Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - Lịch sử trong từng nét vẽ

share facebook

Có một người họa sĩ cống hiến cả đời với nghệ thuật và đất nước. Ông đã từng tham gia vào hai trận kháng chiến trường kỳ, chiến đấu cho sự tự do và độc lập của đất nước. Ông tham gia học tại hai trường mỹ thuật nhưng chưa từng tốt nghiệp vì tiếng gọi cứu nước luôn thúc dục trong tâm trí. Dù chưa một lần tốt nghiệp, nhưng tài năng của người họa sĩ ấy luôn được đánh giá cao trong cộng đồng nghệ sĩ và người dân yêu mến nghệ thuật. Ông đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời với sự cống hiến và niềm đam mê của một người họa sĩ đích thực. Người họa sĩ ấy có bí danh là Huỳnh Phương Đông.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh năm 1925 tại Bình Hoà, Gia Định. Nguyên quán Kế An, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Từ nhỏ tài năng nghệ thuật của ông sớm được bộc lộ, năm 1940 – 1945 ông thi vào Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia Dinh) khi chỉ mới 16 tuổi. Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, cũng giống như những sinh viên thời ấy ông cùng những bạn học của mình đã tạm gác lại việc học để tham gia chiến đấu nơi tuyền tuyến dù cho sắp đến ngày thi tốt nghiệp. Trong thời gian này ông tập trung sáng tác những bức tranh cổ động cho cách mạng.

Năm 1954 sau khi hiệp định Genève được ký kết, Huỳnh Phương Đông đóng quân tại miền Bắc. Tại đây ông tiếp tục theo học điêu khắc tại Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Hà nội (1957-1963) để nối tiếp việc học còn dang dở của mình. Ông hòa mình vào cuộc sống lao động và ký họa lại những buồn vui, gian khổ của quân dân. Ông đã sử dụng những kiến thức và kỹ thuật điêu khắc của mình để tạo ra những tác phẩm hội họa, tranh đẹp mắt và độc đáo. Trong các tác phẩm của ông, ta có thể thấy được sự chắc gọn trong từng hình khối, nét khúc chiết của từng đường vẽ, tạo nên sự vững chãi của những trận đánh.

Trận La Ngà, 1948, Huỳnh Phương Đông

Năm 1963, một lần nữa phải gác lại chuyện học hành. Ông từ biệt gia đình, vợ và hai con nhỏ để lên đường vào Nam chiến đấu, công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (B11). Trong thời kỳ chiến tranh, việc đổi tên và có bí danh riêng là rất phổ biến để tránh bị phát hiện và đối mặt với những nguy hiểm từ quân địch. Những người miền Nam ra Bắc và sau đó trở lại hoạt động trong Sài Gòn cũng phải tuân thủ quy định này. Điều này cũng đúng với ông, khi ông đã lấy tên con của mình là Huỳnh Phương Đông làm bí danh để giữ an toàn cho gia đình và bản thân.

Tại chiến trường miền Nam, ông cùng các đồng lăn lộn tại khắp các mặt trận nhằm tham gia công tác kháng chiến. Bằng ngòi bút của mình, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã tái hiện lại thực tế chiến đấu khốc liệt, sự hy sinh của những người đồng đội, đồng chí.

“Bàn kế hoạch tác chiến”, Huỳnh Phương Đông

 “Trận Bình Giã” ,1965, Huỳnh Phương Đông

Huỳnh Phương Đông không chỉ là một họa sĩ tài năng, mà còn là một người thầy giáo tâm huyết. Trong suốt thời gian ông làm việc tại chiến trường, ông đã không ngừng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của mình cho các học trò trẻ. Ông đã giảng dạy hai lớp học họa sĩ trẻ tại Đồi Thơ ở Tây Ninh năm 1964 và Đầm Bê (Campuchia) năm 1968, trong khi vẫn tham gia trực tiếp vào các hoạt động chiến đấu.

Sau đó, từ năm 1971 đến 1975, ông là trưởng ban hội họa giải phóng và tiếp tục dạy lớp trẻ họa sĩ. Những học trò của ông đã được truyền đạt những kỹ năng và kiến thức về nghệ thuật của ông, cũng như đam mê và tinh thần cách mạng của ông. Nhiều trong số những học trò của ông đã tham gia cách mạng và trở thành những nghệ sĩ tài năng, đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

“Ca mổ tiền phương”, 1967, Huỳnh Phương Đông

Tất cả những bức ký họa của Huỳnh Phương Đông đều thể hiện được những cảnh tượng đầy đau thương và khốc liệt của chiến tranh, và ông đã phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt như mưa bom, tiếng nổ vang trời của đạn, đại bác và tiếng hô vào của bộ đội trong suốt thời gian ông làm việc tại chiến trường. Những trải nghiệm đó đã ảnh hưởng đến tác phẩm của ông, tạo nên những bức tranh chi tiết và cảm xúc sâu sắc về từng cuộc chiến khiến cho mỗi khi nhìn vào tranh của Huỳnh Phương Đông người xem có cảm giác như đang có mặt tại nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt ấy.

