LẶNG LẼ MỘT DÁNG HÌNH – JOSEPH INGUIMBERTY VÀ CHẤT THƠ CỦA ĐỜI SỐNG

share facebook
Trong số những sáng tác của Joseph Inguimberty, bức ký họa bút chì này ghi lại hình ảnh một người phụ nữ An Nam gánh hàng rong, là một khoảnh khắc đời thường giản dị. Bằng vài nét chì tinh tế, ông khắc họa dáng hình lam lũ nhưng duyên dáng – áo dài phất nhẹ, nón lá che nghiêng, đôi quang gánh nặng trĩu theo từng bước chân trôi.Không gian không nền cảnh, chỉ còn lại nhân vật chính trong thế giới của riêng mình. Sự tối giản làm nổi bật chất thơ lặng lẽ, nơi ta thấy sự đồng cảm sâu sắc của người họa sĩ phương Tây dành cho người Việt.
499576970-122197553822123652-9159421317322958375-n-1747902830.jpg

JOSEPH INGUIMBERTY (1896 - 1971)

Theo lời mời của Victor Tardieu, Joseph Inguimberty (1896 - 1971) - một họa sĩ cổ điển lãng mạn Pháp, đã tới Việt Nam năm 1925 để giảng dạy khoa trang trí Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là người đầu tiên đề xuất ý tưởng đưa sơn ta vào làm một chất liệu vẽ, mở ra một hướng đi mang tính hội họa hơn là sơn mài mỹ nghệ cho các sinh viên bấy giờ. Bên cạnh đó, dưới vai trò giảng viên và với trải nghiệm của mình khi sinh sống tại phương tây, ông cũng tâm huyết truyền bá về nghệ thuật vẽ sơn dầu cho học trò một cách tường tận.

Trong suốt 20 năm sống tại Việt Nam, ông đã để lại nhiều sáng tác tình cảm về con người nơi đây. Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội của ông được tổ chức năm 1929, lấy tiêu đề “Đồng bằng châu thổ Xứ Bắc Kỳ: phong cảnh và hình tượng” là tiếng nói dõng dạc của một người hoạ sĩ say mê quan sát thiên nhiên và đời sống người dân An Nam. Từ những thiếu nữ đi làm đồng tới phong cảnh ao dưới bóng tre hay mùa gặt, ông đều chắt lọc được cái hồn cốt bên trong và kể lại theo một lối vẽ vô cùng trau chuốt..

HỌA SĨ PHÁP VÀ NHỮNG CHUYẾN DU HÀNH TÁI HIỆN ĐÔNG DƯƠNG ĐƯƠNG THỜI

Cuối thế kỷ 19, chuyến viễn chinh của Pháp tới phương Đông đã mở đường cho các cuộc du hành của họa sĩ, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh, văn sĩ với mục đích truyền bá các thông tin về thuộc địa. Xét riêng các họa sĩ, họ đã đặt chân tới Việt Nam không chỉ để khám phá văn minh vùng đất mà còn để lại những cống hiến quan trọng trong việc giảng dạy nghệ thuật cho người An Nam. Trong số đó có thể kể tới những tên tuổi các danh họa nổi bật như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé, André Maire hay Evariste Jonchère,...

Khó có thể phủ nhận được ảnh hưởng của các họa sĩ Pháp tới Việt Nam theo chính sách quảng bá thuộc địa. Ngoài những họa sĩ trên, còn nhiều nghệ sĩ Pháp khác đã sớm đặt chân tới Việt Nam như các họa sĩ Hải quân Gaston Roullet (1847 - 1925), các họa sĩ có trọng trách chuẩn bị triển lãm thuộc địa như Marie Antoinette Boullard-Devé (1890-1970), Joseph de La Nézière (1873–1944),...; nhóm họa sĩ đoạt giải Đông Dương như François de Marliave (1874 - 1953), Charles Fouqueray (1869-1956), Géo-Michel (1883 – 1985), Jean Bouchaud (1891 - 1977), Henri Dabadie (1867 - 1949), Lucien Lièvre (1878 - 1936), Louis Rollet (1895-1988), Louis Bâte (1898 - 1948),... Cuộc viễn chinh của họ không chỉ góp phần củng cố thêm nền mỹ thuật Việt Nam mà còn để lại nhiều ghi chép đa dạng bằng hình vẽ đóng vai trò như một tư liệu lịch sử về kiến trúc, phong cảnh và sinh hoạt đương thời.

Le Auction House

share facebook