Danh họa Lê Bá Đảng
Lê Bá Đảng (Lê là họ; Bá là tên đệm và Đảng là tên) là một danh họa, nghệ sĩ điêu khắc lừng danh người Pháp gốc Việt, sinh ngày 27 tháng 6 năm 1921, ở làng Bích La Đông (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gần Thành phố Huế, kinh đô xưa của nước Việt Nam). Ông qua đời ngày 7 tháng 3 năm 2015 tại Paris, hưởng thọ 94 tuổi. Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, cùng nhiều giải thưởng quốc tế giá trị, nhận về nhiều danh hiệu tài năng…
Ông đã dành cả phần lớn cuộc đời của mình tại Pháp và một khoảng thời gian tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã cảm thấy cần phải thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó trên chính mảnh đất Quảng Trị – nơi đồng khô cỏ cháy và quyết định xuất ngoại sang Pháp. Năm 1939, khi tròn 18 tuổi, ông tự nguyện tham gia vào đội ngũ nhân công bản xứ (M.O.I) của bộ Lao động Pháp. Ngay đầu thế chiến thứ hai, ông là một trong những «người lính thợ Đông Dương» thường được huy động và làm việc chủ yếu trong các nhà máy thuốc súng được tuyển dụng bởi Chính phủ Pháp.
Lê Bá Đảng (1921 - 2015) đến với nhân gian. Không phải ai thành danh xứ người cũng nặng trĩu tình quê tình nước. Nhưng với danh họa Lê Bá Đảng, càng hiểu về ông, càng thấm chữ tình của cuộc đời nghệ sĩ. Để có sự thành công đó, người họa sĩ bước chân ra đi từ một làng quê nghèo xơ xác đã phải vật lộn với một cuộc sống rất khắc nghiệt thuở ban đầu nơi xứ người. Và khởi nghiệp từ những bức vẽ mèo, ông đã cho thế giới biết đến tên tuổi của mình.
Rời làng Bích La - Đôi tay chưa từng cầm cọ
Năm 1939, Lê Bá Đảng tham gia vào đội ngũ nhân công, rời làng Bích La lên một con tàu sang Pháp làm việc. Lúc này, tuổi trẻ đầu xanh, ông chỉ có duy nhất ước muốn được thay đổi bản thân, thoát khỏi cuộc sống đói nghèo. Lạ lẫm, bỡ ngỡ nơi xứ người, cuộc sống cho ông hiểu rằng cái gì cũng phải học, học từ cách ăn, cách làm, cách sống, học văn hóa.
Sau hai năm sống tù túng trong cuộc đời của một lính thợ, năm 1942, ông quyết định ghi danh theo học tại Trường Mỹ thuật Toulouse. Với một người cả tuổi thơ chưa biết đến cây cọ vẽ, trong đầu chưa có chút kiến thức mỹ thuật, sao dám theo học tại ngôi trường nghệ thuật này?! Chỉ vì một lý do nghe hết sức giản đơn, đây là trường duy nhất cho phép sinh viên vừa học, vừa làm. Hết giờ làm trong công xưởng, ông lao vào học vẽ, học tiếng Pháp, học văn hóa… Sau này, khi đã thành danh, Lê Bá Đảng đúc kết rằng: “Trường Mỹ thuật Toulouse đào tạo tôi ra người thợ vẽ. Trường đời đào tạo tôi ra con người kiên nhẫn, tháo vát, siêng năng, anh nhà nghề khó tánh, bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu làm nô lệ một trường phái nào, không chịu bắt chước ai, không Đông, không Tây, hiện đại hay sơ khai…”.
Một trong những họa phẩm mèo nổi tiếng làm nên tên tuổi họa sĩ Lê Bá Đảng.
Bức tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng tặng quỹ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Quảng Trị của báo Tuổi Trẻ năm 2008
Tác phẩm thuộc loạt tranh "Phong cảnh bất khuất" của Lê Bá Đảng.
Từ chàng trai "lính thợ" đến "bậc thầy mỹ thuật của hai thế giới"
Sinh năm 1921, năm 18 tuổi Lê Bá Đảng rời mảnh làng Bích La Đông trong đội quân "lính thợ" mà người Pháp đưa sang "mẫu quốc" để phục vụ cho Thế chiến thứ 2. Chàng trai quê kiểng ấy ban đầu chỉ nghĩ "đi cho biết đó biết đây", nhưng rồi nước Pháp đã tạo cơ hội cho chàng lính thợ trở thành một danh họa, với rất nhiều tác phẩm trưng bày ở nhiều gallery tại Pháp, Mỹ, Nhật…
Tuy nhiên với Lê Bá Đảng, có thể thấy thành tựu của ông là minh chứng cho câu châm ngôn: "Hãy đi đến tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp nhân loại".