Trên trận địa, 1968, Thuốc nước, Huỳnh Phương Đông

Những bức tranh ký họa chiến sự của Huỳnh Phương Đông không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một chứng nhân lịch sử cho sự hy sinh và can đảm của những người lính và dân chúng trong cuộc kháng chiến chống lại các thế lực xâm lược. Những bức tranh này đã trở thành một phần quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam và được coi là một di sản văn hóa quan trọng của đất nước.

 

"Đồng đội trên đất thép Củ Chi",2011, Huỳnh Phương Đông

Tác phẩm ký họa của Huỳnh Phương Đông

Chiến tranh qua đi, Huỳnh Phương Đông tập trung vào chủ đề phong cảnh, thiên nhiên. Các tác phẩm của ông thể hiện rõ tình yêu quê hương đất nước thông qua những bức tranh phong cảnh miền quê Việt Nam.

Những bức tranh phong cảnh ấy mang một chút nỗi buồn, nỗi đau mà chiến tranh đã để lại cho đất nước. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi nhớ quê hương, khát khao hòa bình và ước mơ về một quê hương không còn chiến tranh trong từng nét vẽ của họa sĩ.

Hương rừng tháng hai, sơn dầu trên vải, 70*70cm. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Tác phẩm "Hương rừng tháng hai" có chủ đề là cảnh vật hoa nở trong rừng núi, phía sau là những ngọn núi trong rừng mở ảo. Phong cách vẽ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông thể hiện sự tinh tế trong việc sử dụng ánh sáng và màu sắc để tạo ra một khung cảnh rừng núi sống động và mộc mạc. Tác phẩm này được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và được trưng bày tại nhiều gallery. Tác phẩm đã được bán với giá trị cao trong các gallery và nhà sưu tập tranh nghệ thuật.

Nhà bên sông, chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 70*70cm. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông. 

Bức tranh “Nhà Bên Sông” của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông cho ta một cảm giác đầy thú vị, tái hiện một khu nhà nhỏ nằm bên bờ sông và 2 chiếc thuyền thơ mộng. Các mảng màu sắc xanh, vàng tạo nên sự hài hòa ấn tượng. Bức tranh 'Nhà Bên Sông' không chỉ tạo ra một khung cảnh thơ mộng, mà còn mang đến cho ta một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và nền văn hóa của người dân. Qua tranh, ta có thể cảm nhận được sự gắn kết và sự sống động, nơi mà người dân sinh sống quanh sông và lướt qua sông mỗi ngày để kiếm sống và tận hưởng cuộc sống bình dị. Với sự bay bổng phóng khoáng trong từng nét vẽ và màu sắc tinh tế, bức tranh “Nhà Bên Sông” của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông chắc chắn sẽ là một tác phẩm nghệ thuật đáng để khám phá và chiêm ngưỡng.

Nhìn lại sự nghiệp hơn 70 năm cầm bút vẽ của mình, có thể nói họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế hơn 20,000 tác phẩm ký họa và sơn dầu, trong đó phần lớn là những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và con người anh hùng. Chính vì lòng yêu nước và tinh thần cách mạng mãnh liệt mà ông đã vượt qua mọi khó khăn, hy sinh để sáng tác những tác phẩm độc đáo, chân thực, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong số ít họa sĩ Việt Nam có khả năng vẽ nhanh và chính xác các khuôn mặt lính, sự kiện trên chiến trường. Ông đã ghi lại bằng tranh những hình ảnh đẹp và sống động về đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hào hùng. Những tác phẩm của ông là tài liệu vô giá mà ông dành tặng cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Chúng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên và lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mỗi người Việt Nam.

Các thành tích đạt được:

  • Huân chương kháng chiến hạng Ba
  • Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất
  • Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam;
  • Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam
  • Huy hiệu Thành đồng Tổ Quốc
  • Huy chương bạc Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc năm 1995
  • Huy chương Đồng Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc năm 1990
  • Giải Nhất tranh cổ động năm 1976
  • Giải Nhất Triển lãm tranh ký hoạ Thành phố Hồ Chí Mình năm 1979
  • Giải Ba về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Nguyễn Quang Diệu tỉnh Đồng Tháp năm 2007
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 năm 2007, cho các tác phẩm: Trận Ấp Bắc (tranh sơn dầu, khổ 100x200cm); Trận Bình Giã (tranh sơn dầu, khổ 110x230cm); Trận La Ngà (tranh sơn dầu, khổ 120x200cm).

Trần Thịnh

share facebook