Đấu giá tranh Lê Thị Lựu qua các năm

share facebook

Trong bộ tứ Đông Dương tại Pháp, Lê Thị Lựu là nữ họa sĩ duy nhất. Ở thập niên 1930, nữ họa sĩ ấy được nhiều báo trong nước nhắc tới là nữ họa sĩ đầu tiên và tài năng của mỹ thuật Việt Nam.

Lê Thị Lựu sinh ngày 19 tháng 1 năm 1911 tại làng Thổ Khối tỉnh Bắc Ninh, mất năm 1988 tại Pháp. Năm 1927, bà đỗ vào khóa III trường Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1932. Trong năm này, báo Phong Hóa số 18 được phát hành có nhận định được cho là của nhà văn Thạch Lam bàn về Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông ngợi ca cái khéo hơn người đã làm vẻ vang cho phụ nữ nước nhà của Lê Thị Lựu và xếp bà đứng ngang hàng với hai họa sĩ đàn anh khóa trên là Lê Phổ và Mai Trung Thứ.

Một năm sau khi tốt nghiệp, bà được bổ nhiệm về dạy ở trường Bưởi, trường Trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat) và trường Nữ sư phạm (hiện là trường Trưng Vương, Hà Nội). Năm 1934, bà kết duyên cùng kỹ sư canh nông Ngô Thế Tân và chuyển vào Sài Gòn sinh sống năm 1935. Tại đây, bà tham gia giảng dạy ở trường nữ sinh bản xứ hay còn gọi là trường Áo Tím (hiện là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), cộng tác đóng góp các bức vẽ ký họa cho báo Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới. Sau đó năm 1938, bà bị lao và phải trở về Hà Nội điều trị. Năm 1939 bà lại quay về dạy ở trường Bưởi, trường Nữ sư phạm và cùng chồng sang Pháp năm 1940.

Đặt chân tới Pháp đúng khoảng thời gian diễn ra chiến tranh thế giới, Lê Thị Lựu cùng chồng phải đi lánh nạn, mưu sinh và hiếm khi nào có thời gian tập trung vẽ nên phải tạm nhiều năm rời xa hội họa. Sau chừng mười lăm năm, bà mới tái hợp với nghệ thuật và chọn tranh lụa là chất liệu chính cho hội họa của mình.

Nhìn nhận về các sáng tác trải dài cùng năm tháng của bà, ở đó luôn có những luồng ánh sáng êm dịu, mộng mơ mà cũng hoài cổ cùng nét bút mềm mại, chủ đề đa dạng từ chân dung, phong cảnh, phụ nữ, thiếu nhi. Tranh bà để lại cho hậu thế không nhiều, lưu lạc ở nhiều nơi và đa phần đều là tranh lụa hoặc sơn dầu. 

Lê Thị Lựu, tác phẩm Mère allaitant dans un intérieur (Mẹ và em bé), vẽ tại Paris khoảng năm 1962, kích thước 41 x 33 cm. Trong phiên PAINTERS OF ASIA MAJOR WORKS – Họa sĩ Châu Á các tác phẩm quan trọng tại Aguttes, ngày 14 tháng 03 năm 2022. Thành giá: 405.540 EUR tương đương 10,6 tỷ VND.

Tác phẩm Mère allaitant dans un intérieur  (Mẹ và em bé)  khắc họa hình ảnh mẹ bế con đầy âu yếm, được giới thiệu trên thị trường công khai trong phiên ngày 14/04/2022 và nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng sưu tập. Nữ họa sĩ vẽ những nét cọ mảnh, nhỏ trong một bố cục thoáng, nhấn mạnh vào mẹ và em bé . Chính hình ảnh mang tính gần gũi với đời thường ấy đặt trong góc nhìn khác lạ của họa phái Ấn tượng đã khiến bức tranh có một mỹ cảm mới lạ và rất “Lê Thị Lựu”. Bên cạnh kỹ thuật kiểm soát chất liệu có sự dày công nghiên cứu ấy, tình cảm toát ra chính là điều khiến tác phẩm thêm phần đặc biệt.

