Lưu Công Nhân ( 1931-2007)
Lưu Công Nhân (1931-2007)
Được ký tên Luu Cong Nhan, có con dấu của nghệ sĩ (ở góc dưới bên phải) Mực và màu trên giấy
51 x 41.5 cm (20 1/8 x 16 3/8 in)
NHÂN - HÒA - HẬU - KIỆM: NHỮNG KHÚC TRƯỜNG CA TRƯỞNG THÀNH TỪ KHÓA KHÁNG CHIẾN
Trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam có một khóa đào tạo đặc biệt được tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, hoạt động từ cuối năm 1949 tới đầu năm 1954. Theo Nghị định số 605/NĐ ngày 28/12/1950 của Bộ Quốc gia Giáo dục được ký bởi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, trường có tên hành chính là Trường Mỹ thuật Trung cấp, đào tạo Khóa Kháng chiến và thường được gọi là Trường Mỹ thuật Kháng chiến.
Trường Mỹ thuật Kháng chiến năm đầu tiên có tổng cộng hai đợt tuyển sinh. Đợt 1 vào tháng 1 năm 1950 tại Thái Nguyên có 12 người trúng tuyển gồm Đào Đức, Lê Huy Hòa, Trọng Kiệm, Ngô Mạnh Lân, Mai Long, Lê Nguyên Lợi, Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Dư Tá, Trịnh Tiệp, Kim Vinh và Thế Vỵ. Sau đó vào tháng 8 năm 1950, trường tập trung học sinh chuyển sang xã Nghĩa Quân, Đoan Hùng, Phú Thọ và tổ chức tuyển lấy thêm thực tế 9 người là Vi Văn Bích (Ngọc Linh), Ngô Minh Cầu, Thu Dung, Ngô Tôn Đệ, Đặng Đức, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Thục Phi và Trịnh Phòng. Riêng Linh Chi (Nguyễn Tài Lương) được đặc cách vào học từ niên khóa 1951 - 1952 vì đã là họa sỹ có tranh triển lãm ở Hà Nội trước cách mạng.
Trong số 22 học trò của Khóa Kháng chiến do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, có một bộ tứ thường được nhắc tới là “Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm”, bao gồm họa sỹ Lưu Công Nhân (1929 - 2007), Lê Huy Hòa (1932 - 1997), Trần Lưu Hậu (1928 - 2020) và Nguyễn Trọng Kiệm (1934 - 1991).
LƯU CÔNG NHÂN (1929 - 2007)
Họa sỹ Lưu Công Nhân, nguyên quán tại làng Lâu Thượng (nay thuộc thành phố Việt Trì, Phú Thọ), là người được hiệu trưởng Tô Ngọc Vân đánh giá rất cao về thẩm mỹ trong sáng tác. Theo hồi ức của họa sỹ Mai Long: “Ngay từ thời đó, các ký hoạ của Nhân cũng đã rất khác biệt, không còn chỉ là ghi chép thực tế mà thực tế trong ký họa của Nhân đã được chắt lọc với một trình độ thẩm mỹ cao.”
Trong nhiều thập niên cống hiến tận tụy vì tình yêu với vẽ, ông để lại một khối lượng lớn các sáng tác đặc sắc bên cạnh các ghi chép tỉ mỉ như một thước phim dài cho suốt những năm sống với bản thân và nghề vẽ. Ngọn bút tâm tình của ông bất kể là viết hay vẽ cũng đều lay động người thưởng thức. Ông quan sát đời sống và vẽ hiện thực. Những phong cảnh làng mạc trên khắp nẻo đường in dấu chân ông, những người nông dân dắt trâu đi cày, những anh du kích, dân quân, những cô gái trên xe cam nhông, những cô công nhân chít khăn mỏ quạ, những cô nuôi lợn, những bà mẹ, những lùm tre xào xạc rủ bóng xuống mặt ao,... có biết bao nhiêu khoảnh khắc dung dị như vậy đi vào tranh ông bằng các nét bút chủ động, hoàn toàn chế ngự được chất liệu mà đa phần là sơn dầu và màu nước. Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ, ở trong con người tài hoa và lịch duyệt ấy gói gọn lại về nghệ thuật là một ý thức tự do, nhẹ nhàng vẽ phóng khoáng và nghiêm cẩn định nghĩa bản thân.
Lưu Công Nhân cũng từng là Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (thời kỳ đầu sau hòa bình 1954), tham gia tổ sáng tác trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1964, hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001.
LÊ HUY HÒA (1932 - 1997)
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, họa sỹ Lê Huy Hòa và hội họa đi bên nhau một đời như hai người bạn tâm giao. Như bao họa sỹ khác trưởng thành từ Khoá Kháng chiến, ông cũng có giai đoạn dùng ngòi bút vững tay của mình để phản ánh hiện thực cuộc chiến và khát khao hướng tới hòa bình an ổn, mỗi một tác phẩm là một khúc ngân trong một bản trường ca. Về sau, trong thập niên 60, 70 ông bắt đầu vẽ về đề tài khỏa thân xen kẽ những tác phẩm về thời cuộc. Suốt những năm tháng ấy, cái thay đổi nhiều nhất trong tranh ông không nằm ở chủ thể mà ở hành trình chuyển giao giữa đời thường sang siêu thực, gom hết tâm tư gói ghém vào từng lớp màu, từng mảng miếng trong bố cục và mở ra cho người xem một không gian rộng hơn để chiêm nghiệm. Những gì ông làm được cho hội họa của mình không chỉ đau đáu xoay quanh việc làm sao để người ta nhớ về một Lê Huy Hòa mà còn khiến hình ảnh của mình trở nên rất riêng thông qua cách kết hợp giữa một bên là hiện thực của dân tộc, một bên là cái mong manh hư ảo của những mảng màu đậm nhạt trong không gian suy tưởng rất mới mẻ với Việt Nam lúc bấy giờ. Lê Huy Hòa trong thế hệ người muôn năm cũ của nghệ thuật nước nhà đã luôn liều lĩnh thử đi những con đường mới như vậy. Hội hoạ của ông chứa đựng trong đó những hoài bão sáng tạo và cũng là nơi bày tỏ chính kiến.
