Điềm Phùng Thị và những dấu ấn trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc quốc tế

share facebook

Điềm Phùng Thị (1920 – 2002), tên thật Phùng Thị Cúc, là một người con của Thừa Thiên Huế. Khi đã là một tiến sĩ, bác sĩ, bà tìm đến điêu khắc và được biết đến là một trong những nữ điêu khắc gia tiên phong của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Bằng khả năng sáng tạo độc đáo, đặc biệt với hệ thống “7 mẫu tự”, Điềm Phùng Thị là nữ nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Điềm Phùng Thị sinh ngày 18 tháng 8 năm 1920 tại làng Châu Ê, Huế, Việt Nam và lớn lên trong một gia đình quan lại triều Nguyễn. Bà mồ côi mẹ từ khi mới ba tuổi, theo cha sống thời thơ ấu tại vùng Tây Nguyên và Trung Bộ trong 9 năm trước khi quay về Huế học tiểu học. Năm 1946, Điềm Phùng Thị tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến, bà cũng tham gia phụng sự cách mạng. Vì bị bệnh, năm 1948 bà được đưa sang Pháp điều trị. Sau khi khỏi bệnh, bà tiếp tục học và tốt nghiệp nha khoa tại Pháp.

Chân dung điêu khắc gia Điềm Phùng Thị

Mãi đến năm 1959, bà mới đến với nghệ thuật điêu khắc. Vào năm 1966, bà có cuộc triển lãm đầu tiên tại Galerie des Jeunes, Paris. Tại triển lãm, tượng “mẹ con” của Điềm Phùng Thị được chính phủ Pháp mua lại và đặt trong một công viên trẻ em. Được công chúng đón nhận, hàng chục cuộc triển lãm quy mô vừa và nhỏ của bà liên tiếp được tổ chức khắp các nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ,… 38 tượng đài và motip trang trí theo từng chủ đề của bà được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi Điềm Phùng Thị nổi danh khắp Châu Âu và được nhà văn nổi tiếng kiêm cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp André Malraux dành cho những lời khích lệ như sau “tài năng của Điềm Phùng Thị là hiển nhiên, và hơn nữa đã được thừa nhận.”

Tác phẩm điêu khắc ngoài trời của Điềm Phùng Thị được trưng bày tại Chenevières, Val de Marns (Pháp)

Nghệ thuật điêu khắc của Điềm Phùng Thị có thể chia làm ba giai đoạn:

1. Giai đoạn khởi đầu: Bà học tập tại xưởng của nhà điêu khắc Volti và tự học, sáng tác theo các trường phái điêu khắc khác nhau (chủ yếu là tân và cổ điển). Trong giai đoạn này, các tác phẩm của bà mang đậm dấu ấn hiện thực, hài hòa và gợi cảm, lấy cảm hứng từ hình thể nữ giới với nét huyền bí phương Đông.

Bên trái: Người phụ nữ. Đồng. Ký tên tác giả và đánh số “5/7” Kích thước. 9,5 x 11 x 10 cm. – Giữa: Người phụ nữ nằm khoanh tay. Đồng. Ký tên tác giả và đánh số “5/7”. 5,5 x 12,5 x 5,5 cm. – Bên phải: Người phụ nữ. Đồng. Ký tên tác giả và đánh số “2/7”. 9,5 x 7,5 x 10,5 cm.

2. Giai đoạn xác lập ngôn ngữ riêng: Các tác phẩm trong giai đoạn này mang phong cách độc đáo và hiện đại, dần dần định hình ngôn ngữ sáng tác nghệ thuật của Điềm Phùng Thị. Bà đã dần tinh lọc hình khối, đối tượng thành những yếu tố cơ bản, tạo tiền đề cho sự ra đời của các mẫu tự cũng như cách sắp xếp không gian.

Tác phẩm “Những người phương xa trở lại”

3. Giai đoạn lắp ráp và biến tấu: Bà phát minh ra bảy mô-đun (7 mẫu tự) và khai phá chúng triệt để để tạo ra những tác phẩm độc đáo. 7 mô-đun hình học này được tạo ra khi bà thử nghiệm trên những mảnh gỗ thừa. Chúng chính là những hình khối gốc, có khả năng biến đổi trong không gian, mang lại sự độc đáo trong các sáng tác của bà trên đa dạng chất liệu. Bà chia sẻ: “Sau khi làm ra những mô-đun, tôi chỉ còn việc cấu trúc chúng lại trong không gian cần dựng tượng, bất kể không gian ấy như thế nào. Mỗi tượng đài được tạo dựng theo cách ấy là một tổng thể mới có hồn, có sự sống và kích thước của riêng nó. Tóm lại, tính hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc bằng mô-đun nằm ở sự uyển chuyển trong bố cục và sự đơn giản trong tạo dựng.”

7 mô-đun, ngôn ngữ điêu khắc độc đáo của Điềm Phùng Thị

Khi tận mắt chiêm ngưỡng, các tác phẩm của Điềm Phùng Thị không chỉ là những khối hình mà còn là những câu chuyện phong phú về ánh sáng, bóng tối, màu sắc và chất liệu, thể hiện sâu sắc triết lý phương Đông. Đôi khi trong đó người xem cũng cảm thấy tâm hồn mong manh của một người con viễn xứ và mang nhiều ám ảnh, dày vò về mảnh đất cố hương. Thứ ngôn ngữ bà tạo dựng cho mình để truyền tải những thông điệp ý vị, sâu sắc về con người và cuộc sống ấy là sự siêu đối thoại giữa các hệ giá trị Đông – Tây, hiện đại – truyền thống và kỹ thuật – cảm xúc.

Hai tác phẩm điêu khắc trên chất liệu gỗ và đồng của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị trong giai đoạn sau 1970. Kích thước tác phẩm lần lượt từ trái qua phải: 76 x 30 x 23 cm và 65 x 56 x 54 cm

Những đóng góp to lớn của Điềm Phùng Thị cho nghệ thuật điêu khắc đã được ghi nhận không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Năm 1991, Điềm Phùng Thị được ghi danh vào từ điển Nghệ thuật thế kỷ XX. Năm 1993 bà được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Châu Âu.

Lê Quang

share facebook