Lê Thị Lựu, tác phẩm Young girl redoing her mat in front of a low table on which rests a bouquet of flowers (Cô gái trẻ đang trải chiếu trước chiếc bàn thấp trên đó đặt một bó hoa) ngày 29 tháng 06 năm 2021, vẽ Mực và bột màu trên lụa, kích thước 63,5x48 cm. Trong phiên Nghệ thuật Viễn Đông tại Ader, Paris. Thành giá: 217.600 EUR tương đương 5,6 tỷ VND.

Các nhân vật nữ trong tranh của Lê Thị Lựu thường có gương mặt trái xoan, khuôn mặt cân đối, hài hòa, tỏa ra vẻ đẹp cổ điển của người phụ nữ Á Đông. Tác phẩm khắc họa một Không gian yên tĩnh, Hình ảnh cô gái trẻ trông có phần đơn giản, gần gũi nhưng vẫn thể hiện được sự nhẹ nhàng, thanh thoát qua cử chỉ và sự hiện diện của bình hoa tạo ra cảm giác dịu dàng, bình yên trong tác phẩm.

Lê Thị Lựu, tác phẩm Woman and Children (Phụ nữ và trẻ em), vẽ vào khoảng năm 1960, vẽ mực và bột màu trên lụa, kích thước 99x74 cm. Trong phiên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale tại Sotheby, Hồng Kông ngày 18 tháng 04 năm 2018. Thành giá: 6.830.000 HKD tương đương 20,7 tỷ VND.

Cùng với Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, bà là một trong nhóm tứ kiệt Việt Nam sang định cư tại Pháp vào cuối thập niên 1930. Bà đặc biệt thích vẽ các chủ đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Phong cách của bà tương đối cổ điển, nhưng lại nhấn mạnh việc thể hiện cảm xúc thông qua đường nét và màu sắc nhẹ nhàng, và tác phẩm của bà đã góp phần vào sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam. Victor Tardieu, giám đốc Trường Mỹ thuật Đông Dương, thậm chí còn so sánh phong cách của bà với phong cách của Cézanne người Pháp.

Lê Thị Lựu, tác phẩm The Maternity Hospital (bệnh viện phụ sản), vẽ tranh trên lụa, kích thước 54x44,5 cm. Trong phiên Indochina – Chapter 9 tại Lynda Trouvé ngày 26 Tháng Năm, 2019. Thành giá 120.000 EUR tương đương 3,1 tỷ VND.

Trong các tác phẩm tranh của bà Lê Thị Lựu, hình ảnh phụ nữ và trẻ em chiếm vị trí trung tâm. Những hình ảnh này thể hiện sự gắn bó và tình yêu thương sâu sắc giữa mẹ và con cách một cách trừu tượng nhưng đầy cảm xúc. Chủ đề phổ biến về tình mẫu tử được bà Lê Thị Lựu khắc họa mới lạ và đầy cảm hứng qua các tác phẩm tranh.

Lê Thị Lựu, tác phẩm Portrait de Mme Anh Tran (Chân dung chị Anh Trần) , vẽ khoảng năm 1980, vẽ bột màu trên lụa, kích thước 65,5x54,5 cm. Trong phiên Contemporary Art Morning Session tại Christie Hồng Kông, Ngày 24 tháng 11 năm 2019. Thành giá 1.000.000 HKD tương đương 3 tỷ VND.

Các tác phẩm tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo và đầy cảm hứng. Phong cách này được thể hiện bởi các nét vẽ mềm mại, thanh thoát nhưng cũng sắc sảo, đầy nội lực. Những nét vẽ như thể phản ánh chân thật tâm hồn và cá tính mạnh mẽ của một người phụ nữ Việt Nam.

Lê Thị Lựu, tác phẩm La Confidence (Tâm sự của phụ nữ) , vẽ khoảng năm 1938, vẽ mực và bột màu trên lụa, kích thước 41,5 x 33 cm. Trong phiên Contemporary Art Morning Session tại Christie Hồng Kông, Ngày 24 tháng 11 năm 2019. Thành giá: 2.500.000 HKD tương đương 7,5 tỷ VND.