Lê Huy Hòa cũng là Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
TRẦN LƯU HẬU (1928 - 2020)
Hội hoạ hiện đại của Việt Nam đón nhận Trần Lưu Hậu như một luồng gió mới triệt để xóa bỏ định kiến về tính bảo thủ của thế hệ ông và cho tới nay tên tuổi ông vẫn để lại nhiều ảnh hưởng. Sau khi tốt nghiệp Khóa Kháng chiến, ông hoàn thành khóa học tại Học viện Mỹ thuật Surikov, ngành trang trí sân khấu tại Moskva từ năm 1955 tới năm 1962 và về nước giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ năm 1962 tới năm 1989. Trần Lưu Hậu từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam (1989 - 1994) và vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Trong lĩnh vực hội họa, họa sỹ Trần Lưu Hậu là người vẽ nhiều thể loại nhưng tìm được một lối đi đặc tính chủ quan cá nhân từ cuối những năm 1980, trước đó ông thường vẽ về đề tài kháng chiến, phong cảnh thiên nhiên, nông thôn, phố phường Hà Nội và tĩnh vật,... Từ cuối những năm 1980 trở đi, ông vẽ bằng bảng màu nguyên bản với những nét bút dài, phóng khoáng đầy xung lực, đi từ hiện thực sang biểu hiện và cuối đời thiên về trừu tượng. Trần Lưu Hậu tái hiện những đề tài cơ bản như phong cảnh, biển, cây, hoa, thiếu nữ khoả thân,... với một tư duy giản lược hình khối nhưng ấn tượng mạnh khóa người xem vào một không gian giàu cảm xúc.
Ông là người yêu vẽ và vẽ tới hơi thở cuối cùng theo đúng nghĩa đen. Ở giai đoạn cuối đời, khi phải ngồi xe lăn ông vẫn vẽ. Tay yếu không còn cầm được bút, ông nhờ con cháu trải toan trên sàn, đổ màu lên và vẽ bằng xe lăn, một cách nghiêm túc với thái độ chú tâm tuyệt đối.
NGUYỄN TRỌNG KIỆM (1934 - 1991)
Học cùng một thầy, sống chung một nhà trong nhiều năm, họa sỹ Nguyễn Trọng Kiệm (1934 - 1991), quê tại Hưng Yên chính là người đã cùng Lưu Công Nhân cống hiến hơn 40 năm cho nền hội họa nước nhà. Ông đỗ kỳ tuyển sinh của Trường Mỹ thuật Kháng chiến tháng 1/1950, cùng đợt với Lê Huy Hòa và Lưu Công Nhân và được đánh giá là một trong những học sinh có triển vọng nhất bởi tư chất riêng biệt trong hội họa. Ra trường, ông sớm tiếp nhận sự ảnh hưởng của các bậc thầy hậu ấn tượng như Vincent Van Gogh và Paul Cézanne.
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1960, các sáng tác của ông xuyên suốt mạch chủ đề hướng theo cách mạng kháng chiến chống Pháp. Sau đó khi nước ta bắt tay vào xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông cũng theo sát đề tài này và phản ánh hiện thực rất có tình. Một số các tác phẩm đặc biệt của ông cho tới ngày nay vẫn được nhiều người nhắc tới như tác phẩm “Xâu kim” (1958, sơn dầu, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Ghé thăm nhà” (1958, lụa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) hay “Quán dọc đường” (1962, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Trọng Kiệm sáng tác theo thời đại và những điều giản dị trong cuộc sống bằng một khả năng diễn hình chắc chắn, xác thực. Tranh ông vẫn thường reo lên khúc trường ca của tinh thần lao động dựng xây, lạc quan và hướng tới những điều tốt đẹp, cái đẹp trong mỗi con người.
Trong lớp nghệ sỹ bấy giờ, Trọng Kiệm đã tạo ra một bản thân không thể lẫn đi đâu hay với ai được, ông vẽ như một nghiệm sinh dai dẳng và chân thành bằng một con đường riêng. Ông cũng từng đảm trách vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội, Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Tựu trung lại, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, bốn người đều trưởng thành từ Khóa Kháng chiến và tìm cho mình một tiếng nói mang dấu ấn cá nhân trong làng hội họa. Một người tôn thờ hiện thực với ngòi bút phóng khoáng, một người khắc họa đời sống trong thế giới mong manh siêu thực, một người đẩy xung lực cho những nét bút màu nguyên bản với hội họa hiện đại và thiên dần sang trừu tượng, một người với lối vẽ hậu ấn tượng đặc trưng vẽ lại những quan sát tình cảm của mình. Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm là bốn ý thức khác biệt, song ở họ tinh thần cống hiến tận tuỵ cho sự phát triển của mỹ thuật hiện đại nước nhà là điều luôn rực cháy.