,3 x 46.8 cm.
Cuộc tìm kiếm nghệ thuật ở nguyễn Gia Trí không đặt ở bối cảnh thực tế hằng ngày. Hầu hết các sáng tác của ông đều đi sâu vào âm hưởng rạo rực của vùng hư ảo thông qua một bảng màu tươi sáng, rực rỡ chỉn chu với tài năng làm chủ kỹ thuật sơn mài điêu luyện.
Bộ sưu tập Le Auctions
Bên trái : Phác thảo 3 cô gái, Hỗn hợp trên giấy can, 63,5 x 50 cm.
Bên Phải : Vũ điệu, Hỗn hợp trên giấy can, 86 x 60 cm.
Bộ sưu tập Le Auctions
Bên trái : Cô gái, Hỗn hợp trên giấy can, 49 x 23 cm.
Bên Phải : Phác thảo không tên, Hỗn hợp trên giấy can, 57 x 77 cm.
Ông vẽ nhiều về đề tài thiếu nữ, mô-típ bình phong nhiều tấm tạo thành khổ lớn, nhân vật trong tà áo dài dân tộc, điệu đà bay bướm, linh biến hài hòa giữa thiên nhiên khoáng đạt. Trong các tác phẩm cái toát ra đôi khi chan chứa hoài niệm, lúc hoan ca, rực cháy như một khát khao mãnh liệt và cũng có lúc êm dịu như một khúc tự tình.
Tư liệu phác thảo danh họa Nguyễn Gia Trí, được vẽ trên giấy, giấy dán trên bìa cứng và giấy can với các chất liệu: bút dạ, bút bi, bột màu, sơn then, sơn cánh gián, chì than, màu sáp, màu nước…
Bộ sưu tập Le Auction
Bên trái : Phong cảnh, Mực trên giấy can, 31.5x 37.5 cm.
Bên Phải : Phong cảnh, Hỗn hợp trên giấy can, 24 x 46.5 cm.
Bộ sưu tập Le Auction
Bên trái : Phong cảnh, Mực trên giấy can, 33.5 x 43.1 cm.
Giữa : Chân dung 3 cô gái, Chì trên giấy can, 45,5 x 87.5 cm.
Bên Phải : Phác thảo không tên, Chì trên giấy, 28.5 x 36.8 cm.
Phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được phân chia thành hai hướng chính: tả thực và trừu tượng, với sự đa dạng và phong phú trong từng mảng đề tài. Theo hướng tả thực, ông chủ yếu khai thác vào các chủ đề chính như phong cảnh và phong cảnh sinh hoạt, phác họa nét đẹp của phụ nữ – đây là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. Đôi khi trong các bản phác thảo ta còn thấy chủ đề về sen, về động vật như lân, rồng, ngựa hay tôm, hoặc các phác thảo về lịch sử như “Trận Bạch Đằng” hay “Hai Bà Trưng”.
Theo hướng trừu tượng, các phác thảo trừu tượng của Nguyễn Gia Trí biến đổi khôn lường bao gồm vệt màu sáng tối, hình vẽ đơn giản hoặc phức tạp, đa chiều… Chúng có thể là hoa văn, họa tiết gồ ghề, đường nét tự do,.. Suy cho cùng chúng cũng là những phác thảo thử nghiệm đầy sáng tạo để Nguyễn Gia Trí thực nghiệm trên tranh sơn mài của ông sau này.
Bộ sưu tập Le Auction
Bên trái : Phác thảo không tên, Chì trên giấy, 19 x 24.5 cm.
Giữa : Phác thảo không tên, Hỗn hợp trên giấy can, 13,5 x 28.8 cm.
Bên Phải :Phác thảo không tên, Hỗn hợp trên giấy can, 18.8 x 26.6 cm.
Hai trong số các tác phẩm lớn của họa sĩ phải kể tới như kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (1969 – 1989) và “Bình phong” (1944) cho tới nay đã được công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, dù có thời kỳ sau những năm 1950, tiềm thức thẩm mỹ của Nguyễn Gia Trí đặt nhiều vào tranh trừu tượng để bộc lộ nội tâm song cuối đời ông vẫn tìm về với vẻ đẹp mộng mơ, lộng lẫy của sơn mài truyền thống.
Le Auctions