Ho Huu Thu - "Phong cảnh mái nhà sập ven sông" năm 1991
Ho Huu Thu - "Phong cảnh mái nhà sập ven sông" năm 1991
Sơn mài trên tấm gỗ
Ký: hohuuthu 91 (ở giữa dưới)
Nguồn gốc: Tòa nhà trụ sở Hitachi, Singapore; Bộ sưu tập cá nhân, Singapore (được mua từ nguồn hàng trên)
Mô tả
Kích thước 60 x 90 cm (74 x 104 cm với khung)
Sơn mài trên tấm gỗ
Được ký và đánh dấu năm 91 ở phía dưới giữa
Xuất xứ: Tòa nhà trụ sở Hitachi, Singapore; Bộ sưu tập cá nhân, Singapore (được mua từ nguồn hàng trên)
HỒ HỮU THỦ (SN. 1940)
Hội họa Việt phía nam có một tên tuổi lớn đã đi vào huyền thoại của cả vùng đất, người được gọi là “thuật sĩ sơn mài” và nhật báo Journal d’Extrême Orient từng so sánh ông với Chagall, với Henri Rousseau - những họa sĩ Pháp thành công ở thế kỷ 20. Không ai khác, đó là Hồ Hữu Thủ.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, quê gốc ở Nghệ An, sinh năm 1940 tại Bình Dương, cái nôi của thủ công mỹ nghệ miền Nam. Ông từng theo học trường Mỹ nghệ Bình Dương về trang trí nội thất, sau đó vào tu luyện tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn niên khóa 1960 - 1963 cùng với Đỗ Trọng Nhơn, Lâm Huỳnh Long, Lê Thanh, Lai Tấn Tài, Nguyễn Tấn Phước. Từ khi tốt nghiệp ông đã thường xuyên tham dự các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó có các cuộc triển lãm thường niên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam từ năm 1967 tới 1974; triển lãm ở Paris năm 1979, 1989, 1994; tại Canada năm 1980; Đức năm 1988 và Singapore năm 1991. Năm 1992, ông tham dự sự kiện “Art & Material 92” tại phòng trưng bày của Bảo tàng Quốc gia Singapore,...
Hồ Hữu Thủ bắt đầu sự nghiệp hội họa với tranh sơn dầu. Trong ký ức của hội họa Sài Thành đã từng có cuộc bày tranh rất thành công của ông cùng Nguyên Khai và Nguyễn Trung tại cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội từ năm 1970. Ở đó người xem bắt gặp những cô thiếu nữ trẻ trung, tinh khiết, bừng lên sinh khí bước ra từ trong tranh Hồ Hữu Thủ như đánh thức một khu vườn mộng ảo. Cái ngây dại và hoang sơ ở thiếu nữ ngực trần như một tuyên ngôn mãnh liệt của vẻ đẹp con người bên cạnh những ngựa hoa kiểu cách, chim muông nương tựa trên tay và nụ hoa bung tỏa,... Nhìn chung, hội họa sơn dầu của ông giai đoạn này đã đi đến biểu tượng hóa người, vật, thiên nhiên dưới lối vẽ vừa thực vừa siêu thực, hướng tới nghệ thuật tượng trưng. Hiện sinh và khỏe khoắn nhưng không kém phần thơ mộng. Chuyển biến của họa sĩ ở vài năm sau, có chăng chính là qua thời gian màu sắc, đường nét được tiết chế hơn và đi sâu vào khai thác nội tâm.
Ngoài sơn dầu, Hồ Hữu Thủ là một trong những họa sĩ hiếm hoi đầu tiên tại miền Nam sau 1954 đi sâu và gắn bó với sơn mài. Bước đi này gần như một sự nối dài truyền thống sơn mài của lứa họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong khi bản thân ông đã đóng góp một góc nhìn mới rất khoáng đạt ở khu vực phía Nam.
Sau năm 1975, làn sóng mua sơn mài của Việt kiều và khách nước ngoài với tranh Nguyễn Gia Trí, Thành Lễ, Nguyễn Văn Minh như một cú hích thuận lợi với Hồ Hữu Thủ khi chuyển sang sáng tác sơn mài. Nhờ vào sức hấp dẫn kỳ diệu của một chất liệu, ông phóng chiếu những ý niệm của mình với kỹ thuật trau chuốt và bằng một phong cách rất hiện đại. Ông sáng tác sơn mài tự do, không áp đặt bất kỳ một hệ thống tư duy cố hữu và luôn nắm bắt chất liệu, hứng thú kiếm tìm thể nghiệm mới. Nhất là khi đến cuối thập niên 1980, nhu cầu tranh sơn mài càng dâng cao trong giới chơi tranh Tây phương và trong cộng đồng người Việt thành đạt tại hải ngoại. Trong giai đoạn này có một điểm đáng chú ý, ông chuyển từ khuynh hướng siêu thực sang trừu tượng và bắt đầu bung phá tất cả mọi giới hạn. Một mặt cải tiến kỹ thuật bằng cách điều tiết tiết diện mài, thử nghiệm các chất liệu khác như bao bố, gỗ,... mà ông gọi là sơn ta tổng hợp. Mặt khác, triệt để định hình cái bên trong mình, cái mà ông, vượt lên trên cách thức sử dụng phương tiện biểu đạt, khát khao bày tỏ.
Sau cùng của một chặng đường nghệ thuật dài với nhiều cống hiến mang tính đột phá, Hồ Hữu Thủ luôn vượt ra mọi quy tắc thường thấy. Ông kết luận: “Tôi nói không dùng ý tưởng nữa, sáng tạo phải là cái mới hoàn toàn. Cái mới không được nằm trong đầu, chứ nằm trong đầu rồi thì là cũ. Sáng tạo là phải làm ra một chủ thể chưa từng có trong đời”. Nhờ vậy mà mỹ thuật Sài Gòn hậu 1975 có thêm nét chấm phá có một không hai.