NGUYỄN HUYẾN

HOẠ SĨ NGUYỄN HUYẾN
Họa sĩ Nguyễn Huyến tên đầy đủ là Nguyễn Đức Huyến (2/5/1915 - 12/7/1994), nguyên quán làng Tư Thế, xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Không chỉ là người tham gia tạo nên tờ tiền 100 đồng, Nguyễn Huyến còn là một trong những họa sĩ sáng lập nên Hội Mĩ thuật Việt Nam. Năm 1945, Nguyễn Huyến đã vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong những ngày đón mừng Cách Mạng thành công.
Trong số những cây đa, cây đề của làng mỹ thuật Việt, cái tên Nguyễn Huyến không quá nổi bật về mặt... truyền thông. Nhưng xem nhật ký ông để lại và những tư liệu lưu trữ của gia đình mà ông Trần Quốc Hùng cung cấp, có thể nói không nhắc đến ông kể như là một thiếu sót lớn.
Nguyễn Huyến là một trong 108 Hội viên đầu tiên của Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) từ năm 1957. Ông theo học hai năm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong khoảng thời gian 1932-1936, nhưng sau đó rời bỏ trường để tạo cho mình một lối đi riêng. Ông đã từng có các triển lãm tranh vào những năm 1939, 1941, 1942 tại Pháp. Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 259 nhà sưu tầm cá nhân trong nước và quốc tế sưu tập các sáng tác trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật của ông.
Năm 1945, Nguyễn Huyến đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, trong những ngày đón mừng cách mạng thành công. Năm 1946, ông là một trong 20 họa sĩ (bao gồm cả nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như: Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Nguyễn Văn Khanh…) tham gia vẽ giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cụ thể, Nguyễn Huyến cùng với KTS Lương Văn Tuất, cán bộ ở Sở Địa đồ Đào Văn Trung thời bấy giờ được giao vẽ tờ tiền 100 đồng, trong đó Nguyễn Huyến vẽ mặt sau là hình "con trâu xanh" (mang ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông).
Đến nay, tờ 100 đồng vẫn "giữ kỷ lục" là đồng tiền giấy có kích thước lớn nhất và nếu quy đổi ra VNĐ bây giờ thì 100 đồng "con trâu xanh" bằng khoảng 33 triệu đồng.
Một số họa sĩ từng biết Nguyễn Huyến cho hay, vì muốn con trâu thật sống động, thanh thoát và có thần nên thay vì ngồi ở xưởng vẽ, ông quyết định chạy ra cánh đồng Láng (nay là Quận Cầu Giấy) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ và hí hoáy vẽ lại. Khi tờ 100 đồng được lưu hành, người dân lúc bấy giờ vẫn gọi đồng bạc là đồng "con trâu xanh". Nếu ai còn giữ được tờ bạc này có thể lấy kính lúp soi kỹ sẽ rất thích thú với những cái xoáy lông trâu hiện lên ở đầu và mình trâu rất sống động.
Sở trường của Nguyễn Huyến là tranh sơn mài và ông bắt đầu nổi tiếng với chất liệu này từ những năm 40 của thế kỷ trước với rất nhiều tác phẩm mang đậm tính hiện thực, được giới chuyên môn nghiên cứu mỹ thuật cũng như các họa sĩ đồng nghiệp cùng thời đánh giá cao về cách tạo hình nhân vật, bối cảnh thiên nhiên trong các tác phẩm...
Năm 1950, bức tranh lụa 120x80cm Tình mẫu tử của Nguyễn Huyến đã được Thị trưởng thành phố Hà Nội khi ấy là Thẩm Hoàng Tín mua với giá 10.000 đồng Đông Dương (bằng 270 kg bạc, tương đương 143.000 USD bây giờ). Sau nửa thế kỉ nhiều biến động, cái tên Nguyễn Huyến lắng đi, không nhiều người biết đến tên ông ngoài những nhà sưu tầm quen thuộc. Các nhà sưu tầm đều mong tranh Nguyễn Huyến trở lại vị thế xưa.

NGUYỄN HUYẾN

  • Giá khởi điểm0 VNĐ