Phạm Thúc Chương
Phạm Thúc Chương - Người truyền đạt đạo lý phương Đông
Hoạ sĩ Phạm Thúc Chương sinh năm 1918 và mất tại Thuỵ Điển năm 1971. Ông học khoá IX (1933 - 1938) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tùng với hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn, Hữu Dung, Nguyễn Đức Nùng… Ông đã có nhiều năm sinh sống và hoạt động hội hoạ tại Châu Âu nhưng nỗi nhớ và những miền ký ức quý giá về quê hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận của ông khi sáng tác.
Đối với một số người yêu hội họa, danh xưng Phạm Thúc Chương chưa hẳn là một cái tên nổi bật, đủ đi sâu vào miền trí nhớ. Nhưng không thể phủ nhận, tài năng của Phạm Thúc Chương đã được giới chuyên môn thế giới công nhận. Ông đã tham gia rất nhiều triển lãm và các phiên đấu giá trên thế giới. Xa quê và tiếp xúc với hội họa Phương Đông gần như cả cuộc đời nhưng không bao giờ ông quên việc truyền tải cái hồn và những dấu ấn phương Đông trong những tác phẩm của mình.
Phạm Thúc Chương thành danh từ khá sớm. Năm 1935, ông giành Giải thưởng lớn của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1939, ông gửi tham dự một số tranh sơn khắc tại Triển lãm Quốc tế San Francisco (Mỹ). Năm 1940, ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy hội hoạ của mình cho đến năm 1946, ông sang Pháp. Tại đây, ông làm trang trí rạp hát và vẽ minh hoạ. Sau đó, Phạm Thúc Chương chuyển đến sống tại Chavannes-le-Chene, cùng người vợ trẻ của mình trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng, nơi ông nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của mình mỗi ngày. Tại đây, ông cũng đã nâng cao và đổi mới chính bản thân mình.
Mọi thứ trong ký ức của ông, trong đời sống của ông đều trở thành đề tài cho những bức vẽ. Phạm Thúc Chương là người Việt Nam nên trong miền sâu ký ức, hình ảnh về quê hương, con người luôn được ông trân trọng lưu giữ trong tim, sau đó khắc họa lại trong tác phẩm. Một bức tranh có âm hưởng nhiều tiết tấu phá cách như ”Trẻ con tập viết” của Phạm Thúc Chương đã tạo nên những thích thú, cảm tình riêng biệt của sự kết hợp giữa hội họa Châu Âu hiện đại và bút pháp phương Đông. Nó như như một mạch nối kế tiếp từ quá khứ tới tương lai. Ông biết dùng góc nhìn, nét vẽ của mình, dùng chi tiết để khái quát sự vật, cảnh vật, con người. Mọi thứ trong tranh ông luôn có “cái hồn” ẩn chứa nhiều câu chuyện và từ cái riêng trở thành một hình ảnh đại diện, mang tinh thần của cái chung.
Mỗi một bố cục của Phạm Thúc Chương có vẻ như thoáng qua theo một khoảnh khắc của cuộc sống, nơi chúng ta sẽ trải qua với sự nhẹ nhàng ấy, sự trong trẻo ấy của nghệ thuật ông, nó âm thầm đến từ một sức mạnh đôi khi không thể hiểu nổi. Các tác phẩm của ông viễn du qua hai thời kỳ: thời kỳ của sự trưởng thành được tạo ra ở mức độ trực giác, và một thời kỳ mang đầy tính nhục cảm trong thể hiện, ngắn ngủi hơn nhưng có rất nhiều cái hay hơn so với thời kỳ đầu tiên; cả hai thời kỳ như thế nối với nhau bằng cái thoáng chốc tinh khôi khi ngọn bút vẽ bắt vào bề mặt trắng.
Để trông đợi cái đẹp, cần phải bắt đầu từ trừu tượng hóa. Phạm Thúc Chương đã đưa sự trừu tượng hoá vào tác phẩm của mình bằng cách quên đi đối tượng để không có gì hơn ngoài cảm nhận cái bản chất, tuyến đường của vô thức. Điều này có thể thấy ở Phạm Thúc Chương qua các bức tranh lụa, tranh vẽ trên giấy Nhật Bản hay trên toan, làm người ta không thể cầm được suy tưởng về một chất thơ phương Đông, về những bài thơ tứ tuyệt kiểu Trung Hoa hay Nhật Bản, mà ta có thể gọi là theo truyền thống. Thế nhưng, ở trường hợp của Phạm Thúc Chương, cả hai cái đó lại chiếu vào mắt ta theo một cách riêng biệt, bằng sự đa dạng trong xử lý bề mặt và cách thức phải chịu đựng truyền thống ấy, nhằm khai thông một bút pháp hiện đại và duy nhất, mà tự trong nó vẫn biểu lộ được sâu sắc lòng trung thành với nòi giống, cho sự ngự trị của cây cỏ và muông thú mà nó vốn thích gợi lên bằng nét và các mảng.
Phạm Thúc Chương là một hoạ sĩ với những tác phẩm mang âm hưởng thời đại. Ông dù xa nhà nhưng luôn tôn trọng và say mê với những đặc trưng của nét hội họa phương Đông. Ông được các học giả phương Tây đánh giá là một nhà tư tưởng lớn.