Nguyễn Trung ( Việt Nam 1940 )

Tác giả: Nguyễn Trung ( Việt Nam 1940 )

Tác phẩm: Quý cô với hoa sen

Chất liệu: Sơn dầu trên vải

Kích thước: 99.5 x 99.5 cm; 103.5 x 103.5 cm ( với khung ).

NGUYỄN TRUNG (SN. 1940) 

Họa sĩ Nguyễn Trung sinh năm 1940 tại Sóc Trăng. Ông là một nghệ sĩ điển hình đóng góp vào quá trình phát triển của nghệ thuật miền Nam Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, ông đã say mê vẽ và ghi dấu tên tuổi mình với những giải thưởng quan trọng như huy chương bạc triển lãm hội họa mùa xuân năm 1961, huy chương vàng triển lãm hội họa mùa xuân năm 1963. Ông từng đảm trách nhiều vai trò quan trọng, từ chủ tịch hội họa sĩ trẻ Sài Gòn (1969 - 1973) đến “ngọn cờ đầu” của “nhóm 10 người” ở Hồ Chí Minh (1989 - 1996). Ông cùng họa sĩ Ca Lê Thắng cũng từng sáng lập và biên tập tờ Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Hồ Chí Minh từ năm 1991 tới 1997. 

Nguyễn Trung là một họa sĩ có nhiều cá tính, tài năng và trí tuệ. Vào thời kỳ đầu tiên, trong thập niên 60, ông tìm mình trong hội họa biểu hình với hơi hướng lãng mạn và phát triển dần từ đó tới nay. Xen giữa những năm tháng này, ông vẽ trừu tượng từ năm 1990. Điểm xuyết trong cả quá trình hội họa, ông còn vẽ thêm một số tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực xã hội. 

Gần 60 năm với hội họa, Nguyễn Trung là người thành danh sớm, định hình rõ ràng tên tuổi mình khoảng những năm 1961 - 1966. Ông sáng tạo hệ thống đường nét, bố cục vững chãi, chặt chẽ với hòa sắc táo bạo phần nào ảnh hưởng từ Henri Rousseau - họa sĩ Hậu Ấn tượng người Pháp vẽ theo lối ngây thơ, nguyên thủy. Trong bảng màu ấy ta cũng bắt gặp sắc xanh khám phá được trong một số cổ vật và bích họa Đông phương hay tranh thủy mặc từ bao đời của Trung Hoa. Từng yếu tố được đặt cạnh nhau tỉ mỉ đem lại bầu không khí rất cổ điển mà cũng rất mới mẻ. Hay nói cách khác, người họa sĩ lúc này đã biến niềm say mê học hỏi trở thành vốn của riêng để tự do chế ngự thế giới do chính mình tạo ra. 

Bước sang năm 1970, tranh Nguyễn Trung lại mang màu sắc vô cùng thơ mộng nhưng buồn. Nét buồn ấy hiển lộ từ đôi mắt thiếu nữ tới chiếc khăn lụa trùm đầu hay đôi tay gầy guộc chụm vào nhau trước nền cát, nền trời xám sẫm. Thời kỳ này thứ ánh sáng ông miêu tả trong tranh chịu sự ảnh hưởng của tranh cổ điển Tây phương. Đó là nguyên tắc đặt sáng thường thấy Leonardo da Vinci, Rembrandt, Raphael, Johannes Vermeer,...đã rất chú tâm sử dụng. Ở trường hợp của Nguyễn Trung, ông cũng nghiêm cẩn với từng mảng sáng tối và làm kỹ cả những chi tiết  cần vờn tỉa, đánh bóng. 

Từ sau năm 1975, ý thức về công bút của ông dần được nới lỏng để đưa đến tổng hòa tinh tế hơn. Nguyễn Trung giữ nguyên lý và tạo hình cũ nhưng đã lược bỏ nhiều chi tiết để quân bình cảm xúc. Chủ đề sáng tác của ông những năm này vẫn đa phần về thiếu nữ nhưng đã tiến gần hơn về phía mỹ thuật phương Đông. Càng về sau, cuộc chơi của người họa sĩ càng giản dị hơn về đường nét và chú trọng tri kiến ánh sáng vô hình của tâm tư. Đó là một tinh thần nhất quán đến với họa sĩ tự nhiên như sự đến đi của mọi xoay vần trong đời sống. Ông từng đúc kết hành trình đó trong vựng tập triển lãm tác phẩm với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1994: “Trong thiên nhiên ánh sáng là chiếc vương miện vĩ đại làm tăng thêm vẻ sang trọng, uy nghi của núi rừng hoa cỏ. Trong hội họa ánh sáng là sức sống của hình và nét và tự nó cũng là hình, và nét. Tùy theo to nhỏ, dày mỏng, tùy theo cách sắp đặt, có thể làm cho nó chuyển động, nô đùa trên khung bố.”

Cũng cùng một con người ấy nhưng trừu tượng của Nguyễn Trung trong thập niên 90 lại là một cách giải mã khác với chân lý của chính ông. Đó là con đường thấu hiểu chính mình và biểu hiện nó triệt để. Ông đi từ những chất liệu đa dạng như khai hoang một vùng đất mới rồi tìm cho mình một góc yên tĩnh cư ngụ và vun đắp cái của mình. Mặt phẳng, hình và nét là nơi Nguyễn Trung phóng chiếu tâm cảnh, tung tẩy mô tả mọi biến chuyển dù nhỏ dù to. Trong suốt hơn 3 thập niên trở lại đây, địa hạt này lưu giữ cả những ám ảnh quá khứ với bảng đen, ma, dấu tay máu ịn đỏ trên tường. Ông vẽ như một cách giải tỏa tác động của những nhiễu động thời cuộc mình từng kinh qua trong đời. 

Nguyễn Trung ( Việt Nam 1940 )

  • Giá ước lượng30.000 - 35.000 USD
  • Giá khởi điểm15.000 USD