Nguyễn Phước (1943)

NGUYỄN PHƯỚC (SN. 1943)
Nguyễn Phước sinh ngày 19.10.1943 tại Sài Gòn. Ông theo đuổi mỹ thuật rất sớm. Năm 1956, khi mới 13 tuổi, ông vào học trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định niên khóa 1956 - 1960, sau đó tiếp tục theo học tại Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định niên khóa 1960 - 1965. Đây là những năm tháng mang tính bản lề của cuộc đời ông khi tôi luyện sự khéo léo và nề nếp của nghề thủ công để đưa vào nghệ thuật với tính sáng tạo bền bỉ. Trước khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1994, ông đã tham dự nhiều cuộc triển lãm cả trong nước và quốc tế kể đến như triển lãm mùa xuân năm 1960, 1961, 1963; triển lãm mùa thu năm 1962 tại Sài Gòn; triển lãm mỹ thuật quốc tế lần 1 tại viên đình Tao Đàn năm 1962; triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Tunis, Tunisia năm 1964; triển lãm mỹ thuật lưỡng niên Paris lần 4 tại Pháp năm 1965; triển lãm mỹ thuật tam niên lần 1 tại Ấn Độ năm 1968; triển lãm thường niên hội họa sĩ trẻ Việt Nam tại Sài Gòn năm 1966, 1967, 1973, 1974; triển lãm mỹ thuật quốc tế bảo tàng quốc gia Singapore năm 1992 và cũng vào năm 1992, ông đã tham dự chương trình Văn Hiến Á Châu, phòng tranh Notices, cũng ở Singapore. Đặc biệt, Nguyễn Phước đã được Văn Hóa vụ trao tặng huy chương đồng cho bức “con bò” vẽ bằng bột màu trong cuộc triển lãm mùa thu năm 62 cũng như huy chương bạc và huy chương đồng lần lượt cho bức sơn dầu “quán tím” và “nhà sàn” trong kỳ triển lãm mùa xuân năm 1963.
Hội họa của Nguyễn Phước cho thấy ông là một con người tài hoa đặc biệt của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ở mỗi giai kỳ ông đều có những dấu ấn riêng. Những năm 60 đầy biến động thời cuộc, ông đau đáu đưa tư tưởng hiện sinh của người thanh niên tri thức miền vào các tác phẩm. Trong đó, cái được nhấn mạnh nhất là ý thức về sự cô đơn và hình hài chảy xệ, méo mó của con người trên một bảng màu chủ đạo là nâu trầm, vàng đậm, buồn thăm thẳm. Nguyễn Phước đã đi một quãng đường dài, từ miền biểu hiện qua trừu tượng rồi chuyển sang siêu thực trong thập niên 60 của thế kỷ 20 trước khi lại trở lại về trừu tượng những 1970 nhưng với bảng màu xanh, lạnh. Đó cũng là hành trình tinh lọc nội dung từ nhiễu động tiến về miền tĩnh tại, gác lại mọi ưu phiền, lý trí và thả mình vào màu sắc cùng đường nét, đi tìm con người thật của chính mình. Như cách ông từng chia sẻ rằng “cuộc sống thật là khắc nghiệt. Nếu không vì niềm vui lớn đang chờ đợi ở phía trước thì tôi khó vượt qua được những thất vọng và ngang trái. Tất cả khó khăn dần dần qua đi. Đôi khi tôi đã ném chúng vào tác phẩm của tôi, và vì lòng yêu nghề, tôi đã giãi bày chúng như những chứng nhân một cách trật tự, công bằng và vị tha.” Và nếu bút pháp là tấm áo bao bọc bên ngoài thì trong đó là một sự hòa hợp nhất quán với nội tâm của Nguyễn Phước.
Suốt một đời nghiêm cẩn với cái đẹp từ trong nội tại đến tác phẩm, hội họa của Nguyễn Phước có nét giản dị, chân tình dẫu cho nó đến từ những ảo ảnh vô thực. Trên tinh thần khai phá những đường biên mới, nội dung tranh ông mở ra những khía cạnh rất đời, có thể là mầm sống, một chiều tàn cuối năm, những đêm vang vọng, một thoáng ngẩn ngơ với tuyệt tác “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị hay “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du,... nhưng tựu trung lại, cái đẹp man mác và trữ tình là điều nổi lên trên hết.
Bàn về tranh Nguyễn Phước, họa sĩ Đinh Cường (1939 - 2016) từng ghé qua San Antonio, Texas thăm ông và lưu lại những dòng này: “Có thời ở Minnesota tuyết lạnh bạn tôi vẽ nhiều tranh khổ lớn, màu sắc ánh sáng trong xanh như nắng trong vườn xuân, tôi nhớ hoài bức ‘sàng gạo’ hồi Phước vẽ ở Phú Nhuận, Phước vẽ trừu tượng rất sớm và rất tới như Huỳnh Hữu Ủy nói: Thực là hài hòa trong một tiết điệu giản dị mà sâu sắc biết ngần nào”.

Nguyễn Phước (1943)

  • Giá khởi điểm0 VNĐ