Người lính thợ ra đi từ làng sang Pháp ấy vừa đi làm vừa đi học để tốt nghiệp thủ khoa Trường Mỹ thuật Toulouse. Đã phải mưu sinh độ nhật qua ngày đói khổ trong con ngõ nhỏ ở Paris với những bức ký họa mèo một nét độc đáo ở cái phố có cái tên là lạ: phố "Con mèo câu cá" (La Rue Du Chat Qui Pêche).
Rồi từ những con mèo ký họa ấy, cùng với thời gian, ông đã tạo nên một trường phái hội họa của riêng mình với thuật ngữ lebadagraphic, được tôn vinh là "bậc thầy của hai thế giới đông - tây".
Một góc khu vườn quê nhà với nhiều dấu tích tuổi thơ của Lê Bá Đảng - Ảnh: L.Đ.DỤC
Không phải ai thành danh xứ người cũng nặng trĩu tình quê tình nước. Nhưng với danh họa Lê Bá Đảng, càng hiểu về ông, càng thấm chữ tình của cuộc đời nghệ sĩ. Ông là biểu tượng của nghệ thuật gắn bó với dân tộc, với đất nước quê hương nhưng vẫn mang đầy đủ tầm vóc của thời đại.
Gần ba mươi năm trước, lần đầu tiên ông về quê nhà Bích La Đông làm triển lãm vào tháng 3-1992. Không chỉ có những người dân Quảng Trị đón chào ngày trở về của đứa con quê hương.
Những ngày diễn ra triển lãm ấy, có lẽ là lần đầu tiên đất Quảng Trị đón nhận một cuộc hội hè đông đủ nhất của những tên tuổi văn học nghệ thuật cả nước tìm về. Trong sân đình, dưới bóng cây, trên thảm cỏ..., những bức tranh của Lê Bá Đảng được căng lên trên dây, dựng trên giá, có cả một chú rùa vàng được chính tay ông kết bằng bông vạn thọ vàng rực rỡ dưới ao đình Bích La.
Tác phẩm của Lê Bá Đảng giản dị, quê kiểng mà tinh tế, sang trọng - Ảnh: L.Đ.DỤC
Nhiều nhà phê bình mỹ thuật cho biết, chìa khóa để hiểu tranh Lê Bá Đảng vô cùng dung dị: Người ta quen nhìn thẳng kiểu mặt đối mặt, còn ông không nhìn như thế. Ông nhìn bằng đôi mắt của những cánh chim bay trên trời cao nhìn xuống cõi nhân gian!
Trên tranh ông hiện ra núi non sông bể, hiện ra những con người sinh sôi và phồn thực, hiện ra quê nhà thấp thoáng dưới những đám mây, mà ta, kẻ chiêm bái như con chim đang tung cánh qua trời rộng sông dài.
Đó là một mật ngữ của riêng Lê Bá Đảng, mang ấn chỉ sáng tạo đưa ông tới những tên tuổi lừng danh của mỹ thuật thế giới. Khác chăng, từ chỗ thẳm xa diệu vợi ban đầu, khi "đốn ngộ" - nói theo cách nói thiền học - tất cả hội họa ấy chợt tỏa sáng, lung linh trong một nỗi gụi gần.
Vĩnh cửu tình quê tình nước
Dù là một họa sĩ tên tuổi, ông dành tình cảm nhiều cho những thân phận lính thợ hơn là những salon trí thức nơi xứ người. Chỉ mấy tháng trước khi ông mất, tháng 10-2014, tại thị trấn Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône nước Pháp đã khánh thành tượng đài tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương - một bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động.
Ra đi từ làng Bích La Đông trong thân phận một người lính thợ, tác phẩm cuối cùng của ông lại là bức tượng tưởng nhớ những người lính thợ. Lê Bá Đảng đã đi trọn cuộc tuần hoàn của phận người.
Lê Bá Đảng gặp Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946 - Ảnh tư liệu
Ở ngôi nhà bé nhỏ của họa sĩ nơi quê làng Bích La có một bức ảnh quý hiếm: Hình chụp ông đang tháp tùng Hồ Chủ tịch khi Người sang Pháp năm 1946.
