HOA LÊ PHỔ - TĨNH VẬT HOA (NATURE MORTE)

share facebook
Hoa là một chủ thể quan trọng thường xuất hiện trong các sáng tác kinh điển của Lê Phổ. Ông yêu hoa và nhiều lúc trong tranh ông hoa đứng một mình, trở thành nhân vật chính. Riêng với các bức vẽ tĩnh vật, mỹ học châu Âu ảnh hưởng tới ông đáng kể. Những phi yến, mẫu đơn, tulip, đào, mai, anh túc,... ông vẽ ở Pháp mang nhiều kỹ thuật và tinh thần của các họa sư nước ngoài. Đó đều là những điều trên hành trình trải nghiệm một vùng đất mới, một ngôi nhà mới mà Lê Phổ đã chắt lọc biến thành của riêng để sáng tác.
492242969-122193954404123652-2537841912817015289-n-1745835659.jpg

Tác phẩm “Tĩnh vật hoa” (Nature morte) sáng tác năm 1960, 79,7 x 51 cm, là một ví dụ tiêu biểu cho giai đoạn Lê Phổ hợp tác với phòng trưng bày Romanet. Được thực hiện bằng kỹ thuật sơn dầu trên lụa bồi ván gỗ, bức tranh mang bố cục chặt chẽ với bình hoa xuất hiện ở trung tâm, góc phải trên bàn đặt thêm hộp đựng đồ trang sức bằng sơn mài phổ biến trong mỹ thuật ứng dụng truyền thống Việt Nam nói riêng cũng như châu Á nói chung. Chi tiết này không chỉ tạo thêm chiều sâu, sự hài hòa cho không gian mà còn thể hiện sự tinh tế của nghệ sĩ trong cách chọn, đặt vật thể và đem lại tổng thể phảng phất tinh thần hoài cổ. Đối trọng với chất liệu và hình khối, Lê Phổ vẽ mẫu đơn, phi yến cùng một số loại hoa theo mùa rất sống động với bảng màu nhẹ nhàng, trầm mặc, vừa hiện thực nhưng cũng vừa như trong ảo mộng.

“Tĩnh vật hoa” (Nature morte) không chỉ đơn thuần là một bức tranh hoa mà còn là biểu tượng cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật hội họa phương Tây và tinh thần Á Đông. Bức tranh như một khúc ca vang lên về vẻ đẹp mong manh nhưng trường tồn của thiên nhiên, đồng thời cũng gợi cảm giác như có dáng dấp con người đang hoài thương nhớ cố hương. Tựa như một hồi tưởng lặng lẽ giữa xứ người, “Tĩnh vật hoa” (Nature morte) là nơi Lê Phổ gửi gắm không chỉ tình yêu với cái đẹp mà còn là ký ức và tâm hồn của một người nghệ sĩ mang hai dòng chảy văn hóa hòa quyện trong từng nét cọ.

Lê Phổ (1907–2001) tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts de l’Indochine). Hội họa của ông thấm đẫm tinh thần giao thoa văn hóa, vừa tiếp nối mỹ cảm từ tranh lụa thời Đường, Tống của Trung Hoa, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hội họa phương Tây trong khi không ngừng phát triển tinh thần riêng của dân tộc Việt.

Ngay từ thời còn theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu đã trở thành nền tảng kỹ thuật, giúp sinh viên định hình phong cách và khơi mở hướng đi riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được gửi tham dự Đấu xảo Paris năm 1931, một cột mốc đưa ông đến với học bổng du học tại Pháp, khởi đầu cho hành trình viễn du khám phá nghệ thuật châu Âu. Từ năm 1937, Lê Phổ chính thức định cư tại Pháp.

Sự nghiệp của ông có nhiều cách khu biệt giai đoạn, trong đó có thể chia thành ba giai đoạn lớn:
1. Giai đoạn đầu tiên (1920–1945): Các tác phẩm thời trẻ của hoạ sĩ mang tính cổ điển và châu Á trong việc xử lý các chủ đề kỹ thuật. Giai đoạn này bao gồm thời kỳ ông ở Việt Nam và những năm đầu sau khi định cư tại Pháp.
2. Giai đoạn thứ hai - “thời kỳ Romanet” (1945-1962): Được đặt theo tên người chủ phòng trưng bày tại Pháp đã trưng bày các tác phẩm của Lê Phổ trong nhiều năm.
3. Giai đoạn thứ ba - “thời kỳ Findlay” (1963-2001): Liên quan đến phòng trưng bày Wally Findlay ở Hoa Kỳ, nơi trưng bày các tác phẩm của hoạ sĩ cho đến khi ông qua đời.

Thêm vào đó, các chất liệu được Lê Phổ sử dụng tương đối đặc thù. Trước thập niên 50, chủ yếu ông sáng tác trên lụa nhưng đặc biệt ở chỗ, ngoài tranh mực và màu nước trên lụa truyền thống, có một sự chuyển giao, ông vẽ họa phẩm dày như sơn dầu trên lụa. Lụa được bồi trước trên bề mặt kiên cố thường là ván gỗ mỏng cỡ 3mm hoặc masonite. Từ những năm 50, Lê Phổ vẽ sơn dầu nhiều hơn sau khi hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày và có sự tìm hiểu chín muồi về Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp.

Hội họa của Lê Phổ mang nhiều âm hưởng văn hóa độc đáo, đặc biệt là những hình ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam như thiếu nữ mặc áo dài, khăn vấn với mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá, hiếm khi tự họa chân dung. Ông cũng chuyên chú vẽ nhiều về hoạt cảnh đời sống gia đình và tĩnh vật hoa. Hội họa của Lê Phổ chính là kết quả của minh triết phương Đông đan cài với lối vẽ Tây phương. Bởi vậy, kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.

Lê Quang - Le Auctions
Paris: 26.04.2025 

share facebook