Hoạ sĩ Lê Văn Xương - người lưu giữ phố Hà Nội

share facebook

Nhắc đến dòng tranh về phố phường Hà Nội, những người có lòng say mê nghệ thuật không thể không nhắc đến hoạ sĩ Lê Văn Xương. Hà Nội dưới góc nhìn của Lê Văn Xương mang trong mình một vẻ nhộn nhịp, vui vẻ đặc trưng của đô thị, nhưng cũng không thiếu đi sự thâm trầm, tinh tế ẩn mình trong từng ngõ ngách phố cổ xưa. Ngoài ra ông cũng nổi tiếng với dòng tranh chân dung sử dụng phấn tiên và bột màu.

 

Hoạ sĩ Lê Văn Xương sinh năm 1917, xuất thân trong một gia đình khá giả chuyên sản xuất đồ gỗ tại Nam Định. Quê gốc của ông ở làng Hoà Chanh, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Ông bộc lộ niềm đam mê hội hoạ từ rất sớm, với sự giúp đỡ của hoạ sĩ Lã Chấn Hưng, anh rể của ông, hoạ sĩ Lê Văn Xương đã tiến bộ rất nhanh trong việc học Mỹ thuật. Tuy nhiên ông không lựa chọn đi theo học tại trường lớp mà thuê thầy về dạy tại nhà. Tới năm 1937, khi hoạ sĩ Nhan Chí (1920 - 1967) từ tỉnh Gia Định ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa XII (1937 - 1942), 2 người đã có duyên kết giao, làm bạn. Thấy hợp tính, Lê Văn Xương đã quyết định mời bạn làm thầy dạy vẽ nâng cao của mình. Lối vẽ chân dung và sử dụng phấn tiên (pastel) của Lê Văn Xương có lẽ ít nhiều ảnh hưởng bởi Nhan Chí. Trong suốt cuộc đời mình, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng.

2222-1713718946.png
Chân dung họa sĩ Lê Văn Xương

Nhắc tới Lê Văn Xương chắc hẳn chúng ta đều nghĩ nhiều tới các con phố Hà Nội và ngoài ra không thể không kể đến các bức chân dung các cô gái dưới xuôi, cô gái vùng dân tộc, các cụ già, ông già. Nói chung, nếu để hiểu sâu về họa sĩ Lê Văn Xương thì chúng ta sẽ cảm phục về quá trình ông sáng tác say mê, miệt mài trên mọi nẻo đường, con phố, vùng cao, mọi vùng miền. Có lẽ, ông là một họa sĩ giàu tình cảm, cây vẽ đã giúp ông thỏa mãn mọi nhớ nhung và hoài bão ước nguyện của ông dành cho nghệ thuật sau này thừa hưởng.

3333-1713718945.jpg

Lê Văn Xương ( Việt Nam 1917-1988 ) Tác phẩm : Hai thiếu nữ

Chất liệu : màu nước trên lụa, kích thước : 43x38cm. Thuộc bộ sưu tập Le House Art.

Tác phẩm hai cô gái bên cây chuối Lê Văn Xương khắc hoạ chân dung theo cách chân thực và gần gũi. Sự pha trộn màu sắc dịu mắt, với chủ đạo là gam màu lạnh nhưng không hề mang vẻ buồn bã. Từng đường nét trên gương mắt cô gái được khắc họa rất đặc biệt bởi đôi môi đỏ, các đường nét đặc trưng phong cách nhìn tranh là ra chất của Lê Văn Xương không thể lẫn vào đâu được. Khác với cách pha màu của các chất liệu khác là pha màu trên bảng màu, với màu nước vẽ trên lụa mà nhìn cứ nhầm là bột màu do cái tài của ông đã làm nhiều người bị nhầm, họa sĩ trực tiếp pha màu vẽ trên lụa. Cách vẽ này khi áp dụng cho vẽ chân dung khiến cho tác giả trở nên như một người thợ trang điểm, tô điểm thêm cho người con gái với những đặc trưng như máu tóc đen, đôi môi đỏ, các đường công tua có những vệt màu đặc trưng,... càng làm cho cô gái thêm phần rạng rỡ. Nếu ai tìm hiểu về tranh họa sĩ Lê Văn Xương, chắc hẳn sẽ nhận ra một điều rằng “ Chữ ký của ông khác nhau trên các chất liệu, nếu cùng chất liệu sẽ là một mẫu chữ ký”. Ông cố tình phần biệt mẫu chữ ký để người sưu tập yêu mến tranh ông dễ nhận biết.