Vượt lên thân phận người lính thợ, bằng tài năng của mình, Lê Bá Đảng đã cống hiến cho quê hương, gắn bó với xứ sở, dốc lòng cho đất nước mà những tên gọi của các dự án nghệ thuật của ông đã nói lên tất cả: Vườn mộ Loa Thành, Hạt gạo Trường Sơn, Dấu chân Giao Chỉ, Làng hoa Bích La, Tượng đài Thánh Gióng, Cọc chông Bạch Đằng…
Những ngày đất nước ra trận, ông có những Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973) - những bức tranh về Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh. Những bức tranh ấy đang im lặng đầy náo động trên bức tường của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - một biệt thự đẹp nhất cố đô Huế trên con phố Lê Lợi.
Với Lê Bá Đảng, không có nghệ thuật nào nghịch lý với khó nghèo, mà từ khó nghèo vẫn làm được nghệ thuật, và rồi chính nghệ thuật ấy sẽ làm cho người dân no ấm hơn giàu có hơn! Bằng sức sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã làm cho nhân loại biết đến quê hương và quê nhà trong niềm kính ngưỡng.
Chính quyền Thừa Thiên Huế trân trọng dành cho họa sĩ Lê Bá Đảng biệt thự có vị trí đẹp bậc nhất của TP Huế làm trung tâm nghệ thuật mang tên ông - Ảnh: L.Đ.DỤC
Hiện nay một trung tâm nghệ thuật mang tên ông được bày biện trong một biệt thự đẹp nhất xứ Huế trên đường Lê Lợi, được nhiều người đánh giá là một trong những bảo tàng nghệ thuật mang tầm cỡ thế giới.
Không gian tưởng niệm dành cho ông - "Le Ba Dang memory space" ở phía tây thành phố Huế này là công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng ông.
Công trình chính của không gian lưu niệm. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Không gian sân vườn. Ảnh: Lebadang Memory Space.
Không gian trưng bày chính. Ảnh: Lebadang Memory Space.
Giữa một không gian bốn bề núi rừng, một công trình kiến trúc đồ sộ nổi lên với ba màu chủ đạo đen, xám, trắng, không gian kiến trúc cảnh quan của bảo tàng với diện tích hơn 16.000m2 thực sự là một tác phẩm "Không gian Lê Bá Đảng" theo chiều kích thực. Lebadang Memory Space là điểm đến của người yêu nghệ thuật và ngưỡng mộ danh họa Lê Bá Đảng (nghệ danh Lebadang) - bậc thầy của hai thế giới Đông Tây. Nơi đây với nhiều góc "check in" đẹp đã trở thành điểm đến hấp dẫn mà bạn nên ghé thăm khi du lịch xứ cố đô.
Tọa lạc thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm du lịch Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng cách trung tâm thành phố Huế 10km, hiện đang trưng bày các tác phẩm của cố họa sĩ Lê Bá Đảng với nhiều chủ đề và phong cách khác nhau: tranh sơn dầu, tranh màu nước, gốm, đồng, tranh thảm, sợi thép, gỗ, chất liệu tổng hợp…; có hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, gần các điểm du lịch nổi bật như lăng Khải Định, trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm (tượng Phật đứng) Điện Huệ Nam. Các tác phẩm hội họa, điêu khắc, "Không gian" và nghệ thuật sắp đặt của danh họa thế giới Lê Bá Đảng được đổi mới liên tục về nội dung và cách thức trưng bày theo tiêu chuẩn quốc tế.
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng gồm một không gian chính là tòa nhà 3 tầng, xây dựng kiên cố, trưng bày hàng trăm tác phẩm cắt giấy, điêu khắc, tranh sơn dầu, Tấn tuồng nhân loại và nghệ thuật sắp đặt… của cố danh họa. Điểm nhấn không gian là giếng trời đón nắng tự nhiên, ở trung tâm “mắt trời” là bức tượng điêu khắc ba chiều.
Không gian trưng bày dưới lòng đất với đường hầm dài 50 m, cổng vào lắp hệ thống kính phản quang, chịu lực tốt, cân bằng ánh sáng và ngăn chặn tia UV gây hại, trưng bày các câu chuyện về sự nghiệp sáng tác và cuộc đời họa sĩ Lê Bá Đảng, các tư liệu hình ảnh và hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Và một khu vực cà phê nhà hàng.
Ngày nay, không gian nghệ thuật Lebadang Memory Space đã trở thành điểm đến nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ. Thời gian mở cửa của bảo tàng là từ thứ 3 đến chủ nhật, đóng cửa vào ngày thứ 2. Bạn có thể đến đây tham quan vào khung giờ từ 8 – 12 giờ sáng và 14 - 18 giờ chiều.
(Tổng Hợp)