NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT TRONG MẮT LÊ PHỔ – TỪ GẦN GŨI ĐẾN BIỂU TƯỢNG
Trong giai đoạn đầu khi còn ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Lê Phổ đã định hình một thế giới riêng bằng tranh lụa. Các thiếu nữ Việt trong tranh ông được thể hiện bằng những nét cọ mảnh mai, mềm mại, phối hợp với bảng màu nhã nhặn chủ yếu là lam, trắng, xanh lục để tạo nên cảm giác thanh tịnh như một khúc thiền. Kỹ thuật xử lý màu nước trên nền lụa cho thấy sự điêu luyện trong cách tiết chế và làm chủ độ trong suốt của lớp màu. Ở đây, đường nét không còn chỉ là mô tả ngoại hình mà trở thành công cụ truyền đạt một trạng thái nội tâm, nơi cái nhìn khẽ cụp và bàn tay nâng nón mang theo cả một thế giới tâm hồn.

Sang đến giai đoạn thứ hai sau khi định cư tại Pháp và hợp tác với Galerie Romanet, hoạ sĩ tiếp tục sáng tác tranh lụa nhưng đã thay đổi nền, lụa được bồi lên bảng cứng để tăng độ bền và chiều sâu cho mặt tranh. Dưới tác động của nền hội hoạ Tây phương, Lê Phổ đưa thêm cấu trúc tạo hình vững chắc vào bố cục. Sự uyển chuyển của lụa vẫn được giữ lại nhưng ánh sáng được xử lý có chủ đích hơn, các hình khối trở nên rõ ràng. Trong những tác phẩm như “Phụ nữ”, chất cảm xúc vẫn dịu dàng nhưng đã có thêm một lớp lý trí trong cách phân bố hình ảnh và sử dụng ánh sáng, tạo nên hiệu ứng tương phản giữa sự tĩnh lặng nội tâm và một không gian được sắp xếp chặt chẽ, gần với quan niệm về hội hoạ cổ điển châu Âu.
Giai đoạn cuối trong sự nghiệp của Lê Phổ khi ông hợp tác với Wally Findlay Galleries tại Mỹ là thời kỳ của sơn dầu, rực rỡ, phóng khoáng và mãn nguyện. Không còn giới hạn bởi chất liệu hay định dạng, ông thỏa sức đắm mình trong những bố cục tràn ngập sắc màu, ánh sáng và sức sống. Những thiếu nữ, bà mẹ hay những bình hoa rực rỡ trong tranh giai đoạn này như bước ra từ một giấc mơ phương Nam, nơi mỗi cử chỉ đều mang nhạc tính, mỗi bóng cây đều như có nhịp đập. Màu vàng chói, xanh lá, đỏ thắm được chồng lớp một cách chủ ý nhưng vẫn giữ được sự trong trẻo của lối cảm màu phương Đông. Bút pháp lúc này trở nên nhanh, gọn, đầy bản năng như một nghệ thuật mang tính ca tụng sự sống và khát vọng vươn tới tự do của cái đẹp.

Toàn bộ hành trình hội hoạ của Lê Phổ từ lụa mềm của Đông Dương đến sơn dầu của Paris không chỉ là sự tiến hóa của chất liệu hay bút pháp mà là sự chuyển hoá liên tục của cảm xúc thẩm mỹ. Ông không vẽ người phụ nữ Việt như một mô típ mà như một biểu tượng sống động cho thơ, cho mộng và cho khát vọng hài hoà giữa văn hoá Đông Tây. Và chính điều đó khiến ông trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của hội hoạ Việt Nam thế kỷ XX.
Lê Phổ (1907–2001) tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts de l’Indochine). Hội họa của ông thấm đẫm tinh thần giao thoa văn hóa, vừa tiếp nối mỹ cảm từ tranh lụa thời Đường, Tống của Trung Hoa, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hội họa phương Tây trong khi không ngừng phát triển tinh thần riêng của dân tộc Việt.

Ngay từ thời còn theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu đã trở thành nền tảng kỹ thuật, giúp sinh viên định hình phong cách và khơi mở hướng đi riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được gửi tham dự Đấu xảo Paris năm 1931, một cột mốc đưa ông đến với học bổng du học tại Pháp, khởi đầu cho hành trình viễn du khám phá nghệ thuật châu Âu. Từ năm 1937, Lê Phổ chính thức định cư tại Pháp.
Sự nghiệp của ông có nhiều cách khu biệt giai đoạn, trong đó có thể chia thành ba giai đoạn lớn:
1. Giai đoạn đầu tiên (1920–1945): Các tác phẩm thời trẻ của hoạ sĩ mang tính cổ điển và châu Á trong việc xử lý các chủ đề kỹ thuật. Giai đoạn này bao gồm thời kỳ ông ở Việt Nam và những năm đầu sau khi định cư tại Pháp.
2. Giai đoạn thứ hai - “thời kỳ Romanet” (1945-1962): Được đặt theo tên người chủ phòng trưng bày tại Pháp đã trưng bày các tác phẩm của Lê Phổ trong nhiều năm.
3. Giai đoạn thứ ba - “thời kỳ Findlay” (1963-2001): Liên quan đến phòng trưng bày Wally Findlay ở Hoa Kỳ, nơi trưng bày các tác phẩm của hoạ sĩ cho đến khi ông qua đời.

Thêm vào đó, các chất liệu được Lê Phổ sử dụng tương đối đặc thù. Trước thập niên 50, chủ yếu ông sáng tác trên lụa nhưng đặc biệt ở chỗ, ngoài tranh mực và màu nước trên lụa truyền thống, có một sự chuyển giao, ông vẽ họa phẩm dày như sơn dầu trên lụa. Lụa được bồi trước trên bề mặt kiên cố thường là ván gỗ mỏng cỡ 3mm hoặc masonite. Từ những năm 50, Lê Phổ vẽ sơn dầu nhiều hơn sau khi hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày và có sự tìm hiểu chín muồi về Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp.
Hội họa của Lê Phổ mang nhiều âm hưởng văn hóa độc đáo, đặc biệt là những hình ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam như thiếu nữ mặc áo dài, khăn vấn với mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá, hiếm khi tự họa chân dung. Ông cũng chuyên chú vẽ nhiều về hoạt cảnh đời sống gia đình và tĩnh vật hoa. Hội họa của Lê Phổ chính là kết quả của minh triết phương Đông đan cài với lối vẽ Tây phương. Bởi vậy, kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.
Le Auction House