 
44444-1713718949.png
Lê Văn Xương, Tác phẩm Thiếu nữ Hà Thành, chất liệu phấn tiên, kích thước 29,5x22,5cm, năm 1942 (Nguồn: Nhà đấu giá Lynda Trouvé)

Tài năng của ông được khẳng định khi tác phẩm “Thiếu nữ Hà thành” được giới chuyên gia đánh giá cao và đã được đấu giá thành công trên sàn đấu giá Lynda Trouve - Pháp. Tiếp tục thế mạnh của mình với chất liệu phấn tiên, vẻ đẹp của người thiếu nữ toát lên vẻ dịu dàng, trong trẻo, dẫn người xem hoà cùng cảm nhận với sự yêu kiều, quý phái, đúng với cốt cách của người con gái thủ đô. Bức “Thiếu nữ Hà Thành” (tên tiếng Pháp: Portrait d'une jeune femme de Hanoï hay L'Amante du Nord) với kích thước 29,5x22,5cm được họa sĩ Lê Văn Xương sử dụng chất liệu phấn tiên thực hiện với tầng tầng lớp lớp màu mỏng xoa lên nhau, tạo hiệu ứng mặt hoa da phấn kiêu kỳ của các cô gái Tràng An. Bức tranh đã được bán với mức giá 8500 EUR (tương đương hơn 230 triệu đồng). Cũng trong phiên đấu giá này, bức tranh "Phố Hàng Đồng" (chất liệu sơn dầu) của Lê Văn Xương (1917-1988) cũng được gõ búa ở mức giá 6.500 EUR (gần 180 triệu đồng).

55555-1713718949.png
Lê Văn Xương, Tác phẩm Phố Hàng Đồng, tranh sơn dầu, kích thước 42x50cm, năm 1952 (Nguồn: Nhà đấu giá Lynda Trouvé)

Thêm một điểm đặc biệt trong cuộc đời sống với nghề của hoạ sĩ Lê Văn Xương, ông là một trong số những người hiếm hoi có được cho mình một triển lãm cá nhân trong giai đoạn trước năm 1954. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được diễn ra tại Sài Gòn. Ngay tại triển lãm này, ông đã bán được 1 số tác phẩm, chứng tỏ sự thu hút, một vẻ đẹp dễ tiếp cận. Đến cuối năm 1951, ông trở về Hà Nội sinh sống và tiếp tục làm nghề. Có lẽ khoảng thời gian này đã mang lại cho ông nhiều cảm hứng và mong muốn lưu giữ lại những góc phố của thủ đô trong chính những tác phẩm của mình.

img-202404112-165344851-1713693291.jpeg
Lê Văn Xương, Tác phẩm Ô Quan Chưởng, màu trên giấy, 57x40cm, Sưu tầm Le House Art

Năm 1953, ông đã mở triển lãm cá nhân mang tên Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ngay tại nơi mang lại niềm cảm hứng cho ông, trong một không gian đậm chất nghệ thuật, ông đã mang lại một Hà Nội đầy màu sắc. Triển lãm là một thành công lớn, thu hút được giới chính khách, quan chức, doanh nhân và giới yêu nghệ thuật. Báo chí đã dành nhiều "đất" ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. 9/29 tác phẩm được giới thiệu tại Triển lãm đã sớm tìm được người sở hữu. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã viết cảm nhận sau khi tới triển lãm: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”.

777777-1713718947.png
Lê Văn Xương, Tác phẩm Phố nhà tôi, màu trên giấy, 42cm x 53cm, 1987.

Những bức tranh của ông về Hà Nội xưa mang lại một bầu không khí yên bình, nhộn nhịp của chốn phồn hoa mà vẫn giữ được nét gần gũi, làm cho bất kỳ ai cũng có thể thấy mình trong đó. Mỗi bức tranh đều gợi mở những câu chuyện của người xem về kỷ niệm riêng với Hà Nội, những nỗi niềm thân quen như trong mạch máu đã chứa đựng sẵn hương sắc thủ đô. Chỉ cần có người gợi mở, mọi cảm xúc ấy lại cùng nhau vẽ nên những khung cảnh, những hồi tưởng về một đoạn thời gian. Nhưng trên tất cả, đó là thể hiện những diệu kỳ của một nghệ sĩ đã gắn liền tâm hồn vào những nơi chốn luyến lưu nhất. Cách ông chơi màu trong những bức tranh đều có sự thống nhất và vô cùng gần gũi với cảnh thực. Cho người xem cảm nhận rõ được từng chuyển động trong từng nét vẽ, có tác dụng gợi mở rất cao.

Ngày 14/10/1988, họa sĩ Lê Văn Xương đã qua đời tại nhà riêng tại TP Hồ Chí Minh. Để nói về cuộc đời sống với nghệ thuật của ông, dù tên tuổi của ông không thuộc hàng “lão làng” trong giới chuyên gia, nhưng ông và những tác phẩm của mình luôn mang lại những bất ngờ lớn, những trải nghiệm mà người xem đều phải lưu lại trong tâm trí. Máu nghệ sĩ trong ông còn được thể hiện qua tài năng chơi nhiều loại nhạc cụ như violin, piano, mandolin,... Ông đã làm được nhiều điều, đủ để ghi lại dấu ấn riêng của mình trong giới Mỹ thuật Việt Nam.

Phương Chi

share facebook