HỌA SĨ JEAN VÕ LĂNG
Họa sĩ Võ Lăng sinh năm 1921 tại Huế. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật Hy Lạp, La Mã. Năm 1942 ông theo học khóa 16 cùng với Trần Phúc Duyên, Nguyễn Quang Phòng, Đinh Minh, Phan Thông, khóa này chưa học hết 5 năm thì cách mạng tháng Tám thành công, sau này kháng chiến Toàn quốc bùng nổ nên phải dừng lại ở giữa chừng.
Jean Võ Lăng (1921-2005)
Năm 1942 khi còn đang theo học tại trường Mỹ Thuật Đông Dương, ông đã sáng tác rất nhiều tranh vẽ về đề tài Việt Nam. Sau đó năm 1945 1946 ông đã sinh sống tại Hồng Kông 3 năm. Ở đây ông vẽ về bến cảng, thuyền buồm, vịnh biển. Giai đoạn cuối năm 1949 tới năm 2005 ông qua đời là quãng thời gian ông sống tại Pháp. Ở Pháp ông sản xuất phim, thiết kế mỹ thuật điện ảnh, đặc biệt là phim hoạt hình, minh họa sách.
Võ Lăng – Thiếu nữ bên tranh dân gian. Sưu tập tư nhân Hà Nội
Trong truyền thuyết về quá khứ của ông, người Việt Nam này của Paris là tâm điểm của cuộc hội ngộ giữa phương Đông hùng vĩ, huyền bí, riêng tư, chất phác, và một phương Tây cụ thể, vật chất và khoa trương.
Tượng hình, trong trường hợp này, chỉ đơn thuần là một cái cớ cho hội họa, và màu sắc, với độ nhạy cảm được tăng cường trong một không gian mờ hơi nước, đã thoát thai thành những mô dạng căn bản để phục vụ một phong cách rất riêng.
Dấu hiệu đặc trưng cho toàn bộ tác phẩm của Võ Lăng là chất thơ, nơi mọi thứ đều được thể hiện hết sức nhạy cảm và tinh tế.
Trong nghệ thuật này có sự pha trộn giữa tính khoa học và tính ngây thơ; sự giản đơn trong cách vẽ, bố cục hay thậm chí tỷ lệ. Mặt khác, màu sắc được sử dụng cực kỳ tinh tế và từ sự táo bạo của chúng, các sắc độ đẹp đẽ nhất có được đầy đủ mật độ sáng biểu cảm nhất.
Bảng màu của Võ Lăng hiển hiện rực rỡ như pháo hoa bung nở từ trong ra ngoài, và như một ngọn núi lửa phun trào dung nham, nó tỏa ra theo mọi hướng, hàng nghìn tia sáng phát ra từ một tâm điểm, và khiến cho các lớp sơn dày trở nên sinh động.
Bản thân việc sử dụng màu sắc này là một môn khoa học mà chỉ riêng người nghệ sĩ này hiểu thấu, một bậc thầy vĩ đại, với kỹ thuật điêu luyện vô song, đã trở thành một nhà pha chế màu quái kiệt.
Khi khám phá những bức tranh gần đây của Võ Lăng, ta không thể không bị mê hoặc bởi sự quyến rũ kỳ diệu và siêu phàm của sáng tạo đặc biệt này, mà từ chính ánh sáng diệu kỳ của nó toát lên một giai điệu ngọt ngào, hài hòa đầy chất thơ.
Phong cách hội họa này, có nguồn gốc từ thực tại đời sống, không bối rối với những chi tiết vụn vặt mà với sự dịu dàng và tinh tế hiếm có, mang đầy ý nghĩa ấm áp.
Người ta tìm thấy trong sự sáng tạo thuần khiết này một bản năng khiến ta cảm động và tính chân thực về mặt hình ảnh, nơi sự giản đơn của các mặt phẳng góp phần tạo nên sự hài hòa của tổng thể; màu sắc và hình vẽ tạo thành một ngôn ngữ duy nhất.
Võ Lăng – Hoa. Sưu tập tư nhân Hà Nội
Ở đây, màu sắc chiếm vị trí quan trọng và là thành quả của tiến trình nghiên cứu và trên hết, của một sự nhạy cảm tột độ mang đầy trí tưởng tượng thơ mộng; mặt nền tranh, đôi khi được xử lý thành phù điêu với mục đích phục vụ đối tượng được miêu tả; sự thay đổi qua lại của lớp sơn dày và lớp sơn tráng (glaze) là một điều chế du dương toát lên vẻ huyền bí trong một thứ ánh sáng thầm kín và rực rỡ.
Võ Lăng – Trường đua ngựa. Sưu tập tư nhân
Võ Lăng là một họa sĩ lớn, một họa sĩ rất vĩ đại; một số người chỉ vừa mới khám phá ra sự thật này, nhưng đối với hầu hết các nhà sưu tập nghệ thuật, đây chỉ là một xác nhận chính xác về danh tiếng hiện đã được khẳng định của ông, thứ đã vượt ra khỏi biên giới của chúng ta; Marcel Sauvage đưa ra một nhận định rất thích đáng: “Ngày mai Võ Lăng sẽ có được tiếng tăm, vinh quang, và tối đa danh vọng mà ông xứng đáng có được”.
Thật là một niềm an ủi cho thời đại mà “thiên tài” được công nhận quá dễ dãi, lại vừa đồng thời khi có được một phong cách hội họa không giống với bất cứ ai, tạo ra một bước ngoặt giữa trừu tượng và tượng hình, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Sáng tác của Võ Lăng có giá trị trong bất cứ thời đại nào. Nó sẽ đánh dấu thời đại của chúng ta bằng một viên đá quý và sẽ đứng trong lịch sử nghệ thuật như một tác phẩm xuất sắc.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong số vô số các khuynh hướng và nghiên cứu về hội họa, sáng tạo của Võ Lăng vừa đáng kinh ngạc về sự táo bạo trong màu sắc vừa đáng chú ý bởi tính biểu cảm. Nó rời khỏi những lối mòn để tạo ra một tác phẩm cực kỳ cá nhân và hấp dẫn. Chúng ta phải học cách khám phá và hiểu nó bằng tất cả những gì tinh tế nhất của ngôn ngữ.
J.Bardy (bản dịch của Châu Hoàng)