Lê Thị Lưu yêu thích chủ yếu sáng tác về thiếu nhi, thiếu phụ, thiếu nữ. Với chủ đề thiếu nữ, bà tôn vinh nhan sắc và sự duyên dáng của người phụ nữ Việt. Qua các nhân vật có gương mặt trái xoan hài hòa, nét đẹp tinh tế và trang nhã. Các nhân vật trong tranh của bà mang nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Mặt trái xoan cân đối, hài hòa. Đôi mắt hiền hoà, thường đượm buồn.

Lê Thị Lựu, tác phẩm Mè re et E nfant (Mẹ và Con), sáng tác khoảng năm 1960, vẽ mực và bột màu trên lụa, kích thước 63 x 49 cm. Trong phiên Contemporary Art (Morning Session)​ ngày 26 tháng 05 năm 2019 tại Christie Hồng Kông. Thành giá: 1.625.000 HKD tương đương 4,9 tỷ VND.

Cách thể hiện màu sắc trong tranh của Lê Thị Lựu được thấm nhuần phong cách hội họa ấn tượng của phương Tây. Các tác phẩm có độ hòa sắc tươi sáng. Khác với các họa sĩ còn lại trong bộ tứ Đông Dương ở điểm chia mảng, các mảng màu trong tranh của bà được thể hiện chồng lớp lên nhau, tạo chiều sâu cho bức tranh.

Lê Thị Lựu, tác phẩm eune Mère ( Người mẹ trẻ) , sáng tác khoảng năm 1984, vẽ dầu trên canvas, kích thước 92x73 cm. Trong phiên Paintings of the 19th and 20th Centuries including Asian Painters and Contemporary Art tại Aguttes, Paris ngày 25 Tháng 06, năm 2018. Thành giá: 143.000 Eur tương đương 3,7 tỷ VND.

Bức tranh thể hiện quan hệ gắn bó và trân trọng nhất trong đời một người phụ nữ: “tình mẫu tử”. Hình ảnh mẹ ôm con ru trên lòng thể hiện tình yêu vô điều kiện mà một bà mẹ dành cho con. Người mẹ được khắc họa với nét đẹp thanh thoát, trang nhã nhưng vẫn giữ chất Việt ở chi tiết khăn áo, phục trang. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của vai trò người mẹ trong văn hóa ở xã hội truyền thống Việt Nam.

Lê Thị Lựu, tác phẩm Children Picking Flowers (những đứa trẻ đang hái hoa) , sáng tác khoảng năm 1966, vẽ tranh trên lụa, kích thước 64,5x54,5 cm. Trong phiên Modern and Contemporary Southeast Asian Art tại Sotheby Hồng Kông Ngày bán 01 Tháng 04 năm 2018. Thành giá: 1.625.000 HKD tương đương 4,9 tỷ VND.

Hình tượng các em bé hái hoa trong bức tranh rất giản dị nhưng xúc động, thể hiện một góc nhìn tự nhiên, trong sáng và ngây thơ của nghệ sĩ về tuổi thơ. Đây là một đề tài được Lê Thị Lựu ưa thích và khai thác trong nhiều tác phẩm của mình. Tác phẩm thể hiện kỹ thuật vẽ sơn dầu tinh tế và sang trọng. Không gian và màu sắc tươi sáng, ấm áp trong tác phẩm mang đến cảm giác dịu dàng, nhẹ nhàng.

Đúc kết lại, hội họa của Lê Thị Lựu mang một thứ ánh sáng mỹ học của phương Tây nhưng vẫn ấp ôm hồn Việt. Trải qua nhiều năm sáng tác, các tác phẩm của bà tuy không nhiều nhưng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng bởi những chủ đề rung động lòng người và kỹ thuật xử lý chất liệu rất riêng. Do vậy, ngoài bộ sưu tập do gia đình bà trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay các sáng tác của Lê Thị Lựu cũng đang được nhiều nhà sưu tập có gu đưa về cố hương và đưa vào nhiều bộ sưu tập quan trọng. 

Trần Thịnh

share facebook