HỌA SĨ NGUYỄN TRỌNG KIỆM – NGHỆ THUẬT TRƯỞNG THÀNH TỪ KHÁNG CHIẾN
Học cùng một thầy, sống chung một nhà trong nhiều năm, họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (1934 - 1991), quê tại Hưng Yên chính là người đã cùng Lưu Công Nhân cống hiến hơn 40 năm cho nền hội họa nước nhà. Ông đỗ kỳ tuyển sinh của Trường Mỹ thuật Kháng chiến tháng 1/1950, cùng đợt với Lê Huy Hòa và Lưu Công Nhân và được đánh giá là một trong những học sinh có triển vọng nhất bởi tư chất riêng biệt trong hội họa.
Ra trường, ông sớm tiếp nhận sự ảnh hưởng của các bậc thầy hậu ấn tượng như Vincent Van Gogh và Paul Cézanne. Nguyễn Trọng Kiệm còn được biết tới là người có tinh thần phấn đấu cao trong lao động nghệ thuật, khả năng tự rèn luyện cao, giản dị trong sinh hoạt và khiêm nhường trong xã hội.
Chân dung của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm.
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1960, các sáng tác của ông xuyên suốt mạch chủ đề hướng theo cách mạng kháng chiến chống Pháp. Sau đó khi nước ta bắt tay vào xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông cũng theo sát đề tài này và phản ánh hiện thực rất có tình. Một số các tác phẩm đặc biệt của ông cho tới ngày nay vẫn được nhiều người nhắc tới, trong đó có 15 tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như “Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân (sơn dầu, 1985), “Đứa con ra đời” (Sơn dầu, 1960), “Ghé thăm nhà” (lụa, 1958), “Đứa con nuôi” (Bột màu, 1955), “Tiếng đàn ngoài chợ” (bột màu, 1957), “Xâu kim” (sơn dầu, 1958), “Quán bên đường” (sơn mài, 1960), “Tập đi” (sơn dầu, 1962), “Phát rừng” (bột màu, 1969), “Chuyển gỗ” (giấy xuyến chỉ, 1970), “Người dệt vải” (sơn dầu, 1973), “Phố Hàng Mã” (sơn dầu, 1978), “Bác Hồ ở Pác Bó” (Sơn dầu, 1984), “Chân dung Đặng Thị Khuê” (sơn dầu, 1986) và đĩa sơn mài “Em bé và chim câu.